Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhiều nội dung chính sách, quan điểm mới, tác động tới nhiều mặt kinh tế – xã hội, cuộc sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, trong đó có lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng.
Theo đó, các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 liên quan đến ngành Xây dựng tập trung ở một số nhóm vấn đề, gồm: Quy hoạch bảo vệ môi trường, phân vùng môi trường, khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ đến khu dân cư; Đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập một số Chiến lược, quy hoạch ngành; Xây dựng ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong sản xuất VLXD, làm vật liệu san lấp; Hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý chất thải; Áp dụng các thủ tục mới về giấy phép môi trường đối với các loại hình dự án đầu tư, cơ sở sản xuất ngành; Xây dựng kế hoạch hành động và triển khai áp dụng kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực ngành; Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc thu hồi, xử lý bao bì thải bỏ, chất thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN…
Triển khai thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản khác có liên quan, ngay trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến công tác bảo vệ môi trường như: Thông tư số 15/2021/TT-BXD ngày 15/12/2021 hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2021/BXD về Quy hoạch xây dựng; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2021/BXD về Nhà chung cư…
Năm 2022 là năm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành. Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững, Bộ Xây dựng tập trung thực hiện một số nội dung nhiệm vụ.
Thứ nhất, nghiên cứu lồng ghép các yêu cầu, nội dung, quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành Xây dựng.
Thứ hai, kiểm soát các yêu cầu, quy định về bảo vệ môi trường trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Thứ ba, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) trong quá trình lập quy hoạch khoáng sản làm VLXD, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.
Thứ tư, rà soát, ban hành mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường, phấn đấu ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:202x/BXD các công trình hạ tầng kỹ thuật trong năm 2022.
Thứ năm, nghiên cứu, đánh giá, rà soát và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong một số lĩnh vực sản xuất ngành Xây dựng;
Thứ sáu, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các quy định kỹ thuật nhằm thúc đẩy sử dụng chất thải công nghiệp thông thường làm VLXD, vật liệu san lấp. Tăng cường công tác kiểm tra việc hợp chuẩn, hợp quy các loại chất thải công nghiệp làm VLXD, vật liệu san lấp của các cơ sở sản xuất phát sinh chất thải, các đơn vị được chỉ định thực hiện hợp chuẩn, hợp quy;
Thứ bảy, nghiên cứu đánh giá hiện trạng, tiềm năng và định hướng kế hoạch triển khai thực hiện kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực ngành Xây dựng. Trước mắt, sẽ tập trung nghiên cứu trong lĩnh vực sản xuất xi măng, sản xuất vật liệu không nung, gốm sứ, sau đó có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác như xử lý chất thải, tái sử dụng nước thải sinh hoạt đô thị sau xử lý…
Để thực hiện các nội dung nhiệm vụ nêu trên, cần thực hiện một số giải pháp, gồm chủ động rà soát kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, để đề xuất việc nghiên cứu lồng ghép các yêu cầu, nội dung, quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật ngành Xây dựng.
Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ sự nghiệp môi trường năm 2022 đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt ngày 31/12/2021, để đảm bảo có các sản phẩm thực hiện theo đúng tiến độ.
Tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường cho các đối tượng làm công tác quản lý nhà nước về xây dựng tại Trung ương, địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ và các DN, cơ sở sản xuất ngành Xây dựng. Khi Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Thông tư hướng dẫn được ban hành sẽ tổ chức phổ biến, hướng dẫn áp dụng cho các đối tượng có liên quan.
Chủ động tổ chức và tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các quy định mới như cấp giấy phép môi trường (tích hợp 7 loại giấy phép) cho các đối tượng cơ sở sản xuất, DN ngành Xây dựng. Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình, kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí trong hoạt động xây dựng.
Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường để phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ môi trường ngành Xây dựng.
Ngọc Khánh (T/h)
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh minh họa. Nguồn: ITN