Những cây cầu làm thay đổi diện mạo TP.HCM

Nút giao Cát Lái, cầu vượt Hàng Xanh, An Sương hay Nguyễn Hữu Cảnh… là những công trình trọng điểm góp phần làm giảm thiểu việc ùn tắc giao thông ở cửa ngõ trung tâm TP.HCM.

Nút giao thông ngã 3 Cát Lái nằm ở điểm cuối của đại lộ Đông Tây kết nối với xa lộ Hà Nội mở rộng. Đây là tuyến đường quan trọng bậc nhất khu vực cửa ngõ phía đông nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ. Công trình gồm cầu vượt từ cảng Cát Lái (Nguyễn Thị Định và đại lộ Mai Chí Thọ) rẽ trái về trung tâm Sài Gòn và một cầu từ quận Thủ Đức về cảng Cát Lái, hầm Thủ Thiêm và 7 nhánh đường phía dưới.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh tại cửa ngõ phía đông dẫn vào trung tâm TP.HCM với tổng chiều dài 548 m, đường dẫn lên cầu dài 216 m, đoạn cầu vượt chính dài 50 m, kinh phí xây dựng hơn 29 tỷ đồng.

Cầu vượt Hàng Xanh dài 390 m, rộng 16 m với 4 làn xe chạy 2 chiều, nằm cùng trục với đường Điện Biên Phủ, được đầu tư khoảng 188 tỷ đồng. Đây là một trong những cầu vượt bằng thép đầu tiên tại TP.HCM, công trình góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại ngã tư Hàng Xanh vào giờ cao điểm.

Cầu vượt Cây Gõ (quận 6, TP.HCM) được xây dựng hình chữ Y với kinh phí 316 tỷ đồng, gồm nhánh cầu hướng từ đường 3/2 đi đường Hồng Bàng. Cầu dài 234 m, rộng 7 m và nhánh cầu vượt đi thẳng đường Hồng Bàng dài 303 m, rộng 12-15 m. Đây là cầu vượt bằng thép thứ 6 và dài nhất tại TP.HCM, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực cửa ngõ, giúp người dân di chuyển ra đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương được dễ dàng hơn.

Cầu vượt An Sương dài 246 m (chưa kể 215 m đường dẫn hai đầu cầu), rộng 18,6 m với 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h. Cùng với hầm chui An Sương vừa mới khánh thành, nút giao thông 3 tầng này sẽ giải tỏa áp lực giao thông và xóa điểm đen tai nạn trong nhiều năm qua tại khu vực cửa ngõ Tây Bắc thành phố.

Nút giao Vành đai 2 thuộc gói thầu số 9 của cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. Công trình có 8 nhánh đường với tổng chiều dài hơn 12 km, trong đó phần đường dài hơn 8 km, phần cầu 4 km và 15 cống thoát nước. Nút giao có vai trò kết nối các phương tiện lưu thông ra vào đường cao tốc từ các hướng cầu Phú Mỹ, nút giao An Phú, ngã tư Bình Thái và hướng từ Long Thành (Đồng Nai).

Cầu vượt thép ngã tư Thủ Đức có kinh phí khoảng 227 tỷ đồng, chiều dài 570 m, rộng 16 m với 4 làn xe lưu thông dành cho xe 4 bánh, giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông tại khu vực này.

Nút giao thông Cầu vượt Trạm 2 (quận Thủ Đức, quận 9) kết nối xa lộ Hà Nội với quốc lộ 1A. Cầu vượt được xây dựng theo quy mô hiện đại, có hệ thống cầu vượt dạng hoa thị với bốn vòng tròn có đường kính 420 m và các nhánh đường trong khu vực có diện tích 27 ha. Cầu có chức năng rất quan trọng phân luồng giao thông, giải quyết tình trạng kẹt xe ngay giữa cửa ngõ Đông Bắc thành phố. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng công trình này khoảng 120 tỷ đồng.

Quỳnh Danh – Chí Hùng – Tạp chí Zing.vn

Theo Zing.vn

Xem bài viết gốc tại đây:

https://zingnews.vn/nhung-cay-cau-lam-thay-doi-dien-mao-tphcm-post1126209.html