Nhựa là tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến biến đổi khí hậu?

Rác thải nhựa là một phần “mắt xích” tạo nên sự ô nhiễm môi trường, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Những cảnh báo về ô nhiễm rác thải liên tục được nâng cao, dù các quốc gia đã và đang nỗ lực giải quyết vấn đề rác nhựa và tái chế.

Hiện nay, lượng rác thải nhựa khổng lồ được thải ra môi trường hàng ngày thực sự là mối đe dọa tới môi trường cũng như sức khỏe của con người trên khắp hành tinh. Khi rác thải nhựa được đưa vào đại dương sau một thời gian sẽ bị tác động bởi các loại vi khuẩn, tảo nên sẽ mất dần các mùi hóa chất và chuyển sang mùi tự nhiên, thậm chí là giống mùi thức ăn của các sinh vật biển.

Ô nhiễm nhựa không chỉ là vấn đề biển, mà còn là vấn đề khí hậu. Là một sản phẩm dầu mỏ, nhựa có mối liên hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch: Việc khai thác và vận chuyển nhiên liệu hóa thạch giải phóng carbon vào khí quyển, làm trầm trọng thêm sự ấm lên của hành tinh.

Ngoài ra, khi chất thải nhựa được đốt, quá trình này thải ra nhiều khí carbon dioxide hơn. Nhựa trôi dạt ngoài biển đã ảnh hưởng đến 267 loài, trong đó có 86% loài rùa biển. Sinh vật biển có thể bị thương do nhựa cắt vào cơ thể và có thể bị ngạt hoặc mắc kẹt đến chết.

Thậm chí, các mảnh vụn nhựa sẽ thúc đẩy sự lây lan của các sinh vật xâm lấn và gây hại thêm cho hệ sinh thái biển. Các mảnh vụn nhựa không chỉ gây hại cho động vật hoang dã biển mà còn ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn của con người. Mọi người có thể tìm thấy vi nhựa trong các loại thực phẩm và đồ uống khác nhau, bao gồm nước, bia và muối.

Với tốc độ xả thải hiện tại, lượng nhựa thải ra đại dương có thể lên tới 53 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030.

Các báo cáo khác cũng cho thấy, ước tính khoảng 8 tấn rác thải nhựa đã bị vứt bỏ trên toàn thế giới mỗi năm, tương đương với việc cứ mỗi phút lại có một xe tải rác thải nhựa đổ xuống biển. Với tốc độ này, lượng rác thải nhựa trôi dạt ra đại dương có thể lên tới 53 tấn mỗi năm vào năm 2030, tương đương 50% tổng lượng cá đánh bắt được trên các đại dương hàng năm.

6 liên kết giữa vòng đời của rác thải nhựa với biến đổi khí hậu

Đáng chú ý, vấn đề rác thải nhựa một lần nữa được các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) tổ chức tại Glasgow (Anh) tháng 11 vừa qua. Cũng tại COP26, 6 sự liên kết giữa vòng đời của rác thải nhựa với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng đã được nêu ra.

Khai thác và sản xuất: Hầu hết mọi người không nhận ra rằng nhựa có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch. Trên thực tế, ngành công nghiệp nhựa chiếm khoảng 6% lượng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu và dự kiến ​​sẽ đạt 20% vào năm 2050. Do đó, do các quá trình sử dụng năng lượng để chiết xuất và chưng cất dầu, sau đó là việc sản xuất nhựa tạo ra một lượng lớn phát thải khí nhà kính (GHG).

Sử dụng: Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng khi nhựa được vứt bỏ trong các thùng tái chế, nó sẽ được xử lý. Nhưng trên thực tế không phải vậy, chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế trên toàn cầu và phần còn lại được thải ra môi trường tự nhiên. Hiện nay, khu vực Nam Á là nơi tạo ra rác thải nhựa lớn nhất thế giới với khoảng 26 triệu tấn mỗi ngày. Đây cũng là khu vực có tỉ lệ chất thải được đổ công khai không qua xử lý cao nhất với 75%.

Vòng đời: Khi không được tái chế hoặc xử lý một cách có kiểm soát, chất thải nhựa bị loại bỏ sẽ tạo ra phát thải khí nhà kính khi tiếp xúc với bức xạ mặt trời cả trong không khí và nước. Khoảng 18 triệu tấn nhựa có nguồn gốc từ Nam Á không được kiểm soát tốt và do đó, bị trôi vào đại dương, nơi chúng thải ra khí metan và ethylene khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Polyethylene là chất phát thải cao nhất trong cả 2 loại khí và là polymer tổng hợp được sản xuất và vứt bỏ nhiều nhất trên toàn cầu.

Tái chế và kết thúc vòng lặp: Mặc dù tái chế có thể làm giảm đáng kể tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đối với môi trường cũng như ảnh hưởng của nó đến biến đổi khí hậu, nhưng chỉ 5% tổng lượng rác thải nhựa tạo ra ở Nam Á được tái chế. Các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn được áp dụng cho xi măng, nhôm, thép và nhựa có thể làm giảm 40% lượng phát thải tổng hợp của các ngành này.

Marine litter: 1 đơn vị tượng trưng để chỉ 1 xe tải rác thải nhựa được đổ vào đại dương mỗi phút. Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã và đang góp phần vào biến đổi khí hậu thông qua phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp bằng cách ảnh hưởng tiêu cực đến các sinh vật đại dương. Sinh vật phù du hấp thụ 30-50% lượng khí thải carbon dioxide từ các hoạt động của con người, nhưng sau khi nó ăn vào các vi nhựa, khả năng loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển của sinh vật phù du sẽ giảm xuống.

Tiêu hủy: Đốt lộ thiên là một thực hành xử lý chất thải phổ biến ở Nam Á và các nước đang phát triển. Lượng chất thải được đốt ở Ấn Độ và Nepal cộng lại chiếm 8,4% lượng chất thải được đốt trên toàn cầu. Việc đốt chất thải trong các đám cháy lộ thiên dẫn đến việc sản sinh ra chất gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, carbon đen và là nguyên nhân của một nửa lượng khói bụi có thể nhìn thấy được ở các thành phố lớn như New Delhi. Khả năng tạo nên sự nóng lên toàn cầu của carbon đen lớn hơn tới 5.000 lần so với carbon dioxide (CO2).

Trên cơ sở đó, một số giải pháp giảm rác thải nhựa được đề xuất như: Giảm đồ nhựa dùng một lần, thay vào đó dùng các vật liệu phân hủy nhanh hơn và dễ tái chế hơn. Cải tiến công nghệ thu gom chất thải để giảm nhựa trong hệ thống xả thải, đồng thời giảm lượng nhựa xả trực tiếp ra đại dương.

Trong đó, nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn việc trực tiếp vứt bỏ rác thải nhựa xuống đại dương. Bên cạnh đó, việc cải tiến công nghệ thu gom rác thải cũng sẽ giúp ngăn chặn tình trạng nhựa độc hại trong môi trường nước.

Đại dương chiếm 71% diện tích Trái Đất. Nếu đại dương không trong lành, hành tinh của chúng ta sẽ không khỏe mạnh và nhựa đại dương là mối đe dọa chính đối với sức khỏe và hạnh phúc của tất cả các sinh vật trên hành tinh.

Mỹ đang ‘đầu độc’ hành tinh với lượng rác thải nhựa khổng lồ

Mỹ là quốc gia xả thải nhựa nhiều nhất trên thế giới, với khoảng 42 triệu tấn vào năm 2016. Con số này lớn hơn gấp 2 lần so với Trung Quốc và cao hơn nhiều so với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cộng lại. Trung bình, mỗi người Mỹ thải ra 130kg rác thải nhựa mỗi năm, xếp sau lần lượt là Anh và Hàn Quốc với 99 kg và 88 kg nhựa/người/năm.

Ngoài ra, ô nhiễm rác thải nhựa còn là “một cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội”, gây ra ô nhiễm sông, hồ và bãi biển, gia tăng gánh nặng kinh tế lên cộng đồng, đe dọa động vật hoang dã nguy cấp và các vùng nước mà con người phụ thuộc.

Báo cáo cho biết sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng từ 20 triệu tấn vào năm 1966 lên 381 triệu tấn vào năm 2015, tăng gấp 20 lần trong nửa thế kỉ. Hiện nay, hầu hết nhựa trên đất liền đều có khả năng xả ra đại dương thông qua sông và suối.

Lan Anh (T/h) – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Rác thải nhựa là một phần “mắt xích” tạo nên sự ô nhiễm môi trường, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu. (Ảnh: Shutterstock)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/nhua-la-tac-nhan-gay-anh-huong-nghiem-trong-den-bien-doi-khi-hau-61707.html