Những khối nhà trăm tỷ ‘bỏ hoang’ giữa Hà Nội

Những khối nhà trăm tỷ ‘bỏ hoang’ giữa Hà Nội

Tại sao những tòa chung cư với các căn hộ bạc tỷ là niềm mơ ước của hàng triệu người lại đang bị “bỏ hoang” phơi mưa nắng nhiều năm chưa biết khi nào đưa vào sử dụng?

Hàng trăm tỷ “phơi sương, hứng nắng”

Ngày ngày đi làm qua con phố Tân Mai (Hoàng Mai – Hà Nội), chị Nguyễn Ngọc Anh không khỏi xót xa về những tòa nhà cao tầng được sơn màu xanh nước biển nổi bật ngay mặt đường bao năm nay không có người ở!

Đó là quỹ nhà được xây dựng sẵn để bố trí cho các gia đình thuộc diện được tái định cư khi Nhà nước giải tỏa, thu hồi đất phục vụ các mục đích công cộng.

Đi một vòng Hà Nội, trên địa bàn các quận như Hoàng Mai, Long Biên, Cầu Giấy… hiện còn rất nhiều tòa nhà tái định cư “bỏ hoang” nhiều năm nay.

Điển hình là 3 tòa nhà tái định cư cao 6 tầng, với 150 căn hộ thuộc khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên – Hà Nội) được triển khai từ năm 2001-2006 do Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) làm chủ đầu tư dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng.

3 tòa nhà tái định cư cao 6 tầng, với 150 căn hộ thuộc khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên – Hà Nội) được triển khai từ năm 2001-2006 vẫn bỏ không

Hiện, nhiều hạng mục các tòa nhà đã xuống cấp. Quanh khu vực vườn hoa, sân chơi… cỏ mọc um tùm, các cánh cửa ra vào tòa nhà vẫn trong tình trạng khóa chặt. Tại tầng 1 của một tòa nhà hiện đang được sử dụng làm văn phòng của Ban quản lý khu đô thị Sài Đồng.

Ngoài ra, còn nhiều tòa chung cư tái định cư đã xây dựng gần xong rồi bỏ dở dang qua nhiều năm như dự án nhà ở tái định cư N01 – D17 nằm trên phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu); 2 tòa tái định cư Trần Phú nằm trên đường Khuyến Lương, phường Trần Phú (quận Hoàng Mai)…

Hầu hết các công trình này đều xuống cấp, rêu mốc, nứt nẻ, xỉn màu vì mưa nắng… mà chưa có người vào ở, vô cùng lãng phí.

“Bỏ hoang” vì chưa nghiệm thu xong?

Trước thực trạng của những tòa nhà tái định cư bỏ không, ông Phạm Hữu Tiến – Phó trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân là do những tòa nhà đó chưa nghiệm thu xong theo quy định Luật Xây dựng nên chưa đưa vào sử dụng được.

Nhiều khối nhà tái định cư xây dựng chất lượng kém, việc xây dựng quá dập khuôn, máy móc, không tham vấn cộng đồng dân cư, nhà xây lên do không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân nên dân không chịu đến ở.

Nhiều hộ dân không đồng ý tái định cư bằng căn hộ, mà họ đòi tái định cư bằng đất để tối đa lợi ích.

Nhiều khu nhà tái định cư khá xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, thậm chí nơi ở mới không đáp ứng được điều kiện làm việc, con cái học hành.

Hậu quả là nhiều tòa nhà tái định cư “bỏ hoang” rải rác khắp Hà Nội.

Chung cư tái định cư tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội đã hoàn thiện nhưng chưa sử dụng từ nhiều năm nay

Theo số liệu cung cấp từ Phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, trên địa bàn Hà Nội hiện có tổng số 186 tòa nhà tái định cư, với 17.535 căn hộ.

Báo cáo năm 2018, Cty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội tiếp nhận quản lý 166 nhà tái định cư với tổng số 14.211 căn hộ. Số căn hộ đã trả tiền mua nhà, bố trí tái định cư là 13.111 căn.

Còn lại 724 căn đã bố trí tái định cư phục vụ dự án giải phóng mặt bằng có quyết định của UBND thành phố nhưng người dân chưa đến làm thủ tục. Cùng với đó có 376 căn hộ chưa bố trí tái định cư.

Theo quan sát tại thời điểm này, vẫn còn khoảng 10 tòa nhà với khoảng 1000 căn hộ đang hoặc đã hoàn thiện đang bỏ không, chưa có người vào ở.

Hiện Thành phố giao tiếp nhận quản lý, vận hành quỹ nhà chung cư tái định cư cho 3 đơn vị.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội được giao 148 tòa (trong đó có 12 tòa thuộc quỹ nhà 30%). Công ty đang thực hiện quản lý vận hành 90 tòa. Đã bàn giao cho các ban quản trị 20 tòa. Các hộ dân tự quản 26 tòa thấp tầng thang bộ. Các chủ đầu tư của quỹ nhà 30% đang quản lý 12 tòa.

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội được giao 20 tòa thì hiện đơn vị này đang thực hiện quản lý vận hành 1 tòa và đã bàn giao công tác quản lý vận hành cho 19 Ban quản trị .

Thành phố cũng giao 18 tòa cho Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở. Hiện Ban đang quản lý vận hành 11 tòa và đã bàn giao công tác quản lý vận hành cho 7 cho Ban quản trị.

Xử lý chung cư tái định cư “đắp chiếu”, chống lãng phí

Trước yêu cầu của người dân về bố trí tái định cư bằng đất nền, hiện quỹ đất trống của Hà Nội không còn nhiều, nên phương án đền bù bằng đất không dễ thực hiện. Chính quyền địa phương cần xem xét nhu cầu, nguyện vọng của người dân đối với việc bố trí tái định cư, có cơ chế đền bù thỏa đáng đối với đất và tài sản gắn liền với đất thu hồi khi người dân muốn tự lo nơi tái định cư.

Đối với tình trạng nhà tái định cư có vị trí bất lợi, không thuận tiện về hạ tầng, Hà Nội đã chủ trương thực hiện thí điểm cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư.

Các căn hộ bố trí tái định cư vừa tận dụng được hạ tầng, vị trí đẹp, thuận tiện của các chung cư thương mại, người dân về ở cũng được hưởng chất lượng và dịch vụ theo nhà ở thương mại.

Các chung cư chưa nghiệm thu cần nhanh chóng tháo gỡ các tồn tại, để nghiệm thu đưa vào sử dụng. Chung cư không bố trí được người tái định cư thì cần tổ chức bán đấu giá, thay vì để lâu ngày công trình xuống cấp, lãng phí.

Ông Bùi Tiến Thành – Trưởng Phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra hiện trường các dự án từ tháng 11/2020 và đã có văn bản đôn đốc UBND các quận tập trung, chủ động phối hợp với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, chủ động phối hợp với các cơ quan nghiệm thu phòng cháy chữa cháy khẩn trương hoàn thành các hạng mục phòng cháy chữa cháy theo quy định….

Năm 2019, tại buổi làm việc với Sở Xây dựng TP Hà Nội, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng, cần xây dựng phần mềm quản lý tất cả nhà thương mại, tái định cư, nhà xã hội.

Sở Xây dựng sẽ xây dựng quy chế để mỗi năm Ban quản lý các tòa nhà đóng kinh phí duy trì phần mềm và có trách nhiệm tự cập nhật thông tin về mua bán, duy tu, bảo trì… Kho dữ liệu này sau này sẽ góp phần để hoạch định cơ chế chính sách, xây dựng thành phố thông minh.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng công trình, trên thị trường hiện nay, có thể thể áp dụng mô hình thông tin công trình BIM ((Building Information Model).

Hiện nay, BIM đã được áp dụng bắt buộc trong ngành xây dựng nhiều nước như Mỹ, Anh, Singapore, và một số nước khác ở các cấp độ khác nhau.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt cũng hoàn toàn có thể xây dựng mô hình thông tin công trình, bao gồm từ khảo sát nhu cầu người dân tái định cư, dự toán chi phí nhằm hỗ trợ cơ quan quản lý hoặc doanh nghiệp làm các công trình tái định cư chất lượng.

Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của ngành xây dựng Việt Nam trong các dự án xây dựng nhà tái định cư.

Nguyễn Lê – Báo VietnamNet

Theo VietnamNet

Xem bài viết gốc tại đây:

https://premium.vietnamnet.vn/nhung-khoi-nha-tram-ty-bo-hoang-giua-ha-noi-n-474639.html