Nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại Ninh Bình

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo Kết luận thanh tra số 1909/TB-TTCP ngày 29/10/2021 về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 2011-2018). Trong đó đã chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm đồng thời kiến nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.

3/5 doanh nghiệp chưa thực hiện nộp phí bảo vệ môi trường bổ sung

Theo Thanh tra Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, giai đoạn này còn để xảy ra một số tồn tại, vi phạm. Theo đó, công tác thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Đề án cải tạo phục hồi môi trường đối với một số dự án chưa chặt chẽ.

Cụ thể tại dự án cải tạo phục hồi môi trường thuộc dự án khai thác khoáng sản tại mỏ đá Hang nước II do Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương làm chủ đầu tư chưa được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt, nhưng Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký xác nhận vào hồ sơ dự án và doanh nghiệp vẫn khai thác trong nhiều năm liền, vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 5, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 226/QĐ-UBND ngày 5/4/2012, quy định hệ số quy đổi từ “tấn” ra “m³”, tuy nhiên tại quyết định này có nhầm lẫn về khái niệm đá nguyên khai, dẫn đến một số doanh nghiệp khai thác đá sản xuất xi măng đã áp dụng hệ số quy đổi 2,74 tấn/m³ (giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 4 năm 2017) để tính thuế tài nguyên.

Ngày 10/11/2016, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện việc quy đổi theo hệ số 1,6 tấn/m³ (quy định tại Điều 2 của Quyết định số 226/QĐ-UBND) và chỉ đạo cơ quan Thuế kiểm tra và truy thu đối với các doanh nghiệp đã quy đổi theo hệ số 2,74 tấn/m³, nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn còn 3/5 doanh nghiệp khai thác đá sản xuất xi măng chưa thực hiện đầy đủ việc nộp phí bảo vệ môi trường bổ sung đối với khối lượng khoáng sản khai thác trước khi Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 4/4/2017 của UBND tỉnh có hiệu lực, gồm: Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng, Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương và Công ty TNHH Duyên Hà.

Về nội dung này, Thanh tra Chính phủ áp dụng hệ số quy đổi 1,6 tấn/m3 để tạm tính số tiền thuế tài nguyên của 3 đơn vị nêu trên còn thiếu là trên 32,5 tỉ đồng.

Đối với các chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản, qua kiểm tra 20 dự án có 12 dự án của 10 chủ đầu tư chưa được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường và Khoản 6 Điều 16 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Có nhiều dự án đã khai thác khoáng sản trong thời gian dài nhưng chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, như: Hệ thống tưới nước, phun sương tại khu vực khai thác, chế biên chưa đảm bảo được việc ngăn ngừa, giảm thiểu bụi; xây dựng hồ lắng thu gom nước mưa chảy tràn chưa đúng về thể tích, quy cách; rãnh thoát nước và hố ga chưa được nạo vét thường xuyên; trồng cây xanh tại khu vực mỏ chưa đảm bảo mật độ… Vi phạm Khoản 1 Điều 26 và Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường.

Chưa xử lý dứt điểm đối với một số diện tích đất bị lấn, chiếm

Cũng theo Kết luận thanh tra, công tác quản lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường của UBND tỉnh Ninh Bình cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, sau khi thực hiện việc sắp xếp, chuyển đổi các nông trường, UBND tỉnh Ninh Bình chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông trường; không chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành các trình tự, thủ tục để quản lý đất đai theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ.

Không kịp thời tiến hành rà soát, phân loại các diện tích đất, đo đạc, cắm mốc, xác định ranh giới, lập hồ sơ địa chính, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết của các công ty được giữ lại sử dụng, không ban hành quyết định giao đất và chuyển sang hình thức thuê đất đối với diện tích công ty được tiếp tục sử dụng, không ban hành quyết định thu hồi đối với các diện tích đất công ty không còn nhu cầu sử dụng; dẫn đến có nhiều diện tích đất không quản lý được, phát sinh tình trạng lấn, chiếm, chuyển nhượng đất trái phép, không ký hợp đồng thuê đất đầy đủ, không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất…

UBND tỉnh Ninh Bình cùng cơ quan chức năng chưa xử lý dứt điểm đối với một số diện tích đất bị lấn, chiếm ở một số công ty, như: Hơn 241 ha đất đang do một số hộ dân sử dụng từ khi nhận giao khoán của nông trường Phùng Thượng (đã hết hạn hợp đồng từ năm 2015) nhưng không ký hợp đồng tiếp hoặc bàn giao lại đất cho Công ty Cổ phần Giống bò thịt sữa Yên Phú; 2,78 ha đất giao cho Nông trường quốc doanh Đồng Giao trước đây quản lý, sử dụng nhưng một số hộ dân đã sử dụng làm nhà ở và sản xuất nông nghiệp.

Đối với việc giao đất cho doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí Hồ Đồng Chương, ngày 8/8/2011, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 533/QĐ-UBND thu hồi 129,1 ha đất của 3 công ty sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường để giao đất cho doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thuê thực hiện giai đoạn 2 của dự án, tuy nhiên sau 8 năm (tính đến thời điểm thanh tra) toàn bộ diện tích đất 129,1 ha nêu trên vẫn chưa tiến hành giải phóng mặt bằng, nhưng UBND tỉnh Ninh Bình chưa có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên theo quy định của pháp luật.

Đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Ninh Bình vẫn chưa ban hành quyết định thu hồi 444,18 ha đất do nông trường Yên Phú trước đây quản lý (hiện nay được quy hoạch là công viên động vật hoang dã). Mặt khác, tại Công ty cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú vẫn còn hàng trăm hộ dân đã nhận giao đất của nông trường Yên Phú trước đây, đã hết thời hạn giao khoán từ năm 2015, nhưng không bàn giao đất lại cho công ty quản lý hoặc ký hợp đồng giao khoán mới. Tình trạng trên tiếm ẩn nguy cơ tranh chấp đất đai, khiếu nại phức tạp khi nhà nước thu hồi đất.

Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan đến các tồn tại, vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

P.V – Báo BVPL

Theo Bảo Vệ Pháp Luật

Ảnh: Khai thác đá vôi tại Ninh Bình. (Ảnh minh họa)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/phong-chong-tham-nhung/nhieu-vi-pham-trong-quan-ly-su-dung-dat-co-nguon-goc-tu-nong-lam-truong-tai-ninh-binh-114330.html