Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa ban hành Thông báo 108/TB-TTTP-P4 về kết luận thanh tra toàn diện dự án khu nhà ở cán bộ, công nhân viên của Sở Văn hóa -Thể thao (VHTT) tại phường Phú Hữu, quận 9, nay là thành phố Thủ Đức, TP.HCM.
Theo Thanh tra TP.HCM, trong quá trình triển khai dự án đã có nhiều vi phạm, thiếu sót. Cụ thể về chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) TP.HCM ban hành quyết định chấp thuận Công ty Tổ chức Biểu diễn Nghệ thuật làm thuộc Sở VHTT làm chủ đầu tư dự án là chưa phù hợp.
Sở VHTT đề xuất thay đổi hướng tuyến đường Liên phường, dẫn đến đường Liên phường có trong chỉ tiêu đất giao thông để thực hiện dự án là chưa thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM; chưa thực hiện thủ tục điều chỉnh ranh giao đất và chưa báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh ranh thu hồi giao đất. Dự án chưa lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dẫn đến Giấy phép quy hoạch này đã hết thời hạn vào năm 2017.
Sở VHTT đã phân phối, bàn giao một số lô nền tại dự án chưa đúng đối tượng; ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Sản xuất, Xây dựng và Dịch vụ Thời Kiên và Công ty Cổ phần đầu tư Nam Tiên đối với phần diện tích đất xây dụng công trình công cộng tại dự án là chưa phù hợp.
Đáng chú ý, chủ đầu tư đã tự ý phân lô tăng thêm 14 nền đất nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, phê duyệt; không thiết kế xây dựng hồ điều tiết để tiêu thoát nước. Xác định phần diện tích đất công (làm cơ sở cho việc bồi thường thiệt hại theo phương thức hoán đổi đất cho Nhà nước với tỷ lệ là 10% của chủ đầu tư) có chênh lệch lớn với cơ quan chức năng; việc tăng thêm diện tích đất ở tại dự án chưa được các cơ quan chuyên môn có ý kiến dẫn đến chưa được xác định số tiền đóng nghĩa vụ tài chính.
Về trách nhiệm của UBND thành phố Thủ Đức, Thanh tra TP.HCM xác định, việc phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án không đúng chỉ đạo của UBND TP.HCM trong đó có việc đưa diện tích đất đường Liên phường vào chỉ tiêu đường giao thông, không xây dựng hồ điều tiết để tiêu thoát nước.
Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, theo Thanh tra TP.HCM, cơ quan chức năng vẫn bồi thường phần diện tích đường Liên phường mà UBND TP.HCM đã chỉ đạo không giao phần diện tích này để thực hiện dự án, dẫn đến phần diện tích này người dân được bồi thường 2 lần. Đã có 17 hộ dân có diện tích gần 1,5ha với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng không thuộc trường hợp đủ điều kiện bồi thường.
UBND thành phố Thủ Đức đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Anh Tuấn trong khi khu đất đã được Thủ tướng Chính phủ giao đất và có quy hoạch xây dựng dự án, là không đúng quy định. Sau đó ông Trần Anh Tuấn đã chuyển nhượng lại cho 10 hộ dân khác. Mặc dù về sau UBND quận 9 (nay là UBND thành phố Thủ Đức) ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho 10 hộ dân nói trên nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong thu hồi đất thực hiện dự án .
Theo Thanh tra TP.HCM, trách nhiệm các sai phạm, thiếu sót nêu trên án thuộc về Sở VHTT, UBND thành phố Thủ Đức, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), các đơn vị, cá nhân có liên quan thời kỳ phát sinh vụ việc.
Trên cơ sở thống nhất với kết luận của Thanh tra Thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu Sở VTTT tổ chức chấn chỉnh khắc phục các hạn chế, sai sót; kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan; khẩn trương báo cáo Sở KHĐT để điều chỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho phù hợp.
Chủ động liên hệ, phối hợp với Sở TNMT để xác định, điều chỉnh ranh giao đất theo hướng dẫn của cơ quan chức năng cho phù hợp điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; xác định lại phần diện tích đất công bị thu hồi làm cơ sở cho việc bồi thường thiệt hại theo phương thức hoán đổi đất cho Nhà nước với tỷ lệ là 10% của chủ đầu tư.
Chủ động đề xuất phương án xử lý đối với việc bồi thường phần diện tích đường Liên phường và 17 hộ dân (với diện tích gần 1,5ha, số tiền hơn 4,4 tỷ đồng) không thuộc trường hợp đủ điều kiện để Sở TNMT và Sở Tài chính xem xét, có ý kiến hướng dẫn. Đồng thời rà soát có biện pháp xử lý và đề xuất xử lý phù hợp đối với các trường hợp bán nền đất không đúng đối tượng.
Đối với Sở TNMT, UBND TP.HCM yêu cầu nghiêm túc phê bình rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân chậm thực hiện nhiệm vụ được UBND Thành giao; báo cáo việc phê duyệt chỉ tiêu cơ cấu sử dụng đất có đường Liên phường và tăng diện tích đất ở tại dự án có xác định nghĩa vụ tài chính tương ứng.
Đồng thời rà soát, kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án theo và việc ký kết hợp đồng giữa Sở VHTT với Công ty TNHH Sản xuất, Xây dựng và Dịch vụ Thời Kiên và Công ty Cổ phần đầu tư Nam Tiên.
Ngoài ra UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức xem xét, có ý kiến đối với việc tăng thêm 14 nền đất so với quyết định phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án.
Bỏ hoang nhiều năm nay
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001 với diện tích 20ha, phân lô bán nền cho khoảng 800 hộ dân là cán bộ, công nhân viên của Sở VTTT TP.HCM có nhu cầu về nhà ở. Từ đó cho đến nay mặc dù các hộ dân đã đóng đủ tiền nhưng vẫn chưa được giao đất hoặc chưa có sổ. Nhiều nền đất được chuyển nhượng bằng giấy tay, gây khó khăn cho việc thực hiện quy hoạch xây dựng.
Hiện nay tại dự án chỉ có 27 công trình xây dựng (nhà ở) (chiếm khoảng 0,03% diện tích đất ở), còn lại là đất trống chưa xây dựng. Trong các đợt “sốt ảo” đất nền tại TP.HCM và các địa phương lân cận diễn ra vừa qua, nhất là vào thời điểm thành lập thành phố Thủ Đức (cuối năm 2020), đây là một trong những “điểm nóng” của tình trạng rao bán đất nền chưa hoàn thiện pháp lý.
Trần Tình – Báo LĐTĐ
Theo Lao Động Thủ Đô
Ảnh: Nhiều khu đất bỏ hoang trong dự án.
Xem bài viết gốc tại đây: