Những nỗ lực trong công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học

Nhận thức được tầm quan trọng của ĐDSH, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về bảo tồn ĐDSH đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như hoàn thiện hệ thống pháp luật…

Việt Nam được công nhận là quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới. ĐDSH đã góp phần to lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế cho người dân; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu; tạo nên các cảnh quan thiên nhiên; là cội nguồn của nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân Việt Nam.

Sự phát triển kinh tế – xã hội, gia tăng dân số và biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tạo sức ép lớn đến ĐDSH Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của ĐDSH, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về bảo tồn ĐDSH đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn ĐDSH.

1. Những thành tựu đạt được

Hệ thống pháp luật về ĐDSH từng bước được hoàn thiện. Hiện đã xây dựng và ban hành 25 văn bản trực tiếp hướng dẫn triển khai Luật ĐDSH (8 Nghị định của Chính phủ; 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 12 Thông tư). Năm 2020, Bộ TN&MT đã tiến hành xây dựng Luật BVMT (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua, trong đó nội dung về bảo tồn thiên nhiên (BTTN) và ĐDSH đã được nêu tại Chương II quy định về bảo vệ các thành phần môi trường, di sản thiên nhiên và lồng ghép trong một số điều khoản khác. Bên cạnh đó, quy hoạch bảo tồn ĐDSH được tổ chức triển khai. Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã sắp xếp hệ thống các các khu bảo tồn hiện có và đề xuất nghiên cứu để từng bước thành lập, đưa vào hoạt động các khu bảo tồn mới; rà soát và nâng cấp hệ thống cơ sở bảo tồn ĐDSH; đề xuất mới hệ thống hành lang ĐDSH. Tính đến cuối năm 2019 đã có 23 quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phê duyệt. Có 11 địa phương đã xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH song chưa được phê duyệt. Trong quá trình rà soát, đánh giá nhu cầu bảo tồn các tỉnh (23 tỉnh) đã quy hoạch thêm các đối tượng quy hoạch mới (44 khu BTTN, 37 cơ sở bảo tồn ĐDSH và 15 hành lang ĐDSH). Việc lồng ghép nội dung bảo tồn ĐDSH vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cũng được thí điểm tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Sơn La. Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ Lập quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Hệ thống các khu bảo tồn, khu có danh hiệu quốc tế được thành lập và củng cố. Số lượng các khu bảo tồn, khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) ở nước ta tiếp tục gia tăng. Tính đến năm 2019, cả nước đã có 172 khu bảo tồn với tổng diện tích 2.493.843,67 ha (tăng 06 khu bảo tồn so với 2015 với tổng diện tích tăng thêm là 66.693,97 ha) gồm 33 vườn quốc gia; 65 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan; 09 khu vực được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trong giai đoạn 2016 – 2020, thành lập mới 1 vườn quốc gia, 2 khu bảo tồn đất ngập nước, 2 khu bảo tồn loài sinh cảnh, 2 Khu dữ trữ thiên nhiên, 2 khu Ramsar, 5 Vườn di sản ASEAN; thành lập 3 hành lang ĐDSH cấp tỉnh với tổng diện tích 521.878,28 ha kết nối ĐDSH tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế. Từ năm 2016- 2020, đã có 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích là 187.810,93 ha, chiếm 0,19% diện tích vùng biển Việt Nam.

Kiểm soát việc buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo việc tăng cường kiểm soát tình hình nhập khẩu, buôn bán tôm hùm nước ngọt; xây dựng và trình Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về loài ngoại lai xâm hại. Công tác quản lý các loài hoang dã nguy cấp luôn được tăng cường thực hiện, đặc biệt chú trọng triển khai các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này. Năm 2020, Bộ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách để quản lý động vật hoang dã trong tình hình mới. Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được cập nhật, bổ sung. Ngày 14/2/2020, trong bối cảnh dịch COVID19, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn số 679/BTNMT-TCMT gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý động vật hoang dã và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT tiếp tục tổ chức triển khai Chương trình bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (voi, hổ, linh trưởng, rùa) và xây dựng các chương trình bảo tồn cho các loài thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tại các Bộ, ngành, địa phương đã có các hành động quyết liệt, tích cực hơn trong việc kiểm soát việc săn bắt, buôn bán, tiêu thụ, nuôi nhốt trái phép các loài nguy cấp; nhiều hoạt động đã được triển khai nhằm bảo tồn các quần thể loài hoang dã trong tự nhiên. Ngoải ra, Bộ còn hướng dẫn các tỉnh thành lập cơ sở bảo tồn ĐDSH. Đến nay, đã có 7 cơ sở bảo tồn ĐDSH được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận thành lập theo quy định của Luật ĐDSH. Các chương trình giám sát quần thể loài hoang dã được triển khai ở các địa phương. Ký kết thỏa thuận với các tổ chức quốc tế về tăng cường hợp tác trong bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm; yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý động vật hoang dã và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép. Xây dựng các văn bản quản lý các loài ngoại lai xâm hại, loài hoang dã, chim di cư, đường bay chim di cư.

Triển khai Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen. Hiện nay, ở nước ta đã hình thành mạng lưới các cơ quan gồm một số đơn vị đầu mối và 68 đơn vị thuộc 6 Bộ/ngành tham gia thực hiện nhiệm vụ của Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen động, thực vật và vi sinh vật. Công tác thu thập, lưu giữ bảo tồn nguồn gen được thực hiện hàng năm và tăng đáng kể. Năm 2020 thu thập được tổng cộng 88.968 nguồn gen, tăng 3,12 lần so với năm 2010. Các Bộ, ngành đã cấp 10 Giấy phép tiếp cận nguồn gen, trong đó, Bộ TN&MT cấp 2 giấy phép tiếp cận nguồn gen vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại và 6 giấy phép không vì mục đích thương mại; Bộ NN&PTNT cấp 2 giấy phép vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại; ban hành hơn 72 quyết định cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại.

Phục hồi, phát triển hệ sinh thái cây xanhTại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ đã nêu sáng kiến trồng mới 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có cây xanh đô thị. Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT đã xây dựng đề án về phục hồi, phát triển hệ sinh thái cây xanh nhằm ứng phó với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững đất nước, đồng thời triển khai các hoạt động cụ thể, trong đó có việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo xây dựng bản đồ số nhằm cung cấp địa điểm, hướng dẫn cụ thể về cây trồng để thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia. Các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong xã hội tích cực hưởng ứng, thực hiện hoạt động trồng cây và đã bước đầu hình thành được nếp sống mới đến cơ quan, tổ chức, từng gia đình, cá nhân trong xã hội.

Xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) ĐDSH, số hóa quản lý di sản thiên nhiên được quan tâm đẩy mạnh, hướng tới việc số hóa công tác quản lý, BTTN và ĐDSH, phù hợp với Chính phủ điện tử ngành TN&MT. Trang thông tin về Di sản thiên nhiên và ĐDSH giới thiệu, quảng bá về vẻ đẹp, giá trị và tiềm năng của cảnh quan thiên nhiên và ĐDSH Việt Nam, kết nối với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đang được triển khai xây dựng. Tiếp tục nâng cấp và vận hành CSDL ĐDSH quốc gia để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH. Hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng Đề án kiểm kê, xây dựng CSDL ĐDSH, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án trong Quý III năm 2021. Đồng thời, phát triển một cách có hệ thống bộ hướng dẫn kỹ thuật về kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo, theo dõi hiện trạng và diễn biến ĐDSH, phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách về BTTN và ĐDSH.

Hợp tác quốc tế trong bảo tồn ĐDSH được Bộ TN&MT chú trọng triển khai. Bộ đã thực hiện tốt vài trò đầu mối thực thi các cam kết quốc tế về ĐDSH, mở rộng đối tác, huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn loài, quản lý nguồn gen, quản lý đất ngập nước, quản lý khu dự trữ sinh quyển, khu di sản ASEAN, sáng kiến thành lập hành lang ĐDSH. Năm 2019, Bộ TN&MT đã xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ 4 về việc thực hiện Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học; Xây dựng Báo cáo quốc gia lần 6 về ĐDSH trình Ban thư ký Công ước ĐDSH; Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước Ramsar theo yêu cầu của Ban thư ký Công ước Ramsar (năm 2020). Bên cạnh đó, nhiều dự án hợp tác quốc tế về BTTN và ĐDSH đã được triển khai có hiệu quả.

Kiểm soát các tác động từ hoạt động phát triển kinh tế- xã hội tới ĐDSH, đặc biệt là tác động từ các dự án phát triển thông qua việc thực hiện tốt đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường: Nội dung đánh giá tác động đến ĐDSH được chú trọng trong đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Hầu hết, các Hội đồng đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển có thể ảnh hưởng đến ĐDSH do Bộ TN&MT tổ chức đều có sự tham gia của các chuyên gia ĐDSH và đại diện cơ quan chuyên trách quản lý BTTN và ĐDSH. Qua đó, yêu cầu đánh giá hiện trạng ĐDSH; các tác động của dự án đến ĐDSH; thực hiện các biện pháp và phương án giảm nhẹ tác động xấu tới môi trường, ĐDSH. Tuy nhiên, các yêu cầu quản lý, BĐKH, đánh giá tác động môi trường và đánh giá môi trường chiến lược đối với các khu vực tự nhiên cần ưu tiên bảo vệ, đặc biệt là các khu vực được quốc tế công nhận như khu dự trữ sinh quyển.

Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ĐDSH. Hàng năm, Bộ TN&MT đã tiến hành kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ĐDSH và kịp thời hướng dẫn thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH ở cấp tỉnh, chú trọng các nội dung thực hiện Luật ĐDSH, Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; bảo tồn đất ngập nước, quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích…; thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ xử lý các vấn đề nóng trong quản lý ĐDSH như phòng chống cháy rừng, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, bảo vệ động vật hoang dã…

Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về BTTN và ĐDSH được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Hàng năm, theo hướng dẫn của Công ước ĐDSH, Bộ TN&MT có công văn hướng dẫn triển khai các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế ĐDSH theo các chủ đề đã được quốc tế lựa chọn. Các văn bản tuyên truyền, hướng dẫn được chú trọng triển khai. Các chương trình truyền hình giới thiệu về các khu bảo tồn và đa dạng sinh học của Việt Nam cùng công tác quản lý bảo tồn ĐDSH cũng được trình chiếu trên các kênh truyền hình quốc gia và các kênh địa phương đến mọi miền Tổ quốc. Nhiều tài liệu tập huấn, đào tạo về ĐDSH, an toàn sinh học; Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên ĐDSH đã được biên soạn và gửi đến các cơ quan, sở ban ngành liên quan.

2. Những tồn tại hạn chế

Công tác BTTN và ĐDSH đã có nhiều chuyển biến tích cực, với các nỗ lực và sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương; các cơ chế chính sách được triển khai đồng bộ và đang từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, ĐDSH có dấu hiệu tiếp tục bị suy giảm, cân bằng sinh thái có nguy cơ bị ảnh hưởng trước tác động của áp lực phát triển và biến đổi khí hậu toàn cầu.

ĐDSH tiếp tục bị suy giảm, cân bằng sinh thái có nguy cơ bị ảnh hưởng. Quy mô, chất lượng và tính đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên tiếp tục suy giảm; việc thành lập mới các khu BTTN và mở rộng diện tích BTTN còn chậm; các loài động thực vật hoang dã tiếp tục suy giảm; vẫn còn các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen. Tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến diện tích rừng và độ che phủ của thảm thực vật.

Các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp diện tích tích do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Rừng nguyên sinh chỉ còn rất ít, bị chia cắt và cô lập thành những khu nhỏ, phân bố rải rác ở một số khu vực như Tây Nguyên, Tây Bắc nên khó có cơ hội phục hồi hoàn toàn. Chặt phá rừng tự nhiên, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước làm nơi cư trú của động vật hoang dã bị thu hẹp hoặc mất đi, nhất là đối với các loài có kích thước lớn như hổ, voi hoặc loài di chuyển nhiều như chim, các loài cá di cư. Trong giai đoạn 2017-2019 đã có 3.499 dự án với 170.504 ha rừng được chuyển sang mục đích khác.

Tình hình vi phạm pháp luật về ĐDSH, bảo vệ rừng vẫn tiếp tục ở mức cao: từ đầu năm 2017 đến 3/2019, cơ quan hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 87 vụ vi phạm về khai thác, buôn bán các loài hoang dã nguy cấp, trong đó phát hiện bắt giữ nhiều vụ vi phạm quy mô lớn như vụ bắt giữ hơn 1,8 tấn ngà voi và hơn 6,3 tấn vẩy tê tê ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng; 2,8 tấn vẩy tê tê và 600 kg ngà voi ngày 31 tháng 01 năm 2019; tỉnh Quảng Ninh: xử lý 40 vụ án hình sự trong tổng số 93 vụ bị phát hiện, bắt giữ; tỉnh Quảng Trị, từ 2015 đến nay, xử lý 02 vụ/44 vụ án vi phạm. Số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016-2020 xảy ra 73.834 vụ, bình quân 14.667 vụ/năm. Diện tích rừng bị thiệt hại là 11.661ha; Năm 2019, diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng trái phép là 578 ha, giảm 10 ha (2%) so với năm 2018; đã xảy ra 292 vụ cháy rừng (tăng 117 vụ, tương ứng 67% so với năm 2018), diện tích rừng bị thiệt hại là 1.997 ha rừng các loại, tăng 1.649 ha so với cùng kỳ năm 2018.

Các hệ sinh thái sông, hồ, đầm phá cũng đang bị khai thác quá mức, chịu áp lực nặng nề từ các dự án phát triển hạ tầng lớn như ngăn đập phục vụ nhu cầu thủy lợi và thủy điện, dẫn đến mất môi trường sống của nhiều loài thủy sinh và làm suy giảm chức năng sinh thái. Các dòng sông, vùng đầm phá bị thay đổi dẫn đến mất chức năng điều tiết nước đã gây xói lở, nhiễm mặn, cạn kiệt dòng chảy… làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và nhiều loài sinh vật. Các hệ sinh thái biển như rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển và ĐDSH đang bị suy thoái, thu hẹp diện tích. Với tình trạng săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã tiếp tục diễn biến như hiện nay, số lượng loài nguy cấp, quý, hiếm bị đe dọa tăng lên.

3. Định hướng công tác bảo tồn ĐDSH trong thời gian tới và đề xuất giải pháp

Trước áp lực của sự phát triển và tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt trên toàn cầu, nguy cơ suy giảm, suy thoái ĐDSH đã gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường hiệu quả BTTN và ĐDSH tại Việt Nam là một trong những nhiệm vụ cấp bách của quốc gia. Để tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn ĐDSH, một số định hướng trong thời gian tới cần ưu tiên thực hiện một số nội dung sau:

– Đẩy mạnh việc triển khai thực thi và hoàn thành các văn bản pháp luật về quản lý ĐDSH, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BVMT (sửa đổi) sau khi được ban hành (đối với các nội dung về ĐDSH); Xây dựng dự án sửa Luật ĐDSH; xây dựng Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp và cộng đồng trong BTTN và ĐDSH trên toàn quốc; thống nhất hệ thống khu bảo tồn trên toàn quốc; huy động sự tham gia của toàn xã hội trong công tác BTTN và ĐDSH;

– Xây dựng và triển khai đề án phục hồi hệ sinh thái; triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước; thúc đẩy thành lập các khu bảo tồn theo quy hoạch bảo tồn ĐDSH; Triển khai Đề án kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH nhằm xây dựng, vận hành được cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia và Trang thông tin về Di sản thiên nhiên và ĐDSH, kết nối với địa phương. Thí điểm thực hiện điều tra, đánh giá, quan trắc, giám sát ĐDSH theo hệ sinh thái; đề xuất nghiên cứu cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái lưu vực sông Mekong…;

– Tiếp tục thúc đẩy việc khoanh vùng bảo tồn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và ĐDSH theo quy định của pháp luật về BĐKH, ĐDSH và pháp luật có liên quan; tăng cường năng lực quản lý các khu BTTN, di sản thiên nhiên; cơ sở bảo tồn ĐDSH; xây dựng khuôn khổ chính sách và pháp lý bảo tồn, bảo vệ các hành lang ĐDSH, khu vực ĐDSH cao; bảo vệ, bảo tồn giá trị sinh thái của thiên nhiên, môi trường tự nhiên;

– Xây dựng đề xuất một số mô hình về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH và áp dụng thí điểm mô hình cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen; cơ chế kiểm soát, quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm sinh vật biến đổi gen; lượng giá ĐDSH, Bồi hoàn ĐDSH, Đánh giá tác động ĐDSH trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội… Xây dựng và vận hành thí điểm cơ sở bảo tồn ĐDSH;

– Tăng cường hợp tác quốc tế trong BTTN và ĐDSH nhằm huy động các nguồn lực cho công tác BTTN và ĐDSH;

– Đẩy mạnh tiến hành thanh kiểm tra về công tác quản lý bảo tồn ĐDSH và truyền thông nâng cao nhận thức về BTTN và ĐDSH.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học trên quan điểm phát triển bền vững, một số đề xuất giải pháp như sau:

– Kiện toàn bộ máy tổ chức và tăng cường nguồn nhân lực quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở cấp trung ương và địa phương; chú trọng tăng cường hệ thống tổ chức cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, độc lập với các cơ quan quản lý việc khai thác, sử dụng để tăng biện pháp kiểm soát việc khai thác, sử dụng quá mức. tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành, giữa trung ương và địa phương trong quản lý đa dạng sinh học;

– Chú trọng bố trí và xây dựng nguồn nhân lực và kinh phí tương xứng với nhiệm vụ được giao ở trung ương và địa phương; tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học; ưu tiên bố trí nguồn lực (nhân lực và tài chính) để thực hiện hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương;

– Bổ sung chi ngân sách cho BVMT, trong đó có dòng chi cho bảo tồn đa dạng sinh học đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; xem xét các giải pháp đột phá về nguồn lực cho BVMT để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, theo kịp mức độ gia tăng nhanh về quy mô, diễn biến ngày càng phức tạp của các vấn đề môi trường, phù hợp với xu thế tăng cường quản lý môi trường trong khu vực và trên thế giới;

– Tăng cường sự giám sát, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền trong việc thực hiện các giải pháp giải quyết, xử lý các vấn đề tồn tại của công tác bảo tồn thiên nhiên ĐDSH.

TS. Nguyễn Xuân Dũng, ThS. Đặng Thùy Vân

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học

Theo Tạp chí Môi trường