Nhiều tồn đọng trong xử lý vi phạm đê điều

Thời gian qua, tình trạng vi phạm đê điều đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Mặc dù, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh xử lý nhưng kết quả lại hạn chế. Hiện nay, các tỉnh miền bắc chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ. Nếu chậm trễ xử lý các vi phạm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lũ, bão.

Thời gian qua, tình trạng vi phạm đê điều đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Mặc dù, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh xử lý nhưng kết quả lại hạn chế. Hiện nay, các tỉnh miền bắc chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ. Nếu chậm trễ xử lý các vi phạm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lũ, bão.

Theo Phó Tổng cục trưởng Phòng, chống thiên tai Phạm Ðức Luận: Qua thống kê của các địa phương, từ năm 2011 đến hết tháng 4-2021, tại 19 tỉnh, thành phố có đê cấp 3 đến cấp đặc biệt xảy ra 10.969 vụ vi phạm, trong đó đã giải tỏa xử lý được 3.433 vụ, còn tồn đọng 7.536 vụ (chiếm 68,7%). Trong đó, năm 2019 xảy ra 368 vụ, xử lý 145 vụ, tồn đọng 223 vụ; năm 2020 xảy ra 326 vụ, xử lý 165 vụ, tồn đọng 161 vụ. Riêng bốn tháng đầu năm 2021 xảy ra 91 vụ vi phạm, xử lý 47 vụ, còn tồn đọng 44 vụ.

Phó Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Hải Dương Hoàng Gia Bình cho biết: Tính đến tháng 3-2021, trên địa bàn có 176 bến bãi vật liệu, 54 bến bãi than, 65 bến bãi kinh doanh khác đang hoạt động tại bãi sông. Trong hoạt động bến bãi đã xảy ra các vi phạm trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường. Riêng đối với lĩnh vực đê điều, các vi phạm phổ biến là dựng nhà lán, công trình, để vật liệu trong hành lang đê điều trái phép; hoạt động chất tải vật liệu tại bãi sông không phép, sai phép. Qua thống kê, năm 2020, trên địa bàn tỉnh Hải Dương phát sinh 104 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong đó 72 vi phạm lắp dựng công trình, nhà lán ngoài bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều; hai vi phạm chất tải vật liệu trên đê; ba vi phạm khai thác đất ngoài bãi sông; hai vi phạm chặt cây chắn sóng và 25 vi phạm khác. Các cơ quan chức năng đã xử lý dứt điểm 95 vụ vi phạm. Trong quý I năm 2021, tại địa bàn có 26 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, đã xử lý 22 vụ, còn bốn vụ làm nhà lán, xây dựng tường rào, cơ quan chức năng đang tiếp tục đôn đốc, kiến nghị giải quyết dứt điểm. Ðể xử lý tình trạng vi phạm đê điều, thời gian tới cơ quan chức năng trên địa bàn sẽ đẩy mạnh rà soát, quy hoạch hệ thống bến bãi bảo đảm phù hợp quy hoạch về đất đai, xây dựng, giao thông, đê điều; chấm dứt các bến bãi không có trong quy hoạch; ký cam kết không vi phạm pháp luật trong hoạt động bến bãi; yêu cầu lực lượng quản lý đê thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm, kiến nghị xử lý kịp thời các vi phạm.

Có thể thấy, thời gian qua tình trạng vi phạm đê điều ở các địa phương xảy ra nhiều nhưng xử lý vẫn rất hạn chế dẫn đến tồn đọng lớn. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác quản lý đê điều; việc giao, cho thuê đất, cấp phép cho các hoạt động liên quan khu vực bãi sông, ven đê và công tác quản lý chưa chặt chẽ. Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương các cấp còn có biểu hiện ngại, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai của một bộ phận dân cư còn hạn chế; một số tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê đất đã sử dụng đất sai mục đích hoặc làm trái nội dung được cấp phép; tình trạng khai thác đất, cát, sỏi và lập trái phép các bến bãi chứa vật liệu, sử dụng xe quá tải đi trên đê… ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ. Một số nơi, việc khai thác cát, sỏi lòng sông không tuân thủ các quy định kỹ thuật về đê điều gây nguy cơ sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy gây mất an toàn đê điều. Hơn nữa, các công trình, nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ đê phần lớn được xây dựng từ trước khi có quy định pháp luật về đê điều và một số phát sinh trong quá trình nâng cấp, tu bổ đê đã được các địa phương cấp quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng. Do đó, khi di dời cần có chế độ bồi thường, hỗ trợ nhưng số lượng công trình, nhà ở nhiều, kinh phí của địa phương còn hạn hẹp cho nên gặp khó khăn.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai, hiện nay các địa phương đang đẩy mạnh việc xử lý các vi phạm nhằm bảo đảm an toàn các tuyến đê trong mùa mưa bão năm nay. Tuy nhiên, để xử lý vi phạm đê điều có hiệu quả, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho rằng cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện đúng trách nhiệm nhằm ngăn chặn, xử lý vi phạm; các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong kiểm tra công trình đê điều, bãi sông, lòng sông để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm từ khi mới phát sinh. Cùng với đó, các địa phương cũng cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra thường xuyên, đột xuất xử lý các vụ vi phạm, nhất là đối với các vụ vi phạm nổi cộm. Bên cạnh đó, tổ chức lập, rà soát nội dung phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và phương án phát triển hệ thống đê thuộc phạm vi quản lý của địa phương trong quy hoạch. Trong đó, xác định cụ thể phương án quản lý, sử dụng bãi sông, số lượng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê; tổ chức quản lý chặt chẽ công trình đê điều, đất trong hành lang bảo vệ đê, bãi sông.

Bài và ảnh: NGUYÊN PHÚC – Báo Nhân Dân

Theo Nhân Dân

Ảnh: Một xưởng sản xuất vi phạm hành lang đê trên tuyến đê hữu sông Thái Bình tại phường Việt Hòa, TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương).

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/nhieu-ton-dong-trong-xu-ly-vi-pham-de-dieu-647645/