Các điểm tập kết rác trên các tuyến đường trọng điểm, nội ô trung tâm TP Cần Thơ không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, còn mất vẻ mỹ quan đô thị.
Lòng đường ngập rác
Ghi nhận thực tế trên một số tuyến đường trung tâm TP Cần Thơ, không quá khó để bắt gặp hình ảnh nhiều điểm nhà chờ xe buýt luôn trong tình trạng ngập rác.
Đơn cử, tại nhà chờ xe buýt phía trước khu vực Nhà máy Nước Cần Thơ 1, đường 30/4, tồn tại cùng biển cấm “Sở GTVT TP Cần Thơ cấm đổ rác, tập kết rác, dán tờ rơi, chiếm dụng, sử dụng nhà chờ dưới mọi hình thức” là những xe đầy ắp chất thải, lấn chiếm lòng đường, rác tràn xuống cả vỉa hè, khiến khu vực này trở nên nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, mất vẻ mỹ quan đô thị.
Tương tự, điểm dừng xe buýt ngay nút giao giữa đường Mạc Thiên Tích – 30/4 cũng luôn trong tình trạng xe ngập rác như “nuốt chửng” lòng đường. Nhiều hôm rác đã được đơn vị vận chuyển thu gom, thế nhưng những xe không chứa rác cũng vẫn để tràn ra đường che khuất tầm nhìn, ảnh hưởng người dân, gây mất ATGT.
Một điểm tập kết rác khác đáng kể nữa là đường Nguyễn Văn Linh (QL91B), ngay dốc cầu Hưng Lợi (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều). Bên cạnh các xe rỗng là rất nhiều xe với rác thải sinh hoạt chất đầy, không được che phủ, trên mặt đường ứ đọng nước ô nhiễm. Cả một đoạn đường bốc mùi khó chịu, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng, ảnh hưởng không nhỏ đến vệ sinh môi trường và cảnh quan.
Không chỉ vậy, những phương tiện này được tập kết một cách vô tổ chức, chiếm trọn làn đường dành cho xe mô tô. Người dân buộc phải điều khiển xe lấn vào làn đường dành cho xe tải, xe container để lưu thông, gây mất an toàn.
“Ngày nào tôi cũng chạy xe ngang, đến đây là phải nín thở, chạy thật nhanh để qua đoạn này vì mùi hôi chịu không nổi. Nếu vậy thôi đã đành, họ lại để xe đậu tràn lan ra đường, rồi lại phải tránh sang làn đường bên kia, hôm nào ngay giờ cao điểm, xe lớn lưu thông đông nguy hiểm vô cùng. Trường hợp chở rác đến thu gom không kịp, thì họ cũng nên thu gọn lại chứ có đâu mà để như vậy”, chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ đường Tầm Vu, phường Hưng Lợi), bức xúc.
Trong khi đó, khu vực dốc cầu Hưng Lợi lại là điểm thường xuyên xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Điển hình là vụ va chạm giữa xe đầu kéo và xe mô tô vào ngày 6/11/2020, trên cầu Hưng Lợi khiến cho bà Lê Thị V. cùng cháu nội là bé Nguyễn Phạm Minh Tr. (cùng ngụ ấp Đông Hưng 3, xã Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), tử vong tại chỗ.
Kiểm soát chặt các điểm tập kết
Trao đổi qua điện thoại cùng PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Việt Cường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ninh Kiều cho biết, các phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã nắm và từng bước khắc phục.
Đối với các điểm tập kết rác trên đường 30/4, ông Cường nhìn nhận có những điểm không thích hợp. Ông lý giải, dù biết là vậy, nhưng nếu trên tuyến này không có điểm tập kết rác thì sẽ gây khó khăn cho đơn vị vận chuyển và thu gom rác.
“Đối với phản ánh của người dân, chúng tôi sẽ giải quyết, riêng điểm tập kết rác tại dốc cầu Hưng Lợi, chúng tôi cũng đang xin chủ trương để thành lập điểm tập kết mới.
Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở các đơn vị sắp xếp xe thu gom lên vỉa hè, theo một hàng đồng thời phun xịt khử mùi. Có điều thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng không đảm bảo môi trường. Chúng tôi đã đưa ra quy định cụ thể, đơn vị nào mà kiểm tra, không làm đúng để bị nhắc nhở 3 lần là sẽ phạt”,
Ông Cường cho biết thêm, năm 2019 Công ty cổ phần Đô thị và Liên danh Công ty Đỗ Duy và 69 là 2 đơn vị trúng thầu trong việc thu gom, vận chuyển rác, thời hạn 3 năm. Toàn quận có 23 điểm tập kết rác.
“Hiện nay, chúng tôi đang quy hoạch lại những điểm tập kết rác. Trước đây, do quá trình đấu thầu, lượng xe thô sơ dùng để thu gom, chứa rác rất nhiều. Ngay thời điểm đó nó khác nhưng hiện này tốc độ đô thị hóa nhiều thì việc này không còn phù hợp nữa…
Bên cạnh đó, quận đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành một số điểm tập kết rác, trong dự án mới của khu dân cư, đất họ đều phải có điểm tập kết rác cho người ta thực hiện”, ông Cường nói.
Cùng với quá trình đô thị hóa, khối lượng rác thải, nhất là rác thải sinh hoạt ngày càng tăng. Đặc biệt là những thành phố đông đúc dân cư như TP Cần Thơ, việc khắc phục vấn đề này thực sự là một yêu cầu bức thiết. Nếu các điểm tập kết rác không được kiểm soát tốt, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến kết cấu công trình giao thông, hạn chế tầm nhìn của phương tiện.
Dưới đây là một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận:
Biến cấm được ngành chức năng lắp đặt tại các nhà chờ xe buýt.
Tuy nhiên, xe rác vẫn tập kết tại điểm này.
Xe chứa rác rỗng đậu lấn chiếm lòng đường
Xe rác chiếm hẳn 1 làn đường xe trên đường Nguyễn Văn Linh (QL91B)
Nước đọng vũng, ô nhiễm, bốc mùi khó chịu.
Lê An/ATGT
Theo An Toàn Giao Thông
Ảnh: Nhiều nhà chờ xe buýt trở thành nơi tập kết rác
Xem bài viết gốc tại đây: