Sau tròn 1 năm Lâm Đồng vào cuộc ‘siết’ thị trường, những ‘siêu dự án’ phân lô bán nền dần được trả lại hiện trạng, cỏ dại bao phủ, hoang hóa không một bóng người.
Ghi nhận của PV VTC News ngày 1/11/2022, tuy không còn mang màu lục thẫm của chè, cà phê như trước đây, nhưng đồi núi Lâm Đồng cũng đã được phủ xanh bởi cỏ dại.
Nếu không sử dụng định vị từ Google, PV không thể nhận ra các “siêu dự án” mình đã đến trước đây. Trong vòng 1 năm, hạ tầng những khu đất này đều xuống cấp trầm trọng.
Tại TP Bảo Lộc, khu đất 36ha được đặt tên Dự án Làng sinh thái nghỉ dưỡng La Melodie ở xã Đam B’ri từng khiến giới đầu tư bất động sản sôi sục khi san gạt toàn bộ cây trồng, trải đá dăm làm đường.
Không còn cảnh từng đoàn xe sang mang biển số TP.HCM, Bình Dương… nối đuôi nhau đến xem đất, khu đất nay dần được phủ xanh bởi cỏ dại, che lấp những mảng đất đỏ bị san gạt trước đây. Đường trải đá dăm bị mưa xói mòn, tách từng rãnh sâu tới nửa mét. Đá lát vỉa hè cũng bong tróc, xuống cấp. Từ trên cao, khu đất như một quả đồi hoang không được canh tác.
Trong trào lưu sốt đất của Lâm Đồng không thể không nhắc tới đại công trình mang tên Khu nghỉ dưỡng Sun Valley được xây dựng trên quả đồi 41ha ở xã Lộc Quảng. Như đại đa số công trình khác tại Lâm Đồng, khu nghỉ dưỡng Sun Valley cũng được chủ đất áp dụng mô-típ “hiến đất làm đường” để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau đó, theo “đúng quy trình” xin tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở để bán.
Phá vỡ mọi trật tự về giá, đất nền tại khu nghỉ dưỡng Sun Valley lên tới 10 triệu đồng/m2 (diện tích từ 250 – 1.000m2), dù trước đó thu mua từ người dân với giá chưa đến 500 nghìn đồng/m2. Sau khi VTC News phản ánh hồi tháng 11/2021, “dự án” ngưng thi công cho đến nay.
Từ đường Tản Đà, phần đất chưa bị bê tông hóa của Sun Valley cũng đã được phủ cỏ cây như nhiều “dự án” phân lô khác tại Lâm Đồng. Song, đối với những phần đất đã “trồng” bê tông, hiện trạng nhếch nhác khiến nhiều người tiếc rẻ.
Những công trình bê tông thi công dang dở hiện “trơ xương”, rỉ sét, phủ rêu phong, hoang hóa theo thời gian.
Tương tự, các khu đất từng được ghim vị trí với những tên gọi sính ngoại như: Phố Hoa Hillside, Bảo Lộc Green Wich, Ecolake Village, Bảo Lộc Farm 38, Happy Valley, Dano Farm, Sunrice Village, The Gems Paradise II, 50 Lộc Quảng, Green Garden Hill, Star Hill Garden, Sun Home Lộc Quảng, Green Life, Mimosa Garden, Làng sinh thái An Khuê 2, Tea Village, Hưng Long Centuary… đều đã trở về hiện trạng trước khi cơn sốt đất xuất hiện.
Những đoạn đường trong các “dự án” đều bị cỏ dại bao phủ. Cỏ dại mọc cao quá đầu người, ranh giới các lô đất bị che lấp.
Trong hình là quả đồi 4,5ha tại xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) vốn trồng chè nhưng được Công ty Kingdom Land (thuộc hệ thống Kingdom Corporation) cạo trọc, “đúng quy trình” xin hiến đất làm đường, phân lô và rao bán với tên gọi Ecolake Village Bảo Lộc. Hiện nay, “dự án” không một bóng người.
Trong vòng 1 năm, hạ tầng những khu đất này đều xuống cấp trầm trọng.
Đất trở về hiện trạng, giá đất cũng được kéo về, sự yên bình vốn có đang dần trở lại với người dân địa phương. Thế nhưng, đối với những khách hàng phương xa, những người từng huy động mọi nguồn tài chính để ôm đất ở thời kỳ sốt ảo lại là một cú “điểm huyệt” khó nào vực dậy.
Thy Huệ – Báo VTC News
Theo VTC News
Xem bài viết gốc tại đây:
https://vtc.vn/nhieu-sieu-du-an-hoang-hoa-khong-bong-nguoi-o-lam-dong-ar710944.html