Những mỏ quặng thiếc bức tử dòng Nậm Tôn

Từ một dòng sông cung cấp nguồn lợi thủy sản dồi dào cho người dân, nhiều năm nay, sông Nậm Tôn (Quỳ Hợp) chuyển màu đỏ ngầu, ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chính của tình trạng này đến từ việc các mỏ khai thác quặng lén lút xả thải trực tiếp ra dòng sông.

Dòng sông chết

Nhiều năm nay, người dân huyện Quỳ Hợp đã quá quen thuộc với hình ảnh nhuốm màu đỏ ngầu của sông Nậm Tôn. Họ gọi đó là “dòng sông chết”, bởi nó đã không còn một lợi ích nào đối với họ, dù chỉ là tưới tiêu.

Nậm Tôn cùng với Nậm Huống là 2 phụ lưu chính của sông Dinh – một trong những biểu tượng tự nhiên của huyện Quỳ Hợp. Sông Nậm Tôn bắt nguồn từ những dãy núi thuộc địa phận các xã Châu Hồng, Châu Tiến và Liên Hợp. Nhiều đoạn trên các xã này, sông chảy ngầm dưới chân núi, tạo thành nhiều hang karst. Khi về tới địa phận xã Châu Quang, Nậm Tôn hợp với Nậm Huống, tạo thành sông Dinh.

“Quanh năm nó đỏ vậy đó. Nó chết rồi! Chỉ khi nào những mỏ quặng ngừng xả thải, may ra dòng sông mới sống lại”, ông Lô Đình Hà (72 tuổi, xã Châu Hồng) lắc đầu ngao ngán. Trong ký ức của ông Hà, dòng sông Nậm Tôn từng trong vắt, người dân địa phương vẫn thường kéo về tận nhà để dùng nước sinh hoạt. Nó cũng chứa đầy tôm cá, là nguồn lợi lớn cho họ. Vào những mùa khô, nước sông còn được dùng để tưới tiêu cho các cánh đồng lúa nơi đây. Tuy nhiên, số phận của dòng sông này đã phải thay đổi, khi những doanh nghiệp khai thác khoáng sản đầu tiên tới đây.

Theo ông Lang Văn Hanh – Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, đó là vào khoảng 30 năm trước, khi một nhà máy tuyển và khai thác quặng thiếc đầu tiên được cấp phép ngay cạnh thượng nguồn sông Nậm Tôn.

“Trước đây, vấn đề môi trường chưa được quan tâm. Mỏ quặng cứ thế xả thải trực tiếp xuống sông mà không bị xử lý. Sông Nậm Tôn ô nhiễm kể từ đó”, ông Hanh nói.

Hầu hết thời gian trong năm, dòng sông này có màu đỏ. Ảnh: T.H

Hầu hết thời gian trong năm, dòng sông này có màu đỏ. Ảnh: T.H

Cho đến nay, hàng chục mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép trên vùng thượng nguồn Nậm Tôn, thuộc các xã Châu Hồng, Châu Tiến và Liên Hợp. Khu vực này vì thế được gọi là “thủ phủ khoáng sản” của Nghệ An. Trong số đó, các mỏ quặng thiếc chính là những thủ phạm chính biến Nậm Tôn thành dòng sông chết.

Hầu hết thời gian quanh năm, nước sông Nậm Tôn đều đỏ ngầu một cách đáng sợ. Cá tôm dần bị chết, người dân cũng chẳng còn dám dẫn nước vào tưới tiêu cho ruộng của mình. Bởi sau mỗi lần tưới, lúa dần héo úa, đất đai cũng bị thoái hóa do nguồn nước ô nhiễm. Không có nguồn nước để tưới, họ đành phải chuyển đổi cây trồng.

Tình trạng ô nhiễm sông Nậm Tôn ngày càng nghiêm trọng trong những năm trở lại đây. Khi mà các mỏ quặng thiếc được cấp phép, đi vào hoạt động ngày càng nhiều. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, mẫu nước lấy từ điểm quan trắc trên sông Nậm Tôn có độ đục khá cao, chỉ số TSS nhiều lần vượt quy chuẩn. Cụ thể, năm 2017 chỉ số TSS vượt quy chuẩn từ 2,4-3,3 lần, năm 2018 vượt từ 1,63-4,73 lần, năm 2019 vượt từ 1,43-10,86 lần. Đặc biệt năm 2020, chỉ số TSS xuất hiện trong đợt 3 đạt 808mg/l, trong khi theo quy chuẩn Việt Nam là 30mg/l (vượt 26,93 lần). Trong mẫu trầm tích cũng được đơn vị này quan trắc lần đầu tiên vào năm 2021 thì chỉ số Asen là hơn 157mg/kg trong khi theo quy chuẩn Việt Nam là 17mg/kg (vượt 9,28 lần), chỉ số thủy ngân Hg vượt 1,01 lần.

Tuy nhiên, đây chỉ là những mẫu nước được lấy ở trạm quan trắc trên sông đoạn qua thị trấn Quỳ Hợp, cách khu vực thượng nguồn Nậm Tôn hàng chục km. Từ trên thượng nguồn, nơi có các mỏ quặng xuống đây, dòng sông đã được hợp lưu từ nhiều con suối nhỏ. Mức độ ô nhiễm vì thế có thể đã giảm đi nhiều.

Nậm Tôn đã bị biến thành dòng sông chết. Ảnh: T.H

Nậm Tôn đã bị biến thành dòng sông chết. Ảnh: T.H

Thủ đoạn tinh vi của các chủ mỏ

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp tính đến tháng 1/2022, có 13 mỏ quặng thiếc đã được cấp phép và còn hạn khai thác. Trong số này, có đến 10 mỏ quặng thiếc nằm trên thượng nguồn Nậm Tôn thuộc 3 xã Châu Hồng, Châu Tiến và Liên Hợp. Các chủ mỏ thường bơm hút nước ngầm lên để tuyển quặng, bóc tách các hợp chất, kim loại khác ra khỏi thiếc. Theo quy định, nguồn nước thải sau khi sử dụng để tuyển quặng xong phải cho xuống các hố lắng, thông qua các bước xử lý rồi tiếp tục tái sử dụng trở lại, mà không được xả ra ngoài môi trường.

Tuy nhiên, nhiều chủ mỏ sau khi tuyển quặng lại tìm cách xả thải trực tiếp ra môi trường. Điều này không chỉ ô nhiễm môi trường mà còn khiến nguồn nước ngầm bị bơm hút đến mức cạn kiệt. Trong vài năm trở lại đây, cũng tại “thủ phủ khoáng sản” này, hàng trăm nhà dân và công sở bị nứt nẻ, sụt lún, giếng nước thì cạn trơ đáy. Theo kết luận của đoàn kiểm tra, nguyên nhân là do cạn kiệt nguồn nước ngầm.

Một đường ống chôn sâu dưới lòng đất dẫn vào hang karst sau khi được đào lên. Ảnh: T.H

Một đường ống chôn sâu dưới lòng đất dẫn vào hang karst sau khi được đào lên. Ảnh: T.H

Một vị lãnh đạo huyện Quỳ Hợp cho biết, việc sông Nậm Tôn bị bức tử trong suốt hàng chục năm qua, là một trong những vấn đề nhức nhối nhất của địa phương. Chính quyền địa phương cùng các sở, ngành đã thường xuyên kiểm tra tại các mỏ quặng, nhưng rất khó phát hiện vi phạm.

Trong chuyến kiểm tra mới đây, khi một trong những đường ống xả thải của mỏ quặng gặp sự cố, đoàn kiểm tra mới phát hiện được 2 doanh nghiệp lén lút xả thải trực tiếp xuống sông Nậm Tôn. Theo đó, lợi dụng những đoạn sông chảy ngầm qua các hang karst nằm sâu trong núi, 2 mỏ quặng thiếc đã lắp những đường ống dài tới 800m, sau đó chôn ngầm dưới đất rồi chạy thẳng vào trong hang để xả. Điểm xả thải nằm sâu trong hang nên những đoàn kiểm tra trước, không ai phát hiện ra.

Lực lượng chức năng kiểm tra mẫu nước. Ảnh: T.H

Lực lượng chức năng kiểm tra mẫu nước. Ảnh: T.H

Cụ thể, khi kiểm tra tại mỏ khai thác và tuyển quặng thiếc của Công ty TNHH Hồng Lương tại khu vực Hung Nọi (xã Châu Hồng), đoàn kiểm tra tình cờ phát hiện một lượng lớn nước thải đỏ ngầu đang phun từ dưới đất lên. Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp trực tiếp kiểm tra tại hiện trường đã lập tức điều máy múc tới và phát hiện đường ống có đường kính phi 150 được chôn sâu dưới lòng đất. Lần theo đường ống này, đoàn kiểm tra phát hiện điểm cuối xả thải nằm sâu trong lòng hang karst, nơi sông Nậm Tôn chảy ngầm qua.

“Nếu đường ống không bị bục, chắc là không ai phát hiện ra việc lén lút xả thải như thế này”, một cán bộ trong đoàn kiểm tra nói.

Tại bể lắng của Công ty TNHH Hồng Lương, đoàn kiểm tra còn phát hiện 1 máy bơm khoảng 11 KW dùng để bơm đẩy nước thải. Đặc biệt, cũng ngay trong hang karst, đoàn kiểm tra còn phát hiện thêm 2 miệng đường ống khác. 2 đường ống này có đường kính phi 140, dài khoảng 400m dẫn tới hố lắng nước thải của Công ty TNHH Hà Cương. Đây là doanh nghiệp được cấp phép khai thác, tuyển quặng thiếc tại khu vực Thung Xén (xã Châu Tiến). Dù 2 mỏ này thuộc địa phận 2 xã nhưng lại giáp ranh với nhau và đều nằm cạnh sông Nậm Tôn.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của mỏ quặng thiếc Hà Cương đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt thì nước thải sau quá trình tuyển quặng sẽ chảy vào hồ lắng bùn. Tại đây, phần lớn chất rắn lơ lửng trong nước bị lắng đọng. Sau đó nước được chảy sang hồ lắng nước để tiếp tục lắng và chảy sang hồ chứa tái sử dụng và được sử dụng lại bằng cách bơm hồi lưu tuần hoàn lại để tiếp tục dùng cho quá trình tuyển quặng tiếp theo. Bùn lắng từ các hồ định kỳ sẽ được nạo vét và phơi tại sân phơi bùn có diện tích 1.400 m2 sau đó vận chuyển đổ thải, gia cố lại bằng cách đắp thành hồ lắng bằng các sản phẩm đất đá thải của mỏ…

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, bờ đê của 1 hố lắng bị vỡ do mưa lũ nhưng công ty chưa gia cố, khắc phục. Bùn đất thải trong quá trình sản xuất bồi lắng các hồ thải, làm nước chảy tràn ra môi trường. Hành vi của công ty là thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh phê duyệt.

Lợi dụng địa hình có nhiều hang karst, các chủ mỏ kéo đường ống vào sâu trong hang để xả thải. Ảnh: T.H

Lợi dụng địa hình có nhiều hang karst, các chủ mỏ kéo đường ống vào sâu trong hang để xả thải. Ảnh: T.H

Tại hệ thống bể lắng của công ty, đoàn phát hiện công ty có lắp 2 máy bơm công suất 11kW nối với hai đường ống từ vị trí bể lắng đến hang karst. Tại thời điểm kiểm tra, công ty không tiến hành bơm xả thải trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên, qua làm việc công ty đã thừa nhận việc lắp máy bơm và hệ thống đường ống là mục đích để bơm hút nước thải xả vào hang karst khi lượng nước thải đầy hố lắng hoặc lúc mưa lũ lớn. 2 mỏ quặng này sau đó đã bị UBND huyện Quỳ Hợp xử phạt 420 triệu đồng. Đồng thời, bị đình chỉ hoạt động thi công, xây dựng có phát sinh chất thải 2 tháng để khắc phục vi phạm.

Ông Trần Đức Lợi – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, sau khi đình chỉ hoạt động ở 2 mỏ quặng này, dòng sông Nậm Tôn đang có dấu hiệu hồi sinh, trong xanh trở lại.

Đây không phải lần đầu cơ quan chức năng phát hiện những mỏ quặng trên thượng nguồn sông Nậm Tôn xả thải ra môi trường. Ngày 20/5/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã xử phạt Công ty cổ phần Tân Hoàng Khang 70 triệu đồng vì vi phạm tương tự. Đây là công ty được cấp phép khai thác, tuyển quặng thiếc ở khu vực Thung Lùn (xã Châu Hồng).

Cụ thể, năm 2022, chủ mỏ này đã xả nước thải bơm từ hầm lò vào hệ thống bể lắng tuần hoàn, sau đó bơm nước thải từ bể lắng tuần hoàn vào hang karst. Trong khi đó, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường mỏ quặng này thì nước thải từ quá trình sản xuất (từ các xưởng tuyển) phải được thu gom lại, sau đó lắng cơ học và bơm tuần hoàn 100% trở lại cung cấp cho hệ thống tuyển mà không được thải ra môi trường.

Tiến Hùng – Báo Nghệ An

Theo Nghệ An

Ảnh: Sông Nậm Tôn (bên trái) đoạn hợp lưu với Nậm Huống. Ảnh: T.H

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baonghean.vn/nhung-mo-quang-thiec-buc-tu-dong-nam-ton-post264185.html