Những ý tưởng hay tận dụng nguồn rác thải

Trên thế giới, đã có rất nhiều nhà khoa học nghĩ cách tận dụng rác thải sinh hoạt, rác thải điện tử… để sáng chế ra những vật liệu, đồ vật giúp ích con người.

1. Biến rác thải điện tử thành huy chương

Trong một nỗ lực góp phần xây dựng “thế giới xanh”, Ban tổ chức Đại hội thể thao thế giới (Olympic) 2020 ở Nhật Bản cho biết sẽ biến rác thải điện tử thành huy chương cho sự kiện này cũng như Đại hội thể thao thế giới dành cho người khuyết tật (Paralympic) diễn ra ngay sau đó. Theo kế hoạch, Ban tổ chức Olympic 2020 sẽ thu gom 8 tấn kim loại trên khắp cả nước, để chế tạo 5.000 tấm huy chương cho hai sự kiện Olympic và Paralympic. Ban tổ chức Olympic 2020 kêu gọi người dân giúp đỡ họ bằng cách tình nguyện quyên góp máy ảnh kỹ thuật số, máy tính xách tay, điện thoại cũ hỏng…

2. Lợp nhà bằng mái lợp chế từ rác thải

Modroof – một loại mái lợp được làm từ rác thải tái chế có chi phí rất rẻ, được một công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ sản xuất để giúp đỡ người nghèo sinh sống trong các khu nhà ổ chuột. Mái lợp được làm từ hỗn hợp bìa cứng, bao bì và rác thải nông nghiệp tái chế được nén chặt, có độ bền lên tới 20 năm và có khả năng chống chịu tốt. Mái lợp không cháy và chống nước. Modroof cũng có chi phí rẻ hơn nhiều, chỉ bằng 1/10 so với mái nhà đổ bê tông. Đại diện công ty cho biết, họ còn một phiên bản đặc biệt được tích hợp các tế bào quang điện, giúp chuyển năng lượng Mặt trời thành điện năng, đủ để thắp sáng đèn LED và sạc điện thoại.

3. Thảm đường bằng nhựa phế thải

Kỹ sư Toby McCartney người Anh đã tạo ra một loại chất liệu thảm đường có chất lượng tốt hơn đến 60% và tuổi thọ kéo dài hơn 10 lần so với những tuyến đường nhựa thông thường, chất liệu này làm từ nhựa phế thải tái chế. Sản phẩm này sử dụng hỗn hợp nhựa phế thải, chất thải nông nghiệp và chất thải thương mại tạo ra chất liệu MR6 thay thế phần lớn nhựa bitum để thảm đường thông thường. Theo MacCartney, các con đường được xây dựng với MR6 có khả năng bị nứt thấp hơn đường nhựa thường. Ngoài ra, nó còn giúp duy trì độ bền của lốp xe, điều này có thể giúp tiết kiệm nhiên liệu cho bất kỳ loại xe đi trên đường này.

4. Biến rác nhựa thành xăng máy bay

Andy Pag, một kỹ sư tại Anh đã nảy ra ý tưởng chiết xuất nhiêu liệu dành cho máy bay từ những loại rác nhựa. Ông bơm loại xăng được chiết xuất từ nhựa phế thải này vào một máy bay mini để chu du khắp nước Anh. “Nhựa và các loại nhiên liệu hydrocarbon đều có cấu trúc hóa học giống nhau. Chúng cùng được tạo nên bởi những chuỗi nguyên tử hydro và carbon, nhưng cách sắp xếp các nguyên tử của chúng khác nhau. Tôi sẽ đập tan chuỗi nguyên tử của nhựa rồi sắp xếp lại để tạo ra xăng dành cho động cơ máy bay. Đây là kỹ thuật mà người Đức áp dụng trong Thế chiến thứ hai để tạo ra nhiên liệu diesel từ than đá”- Pag cho biết.

5. Sản xuất giày từ rác thải đại dương

Hãng trang phục thể thao nổi tiếng Adidas từng giới thiệu một mẫu giày được làm bằng vật liệu tái chế từ rác thải đại dương. “Chúng tôi đang tạo ra các tiêu chuẩn mới, vật liệu mới và công nghệ rất khác so với phần còn lại của ngành công nghiệp thể thao” – đại diện Adidas cho biết. Theo đó, mũi giày Adidas được làm hoàn toàn bằng chất liệu tái chế từ rác đại dương, bao gồm hợp chất PET được sản xuất từ chai nhựa và nylon thu hồi từ các lưới đánh cá cũ.

6. Xi măng sinh thái làm từ vụn thủy tinh và rác thải

Các nhà khoa học Mexico đã sản xuất thành công một loại xi măng bằng cách tái sinh thủy tinh và rác thải đô thị.ưu điểm của loại xi măng mới phát minh là có thể tận dụng mọi loại thủy tinh rác thải được thu gom. Cách làm nghe có vẻ đơn giản, đó là rửa sạch thủy tinh, sau đó sấy khô, nghiền nhỏ, cán thành bột và trộn với đá vôi. Hỗn hợp này sau đó được kích hoạt hóa tính bằng các hợp chất của kim loại kiềm, để biến thành một dạng hợp chất dẻo giống như xi măng thông thường trộn với nước, trước khi hóa cứng. Sau khi hóa cứng, loại xi măng này có đặc điểm cơ học ưu việt tương tự loại xi măng chuyên dụng để sản xuất bê tông.

PV – Báo Mới

Theo Báo Mới

Ảnh: Minh họa

Xem bài viết gốc: https://baomoi.com/nhung-y-tuong-hay-tan-dung-nguon-rac-thai/c/25738141.epi