Được khởi công xây dựng từ năm 2008 và sau khi điều chỉnh đã đưa tổng mức đầu tư lên đến 675 tỷ đồng. Thế nhưng, suốt 12 năm qua, dự án này vẫn ì ạch, chậm tiến độ, nhiều hạng mục công trình có dấu hiệu xuống cấp.
Theo Quyết định số 580/QĐ-UBND ngày 13/3/2008 của UBND huyện Nho Quan (Ninh Bình) thì dự án cải tạo, nâng cấp hồ Thường Xung (Dự án Thường Xung) có tổng mức đầu tư ban đầu là 226,791 tỷ đồng.
Đến năm 2011, do trượt giá, Dự án này được điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư lên đến 675,865 tỷ đồng với các hạng mục xây dựng chính như: Nạo vét lòng hồ; xây dựng tuyến đường ven hồ; xây dựng tuyến đập tràn mới; xây dựng đập mới tiếp nối với tuyến đập chính cũ; sửa chữa nâng cấp đập chính; xây dựng hệ thống kênh tưới kết hợp giao thông và các công trình trên kênh…
Dự án có mục tiêu cung cấp nước tưới cho hơn 800 ha đất canh tác và cung cấp nước sinh hoạt cho 4 xã Văn Phương, Văn Phú, Thượng Hòa, Thanh Lạc (Nho Quan).
Bên cạnh đó, Dự án còn góp phần làm chậm và giảm lũ cho sông Hoàng Long, cải thiện điều kiện giao thông nông thôn cho khu vực miền núi, kết hợp phát triển du lịch, cải thiện đời sống nhân dân trong vùng…
Với ý nghĩa to lớn là vậy, thế nhưng trải qua 12 năm, Dự án này vẫn chưa thể hoàn thành, nhiều hạng mục xây dựng dang dở bị bỏ hoang đã có những dấu hiệu xuống cấp.
Ông Nguyễn Văn Huynh, một trong những hộ dân nằm trong diện phải di dời để nhường đất cho Dự án bức xúc: “Khi được biết có Dự án, chúng tôi đã rất vui mừng và ủng hộ. Hầu hết người dân đều sẵn sàng di dời…thế nhưng càng chờ càng không thấy. Mặc dù đã kiểm đếm tài sản, vật chất hoa màu nhưng cả chục năm qua không thấy động tĩnh gì. Nhà cửa, công trình xuống cấp cũng không được sửa chữa, nâng cấp, trong khi đây là vùng lòng chảo, nước lũ có thể đổ về bất kỳ lúc nào, mỗi mùa mưa bão cận kề là người dân lại nơm nớp lo sợ!”.
Tìm hiểu từ phía chính quyền được biết: Dự án Thường Xung được đầu tư năm 2008, bằng 100% vốn trái phiếu Chính phủ. Phần nâng tổng mức điều chỉnh chủ yếu là mở rộng vùng sau tràn, nâng cao dung tích lòng hồ, tưới cho hơn 800 ha.
Hiện giai đoạn 1 của Dự án đã hoàn thành với các hạng mục: Đập chính, đập tràn, cống lấy nước từ hồ xuống, kênh tưới, nhà quản lý và 1 phần đường quản lý. Giai đoạn 2 với các hạng mục chưa triển khai thi công gồm có: Mở rộng 100 ha lòng hồ, mở rộng diện tích GPMB, di dân, ổn định dân cư cho 18 hộ…
Hiện giai đoạn 1 đã giải ngân được 316 tỷ đồng. Dự án được dự kiến hoàn thành năm 2018, tuy nhiên từ năm 2015 đến nay đã dừng triển khai thi công xây dựng.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến Dự án đội vốn lên gấp 3 lần so với dự toán ban đầu? Trả lời cho vấn đề này, ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Lý do tăng tổng mức đầu tư từ 226,791 tỷ đồng lên 675,865 tỷ đồng là do mở rộng quy mô diện tích lòng hồ mới, kênh thoát lũ sau tràn và chi phí đền bù GPMB tăng từ 50 tỷ lên 80 tỷ đồng.
Ông Vũ Quý Dương, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Nho Quan lý giải: Cơ bản vẫn là do thiếu vốn, cùng với đó là vấn đề GPMB đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Vũ Quý Dương cho biết thêm: Hiện tại, Dự án Thường Xung sau hơn chục năm triển khai thi công đã hoàn thành giai đoạn 1. Các hạng mục đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng gồm có: Tuyến đập chính; tuyến đập tràn mới dài 300 m; 2 cống lấy nước tưới dưới đập; tuyến đường ven hồ; kiên cố hóa 13.157 m kênh tưới và các công trình trên kênh; cứng hóa 8.223 m đường dân sinh; nhà quản lý hồ.
Đồng thời, công trình đã được bàn giao cho Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình để khai thác, vận hành. Ngày 1/12/2016, UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt quyết toán giai đoạn 1 của Dự án với giá trị được quyết toán 316,609 tỷ đồng.
Khi được hỏi về hiệu quả của giai đoạn 1, ông Trần Việt Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Hồ Thường Xung được mở rộng thêm từ 70ha lên 170ha, đã hoàn chỉnh 13.157m kênh tưới và 8.223m đường dân sinh phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Đồng thời cấp nước tưới cho hơn 800 ha đất canh tác và nâng diện tích cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân của 5 xã của Nho Quan.
Nhờ dự trữ, điều tiết nguồn nước hồ cũ hiệu quả nên đã tạo điều kiện cho người dân thâm canh tăng vụ, sản lượng tăng từ 45 triệu lên 65 triệu/ha, thậm chí một số khu vực của xã Văn Phú đạt trên 75 triệu/ha.
Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con huyện miền núi đặc biệt khó khăn này. Ngoài ra, sau khi giai đoạn 1 hoàn thành đã cắt lũ, giảm lũ từ phía thượng nguồn từ Thanh Hóa, Cúc Phương, Kỳ Phú xuống vùng hạ du, giảm thiểu áp lực dòng chảy đầu nguồn lên sông Hoàng Long, sông Đáy.
“Hiện ngân sách nhà nước cấp cho các Dự án chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện, khiến Dự án trọng điểm này chậm tiến độ kéo dài. Trước mắt chúng tôi sẽ báo cáo, đề xuất tỉnh lên phương án di dời 11 hộ dân trong lòng hồ đến khu tái định cư để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các bộ, ngành, Trung ương bố trí nguồn vốn để sớm đưa Dự án hoàn thành góp phần thúc đẩy huyện miền núi Nho Quan phát triển”, ông Hùng nói.
Theo Đại Đoàn Kết
Ảnh: Nguyên nhân chính khiến DA Thường Xung chậm tiến độ là do đội vốn gấp 3 lần.
Xem bài viết gốc tại đây:
http://daidoanket.vn/ninh-binh-hon-10-nam-chua-xong-mot-du-an-522849.html