Theo đó, hàng chục dự án đang mời gọi đầu tư tại Đồng Nai với số vốn lên đến hơn 10 tỷ USD đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030.
Tính đến nay, Đồng Nai đã thu hút đầu tư của 44 quốc gia và vùng lãnh thổ với 1.545 dự án với tổng vốn đăng ký 32,62 tỷ USD trong đó dẫn đầu về số lượng và số vốn đầu tư là các dự án của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…
Mặc dù số lượng dự án năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vốn đầu tư đăng ký và vốn đầu tư bình quân cho dự án 7 tháng năm 2022 đều cao hơn cùng kỳ năm 2021.
Với vai trò trung tâm kết nối giao thông các vùng kinh tế, nguồn nguyên liệu như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, ĐBSCL, dự kiến đến năm 2030 Đồng Nai sẽ trở thành địa phương có kinh tế phát triển thứ 3 trên cả nước.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai đã chuẩn bị sẵn quỹ đất để chào mời nhà đầu tư tham gia vào loạt dự lớn với số vốn lên đến hơn 10 tỷ USD.
Theo đó, trong danh mục những dự án mời gọi đầu tư FDI giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai có 5 dự án gọi vốn hơn 6 tỷ USD gồm dự án đường sắt Trảng Bom – Hòa Hưng (TP HCM) có vốn đầu tư gần 2,98 tỷ USD; đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu vốn đầu tư 2,47 tỷ USD; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành có vốn đầu tư 174 triệu USD, đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương (đoạn từ Dầu Giây đến Tân Phú) vốn đầu tư 268 triệu USD và hệ thống cấp nước, xử lý chất thải TP Long Khánh có vốn đầu tư 127 triệu USD.
Bên cạnh đó, ở lĩnh vực du lịch, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra 6 dự án “khủng” để mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD.
Ngoài ra, còn có các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) với tổng số vốn gần 40.000 tỷ đồng; dự án khu đô thị Hiệp Hòa (phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) có diện tích 293 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 72.000 tỷ đồng; dự án hạ tầng kỹ thuật các KCN, nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn vài tỷ USD cũng đang được tỉnh Đồng Nai mời gọi đầu tư.
Hơn nữa, Đồng Nai đang quy hoạch các dự án hỗ trợ cho sân bay quốc tế Long Thành như sản xuất linh kiện, bảo trì, bảo dưỡng, dịch vụ hỗ trợ cho ngành hàng không. Các dự án logistics, sản xuất vật liệu mới là đầu vào cho chuỗi đầu vào sản xuất công nghiệp… và số vốn cho từng dự án lên đến hàng chục triệu USD.
Thừa nhận được hưởng lợi khi đầu tư vào Đồng Nai, tuy nhiên các chuyên gia, doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều kiến nghị và đề nghị tỉnh tháo gỡ liên quan đến thủ tục, đất đai, quy hoạch… Cụ thể một số dự án FDI đã đầu tư vào tỉnh cần gỡ các vướng mắc liên quan đến đất đai, quy hoạch để có thể giải ngân nguồn vốn đã đăng ký.
Về chính sách cho nhà đầu tư NƠXH, ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai thông tin với báo chí: đối với dự án NƠXH, doanh nghiệp đầu tư sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN. Đồng thời, nhà đầu tư dự án còn được dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở thương mại để bù đắp chi phí đầu tư.
Đặc biệt các DN khi đầu tư dự án NƠXH còn được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội; UBND tỉnh hỗ trợ DN toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án…
Phương Nam/VietnamDaily
Theo VietnamDaily
Ảnh: 2 dự án đường sắt đi qua TP Biên Hòa với tổng vốn đầu tư hơn 5,4 tỉ USD. Ảnh: Báo Người Lao Động.
Xem bài viết gốc tại đây: