Những tổ chức, doanh nghiệp nào “rót tiền” và hợp tác với F88?

Mới đây, F88 vừa bị Bộ Công an và Công an TP.HCM khám xét nhiều chi nhánh tại TP.HCM. Nhiều người đặt câu hỏi, nhiều năm qua, những tổ chức, doanh nghiệp nào đã rót tiền và hợp tác cùng F88?

Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 ra đời năm 2013 với mô hình Hệ thống cầm đồ toàn quốc. Trên website của doanh nghiệp này cho biết, Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 hiện đang cung cấp các dịch vụ cho vay cầm cố đa dạng các loại tài sản như: Cầm đồ ô tô, cầm đồ xe máy, cầm đồ điện thoại, cầm đồ laptop, …

Theo thống kê, hiện nay F88 có mạng lưới 830 chi nhánh trên toàn quốc, cung cấp không chỉ dịch vụ cho vay cầm cố mà còn phân phối bảo hiểm, thanh toán và chuyển tiền.

Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc F88, cho biết F88 là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân có quy mô và tốc độ phát triển khá nhanh tại Việt Nam. F88 cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho những khách hàng dưới chuẩn ngân hàng (unbanked và underbanked) và các doanh nghiệp – siêu nhỏ (micro SME) chưa đáp ứng được các yêu cầu của các tổ chức tài chính ngân hàng.

Vậy, những năm qua, đã có bao nhiêu doanh nghiệp đầu tư, rót vốn vào F88?

50 triệu USD từ VOI và MEF IV

Ngày 2/3/2023, F88 đã huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD (tương đương 1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV). Nguồn vốn mới sẽ được đầu tư vào (1) phát triển công nghệ, dữ liệu và khoa học dữ liệu, (2) xây dựng thương hiệu và gia tăng khách hàng mới cũng như (3) phát triển đội ngũ và thu hút nhân tài.

Những tổ chức, doanh nghiệp nào “rót tiền” và hợp tác với F88? - Ảnh 2
F88 công bố khoản đầu tư 50 triệu USD vòng gọi vốn Series C từ 2 quỹ VOI và MEF IV sáng 2/3. Ảnh: Vneconomy.

Theo ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc F88, “Quỹ Đầu tư Việt Nam – Oman, đại diện cho Cơ quan Đầu tư Vương quốc Oman (Oman Investment Authority – OIA), mong muốn mở rộng đầu tư vào mảng tài chính vi mô tại Việt Nam để cung cấp cho phân khúc khách hàng dưới chuẩn ngân hàng (unbanked và underbanked) khả năng tiếp cận với các khoản vay nhỏ phục vụ nhu cầu khẩn cấp của họ.

Ngày 6/3, Công an TP.HCM phối hợp với Bộ Công an phong tỏa nhiều chi nhánh của Công ty CP Kinh doanh F88 để khám xét. Theo Công an TP.HCM, việc khám xét các chi nhánh của Công ty CP Kinh doanh F88 (Công ty F88) để phục vụ công tác điều tra các hoạt động cho vay và cưỡng đoạt tài sản.

Toàn bộ chi nhánh của công ty này ở nhiều nơi tại TP.HCM cũng bị công an kiểm tra, khám xét. Cụ thể như tại chi nhánh của Công ty F88 trên đường Trần Quang Khải, quận 1; chi nhánh trên đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức; chi nhánh trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12; chi nhánh trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú…

Được biết, Quỹ Vietnam Oman Investments (VOI) thành lập từ năm 2009, là liên doanh giữa Ủy ban Đầu tư Vương quốc Oman (Oman Investment Authority) và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà Nước Việt Nam (SCIC).

Giai đoạn 2017-2018, F88 cũng đã gọi vốn thành công vòng Series A từ quỹ Mekong Enterprise Fund III và vòng Series B từ quỹ Granite Oak.

60 triệu USD từ các tổ chức tài chính quốc tế

Vào năm 2022, F88 tiếp tục nhận được khoản huy động 50 triệu USD từ các quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable (London).

Đây là khoản đầu tư đầu tiên của CLSA và Lending Ark vào F88, và F88 là doanh nghiệp thứ 2 tại Việt Nam huy động thành công hạn mức tối đa từ quỹ tài chính này. Với khoản vốn huy động được, F88 sẽ sử dụng vào việc phát triển mạng lưới và tăng trưởng quy mô kinh doanh.

Tính đến cuối năm 2022, F88 đã huy động thành công 70 triệu USD từ hai tổ chức tài chính quốc tế lớn tại châu Á và châu Âu. Mục tiêu của F88 là IPO vào năm 2024, khi đó số lượng PDG của đơn vị sẽ đạt 1.400 phòng và quy mô vốn hoá doanh nghiệp đạt 1 tỷ USD.

Trao đổi với báo chí, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật Basico cho rằng, hoạt động cho vay với số lượng rất lớn các công ty gồm cả cầm đồ và fintech hiện nay hẳn nhiên đã hình thành một thị trường cho vay tiêu dùng, nhưng lại thiếu sự quản lý rõ ràng, thiếu giới hạn kinh doanh cụ thể, không rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước quản lý.

Nếu có thể tạo được các hành lang pháp lý để fintech hoạt động, thì phạm vi thị trường kinh doanh cầm đồ sẽ tự động thu hẹp lại, trở về đúng với tính chất của nó là phục vụ cho các nhu cầu cho vay nhỏ lẻ gắn với đời sống dân sinh thông thường.

Bắt tay cùng Thế Giới Di cung cấp dịch vụ cho vay tiền

Vào cuối năm 2021, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã công bố đã chính thức trở thành đối tác của Công ty CP Kinh doanh F88 (chủ sở hữu chuỗi cầm đồ F88). Theo đó, 2 bên sẽ hợp tác để cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt tại các cửa hàng Thegioididong.com và Điện Máy Xanh.

Những tổ chức, doanh nghiệp nào “rót tiền” và hợp tác với F88? - Ảnh 3
Thế giới di động bắt tay cùng F88 cung cấp dịch vụ cho vay tiền. Ảnh: Internet.

Theo đó, khách hàng của F88 có thể đến các cửa hàng của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh để vay tiền mà không cần phải mua hàng. Tuy nhiên, khách hàng cần phải có tài khoản ngân hàng mới có thể sử dụng dịch vụ vay của F88.

Cũng theo thông báo của Thế Giới Di Động, dịch vụ cho vay tiền mặt của F88 thực hiện tại các cửa hàng Thegioididong.com và Điện Máy Xanh yêu cầu người vay phải có chứng minh thư hoặc căn cước công dân và cà vẹt xe đứng tên chính chủ.

Phát hành trái phiếu

Thống kê của báo Dân Việt từ HNX cho thấy, F88 đã có 20 đợt huy động vốn từ phát hành trái phiếu, giá trị tổng cộng gần 2.366 tỷ đồng. Các trái phiếu mà F88 phát hành chủ yếu là trái phiếu bằng đồng Việt Nam với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, trả lãi coupon, lãi suất cố định.

Lãi sẽ được thanh toán định kỳ vào cuối kỳ, lãi suất được công bố dao động từ 9%/năm – 12,5%/năm đối với các lô trái phiếu đã phát hành. Trong số 20 lô trái phiếu đã phát hành kể trên, đã có 12 lô trái phiếu đáo hạn với tổng cộng là 1.350 tỷ đồng.

Hiện, còn 8 lô trái phiếu của F88 còn dư nợ với tổng mệnh giá hơn 1.000 tỷ đồng, lãi suất từ 11-12%/năm.

Ông Phùng Anh Tuấn là người đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành F88.

Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Tuấn đang là người đại diện pháp luật của Công ty CP kinh doanh F88 (thành lập năm 2016, công ty đang bị khám xét tại TP.HCM). Ông Tuấn cũng là đại diện Công ty CP Đầu tư F88 được thành lập năm 2015, đây là công ty mẹ của Công ty CP Kinh doanh F88.

Theo tìm hiểu, CEO Phùng Anh Tuấn sinh năm 1984 tại Phú Thọ, thường được mọi người gọi với biệt danh Tuấn Pat. Trước khi thành lập F88, ông Phùng Anh Tuấn từng làm giám đốc một công ty an ninh mạng.

Mới đây, F88 đã lên tiếng về thông tin công an khám xét tại TP.HCM. Công ty này cho biết theo thông tin ban đầu, cơ quan chức năng đang làm việc để thu thập thông tin phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến một nhân sự của F88. Sau khi nhận thông tin trên, Ban lãnh đạo đã có chỉ đạo các phòng ban liên quan phối hợp cung cấp thông tin để làm rõ sự việc.

“F88 rất lấy làm tiếc về sự việc này. F88 là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cho vay bằng hình thức cầm cố tài sản được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật. Tất cả hoạt động của F88 được dựa trên quy trình, quy định chặt chẽ của công ty, dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật” , văn bản của F88 ghi.

Hiện, F88 đang theo sát và phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ vụ việc.

Minh An – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Một văn phòng giao dịch của F88.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/nhung-to-chuc-doanh-nghiep-nao-rot-tien-va-hop-tac-voi-f88-75935.html