Nhiều sai phạm tại một dự án nạo vét luồng hàng hải

Thời gian qua, việc xã hội hóa (XHH) nguồn vốn đầu tư xây dựng, nạo vét luồng, khu neo đậu tàu, chờ đợi, tránh bão (gọi tắt là dự án nạo vét) được coi là giải pháp cấp bách và phù hợp, bước đầu ghi nhận một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh, dự án nạo vét trên sông Soài Rạp lại bộc lộ nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân.

Nhiều sai phạm

Ðầu tháng 1-2020, UBND thành phố Hồ Chí Minh có Văn bản (số 82, ngày 9-1-2020) gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị tiếp tục triển khai dự án XHH nạo vét, thiết lập khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão, chờ đợi vào các bến cảng trên sông Soài Rạp theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí không sử dụng ngân sách nhà nước (gọi tắt là dự án nạo vét sông Soài Rạp) do Công ty cổ phần Ðầu tư khai thác cảng (trụ sở tại 39A, Ngô Quyền, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) làm chủ đầu tư. Ðây là dự án có quy mô lớn so với các dự án nạo vét theo hình thức XHH ở khu vực phía nam với diện tích khu neo đậu tàu được phê duyệt 1.455,86 ha (32 điểm neo); khối lượng cát nạo vét: 30 triệu m3, bùn: 22 triệu m3. Dự án chia làm hai giai đoạn, kéo dài đến năm 2024. Ðịa điểm xây dựng là Vịnh Gành Rái, thuộc vùng biển Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Dự án này trước đây đã bị Thanh tra Bộ GTVT phát hiện nhiều sai phạm; Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị dừng triển khai dự án. Cụ thể, trong Kết luận thanh tra số 162 ngày 6-1-2017, Thanh tra Bộ GTVT cho biết, dự án được Bộ GTVT cho phép thực hiện từ năm 2014. Tháng 10-2015, chủ đầu tư bắt đầu triển khai. Tuy nhiên, đến tháng 8-2016 dự án bị các cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng thi công do chủ đầu tư đã tự điều chỉnh phương án thi công so với hồ sơ đề xuất đã được duyệt; nạo vét ngoài phạm vi cho phép. Dự án cũng không nằm trong quy hoạch Khu neo đậu tránh, trú bão tàu biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ GTVT. Vị trí khu vực dự án nằm ngoài biển, cách cửa sông Soài Rạp khoảng 20 km về phía đông nam, thường xuyên chịu ảnh hưởng của sóng biển, là chưa thể hiện phương án tối ưu đối với dự án nạo vét neo đậu cho tàu.

Thanh tra Bộ GTVT còn phát hiện, chủ đầu tư đã ký hợp đồng kinh tế (thực chất là hợp đồng thi công, trị giá 500 tỷ đồng – PV) với Công ty TNHH một thành viên Minh Khôi (Công ty Minh Khôi). Tuy nhiên, Công ty Minh Khôi lại đang thua lỗ, lần đầu tham gia thi công công trình nạo vét luồng hàng hải phải đi thuê các thiết bị thi công dẫn đến việc quản lý thi công không bảo đảm, không chặt chẽ, gây mất an toàn hàng hải và thất thoát tài sản của Nhà nước do có sự trà trộn của các phương tiện khai thác cát trái phép… Thanh tra Bộ GTVT cũng chỉ ra rằng, nhà đầu tư thỏa thuận tiêu thụ 50 triệu m3 cả cát và bùn đối với Công ty Minh Khôi là không đúng quy định…

Trước những sai phạm nêu trên, tháng 10-2018, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT chấm dứt dự án; đề nghị nhà đầu tư phối hợp Cục Hàng hải thực hiện các thủ tục bàn giao và chính thức công bố đưa vào khai thác tám điểm neo (chủ đầu tư đã hoàn thành) cho tàu từ 5.000 đến 30.000 tấn đủ tải, tàu 15.000 đến 50.000 tấn giảm tải, đáp ứng nhu cầu neo đậu tàu, hỗ trợ khai thác các bến cảng trên sông Soài Rạp. Ngay sau khi được Bộ GTVT chấp thuận, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục bàn giao dự án, thanh lý hợp đồng theo quy định…

Ảnh hưởng đời sống người dân

Ðánh giá về việc có nên tiếp tục triển khai dự án hay không, tại Văn bản số 8531/SGTVT-GTT ngày 8-11-2019, Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dự án không nằm trong các quy hoạch về khu neo đậu, nhóm cảng biển của cả Bộ GTVT và TP Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trên luồng sông Soài Rạp, TP Hồ Chí Minh hiện có 17 điểm neo đậu kết hợp trú bão đáp ứng cho tàu từ 2.000 DWT đến 20.000 DWT và 16 bến phao, khu chuyển tải đáp ứng cho tàu từ 10.000 DWT đến 50.000 DWT giảm tải. Do vậy, tám điểm neo đậu đã được chủ đầu tư thi công (cho đến khi bị tạm dừng dự án) đạt chuẩn thiết kế cùng các điểm neo đậu đã được thiết lập trên luồng Soài Rạp đã bảo đảm khai thác tuyến luồng trong giai đoạn hiện nay.

Tương tự, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, trước đây, trong quá trình tổ chức thi công dự án, một số hộ dân đã khiếu kiện do hoạt động tại công trường ảnh hưởng đến sinh hoạt và an toàn tính mạng của người dân sống bằng nghề đăng đáy. Ðể bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình thi công, đề nghị chủ đầu tư hoàn thành hỗ trợ chi phí chuyển đổi ngành nghề, di dời, tháo dỡ đăng đáy cho các ngư dân.

UBND huyện Cần Giờ cũng cho biết, dự án đang trong quá trình thi công giai đoạn 1 thì bị tạm ngưng, trong đó có nguyên nhân ảnh hưởng việc đánh bắt hải sản của người dân khu vực dự án. Cho đến nay, các thiệt hại của người dân vẫn chưa được chủ đầu tư giải quyết. Mặt khác, dự án cũng chưa đáp ứng được tiến độ được duyệt và cũng không báo cáo các cơ quan quản lý. Vị trí đổ chất thải cách vị trí nạo vét của dự án khoảng 15 km là khá gần và chưa phù hợp điều kiện hiện nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, với một dự án nạo vét xây dựng khu tránh trú bão, chờ chuyển tải không đáp ứng được các điều kiện như: Tính tối ưu của vị trí làm dự án; dự án chưa có trong quy hoạch và nhà đầu tư không thật sự có năng lực, để xảy ra nhiều sai phạm chỉ trong một năm thi công…, thì việc cho tiếp tục triển khai dự án cần phải được xem xét một cách thận trọng để bảo đảm hiệu quả của dự án.

Tháng 9-2019, Công ty cổ phần Ðầu tư khai thác cảng xin điều chỉnh dự án. Trong phương án điều chỉnh, dự án chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1, từ năm 2019 đến 2024; giai đoạn 2, từ năm 2024 đến 2026. Diện tích khu neo đậu tàu là 1.338,50 ha với 44 điểm neo. Tổng khối lượng cát, bùn hai giai đoạn là 27.363.697 m3.

Nhóm phóng viên CQTT tại TP Hồ Chí Minh – Báo Nhân Dân

Theo Nhân Dân

Ảnh: Lực lượng chức năng kiểm tra các phương tiện nạo vét trên sông Soài Rạp (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh).

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44787302-nhieu-sai-pham-tai-mot-du-an-nao-vet-luong-hang-hai.html