Nhiều nơi ở Đắk Lắk và Đăk Nông ngập lụt nghiêm trọng dù đã dứt mưa

Mặc dù mưa đã dứt nhưng tình hình ngập lụt tại tỉnh Đắk Lắk và Đăk Nông vẫn diễn ra nghiêm trọng, nhiều khu vực dân cư và sản xuất tiếp tục ngập sâu trong nước.

Đến chiều 3/12, tỉnh Đắk Lắk có 7 huyện bị ngập lụt, trong đó các huyện bị ngập nghiêm trọng nhất là Krông Bông, Krông Ana, M’đrăk và Lắk.

Thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh đã có 1 người chết, 7 nhà bị hư hỏng, 16 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, trên 1.000 hộ dân bị ngập và chia cắt. Đồng thời, rất nhiều tuyến đường, điểm giao thông bị sạt lở, hư hỏng nặng, trên 1.000 ha cây trồng bị ngập lụt. Trực tiếp đi chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ, ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, lực lượng chức năng của tỉnh đã sơ tán gần 450 hộ dân đến nơi an toàn. Tỉnh đang dồn toàn lực để ứng phó với đợt mưa lũ nghiêm trọng này.

“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi thời tiết để có những giải pháp kịp thời. Phương châm là phải tập trung cao độ cho phòng chống mưa lũ và đảm bảo an toàn cho người dân. Những chỗ nguy hiểm thì phải có cảnh báo và trong trường hợp dân không di dời thì phải kiên quyết để đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân. Thứ ba là khắc phục ngay những điểm giao thông chia cách, đảm bảo giao thông đi lại cho người dân”, ông Cường thông tin.

Trong ngày hôm nay, tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản tạnh mưa, nhưng mực nước trên các sông đang tiếp tục lên, thiên tai đang ở cấp báo động 2. Đặc biệt, ở lưu vực sông Sêrêpôk, nước lũ từ thượng nguồn vẫn đang đổ mạnh về hạ lưu, các thủy điện đang xả lũ với lưu lượng rất lớn.

Ông Văn Thiên Nhân, Giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah và Buôn Kuốp – hệ thống thủy điện lớn nhất trên sông Sêrêpôk) cho biết, lưu lượng nước lũ về hồ thủy điện Buôn Kuốp ở mức khoảng 1.800m3/s. Lưu lượng xả lũ ở thủy điện này hiện ở mức khoảng 1.400m3/s. Do ở thượng nguồn đã bão hòa, nên nước lũ sẽ còn đổ về hồ trong nhiều ngày. Việc xả lũ có thể phải kéo dài tới nửa tháng.

“Đợt này thiên tai cấp độ 2, đây là hiện tượng thời tiết thái quá. Đợt này chúng tôi vẫn chưa thể ngưng xả được, nước lũ bây giờ vẫn đang đổ về và tôi dự kiến nước lũ ở vùng Giang Sơn này về mà phải xả qua tràn Buôn Kuốp 15 ngày. Mà nước từ Giang Sơn đổ về lại không có công trình nào để kiểm soát. Thực sự chúng tôi cũng không thể nghĩ thêm được biện pháp gì, chỉ có điều phải biết diễn biến như thế để bà con có sự chuẩn bị để giảm thiệt hại”, ông Nhân cho hay.

Đồng thời, rất nhiều tuyến đường, điểm giao thông bị sạt lở, hư hỏng nặng.

Lực lượng chức năng đã di dời gần 450 hộ dân đến nơi an toàn.

Hôm nay, Đắk Lắk đã cơ bản tạnh mưa, nhưng mực nước trên các sông đang tiếp tục lên, thiên tai đang ở cấp báo động 2.

Đặc biệt, ở lưu vực sông Sêrêpôk, nước lũ từ thượng nguồn vẫn đang đổ mạnh về hạ lưu, các thủy điện đang xả lũ với lưu lượng rất lớn.

Việc xả lũ ở lưu vực sông Sêrêpôk có thể phải kéo dài tới nửa tháng. Chính quyền và người dân vùng hạ du cần hết sức chú ý.

Không chỉ Đăk Lắk mà lượng nước từ thượng nguồn sông Krông Ana (tỉnh Đăk Lăk) đổ về, cộng với việc thủy điện Buôn Tua Shar xả lũ đã khiến cho Xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô (Đăk Nông) cũng bị ngập lụt nghiêm trọng khi, thiệt hại nặng nề về tài sản và hoa màu. Theo ông Nguyễn Văn Thinh, Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh, (huyện Krông Nô), đến chiều nay, 3/12, 5/6 thôn của xã bị chia cắt do nước lũ. Dù trời không còn mưa lớn, nhưng lượng nước từ thượng nguồn sông Krông Ana (tỉnh Đăk Lăk) đổ về, cộng với việc thủy điện Buôn Tua Shar xả lũ (khoảng 100m3/s) đã khiến hơn 50 ha hoa màu, 60 nhà dân bị ngập lụt, hàng trăm lồng bè nuôi cá bị thiệt hại. Các lực lượng địa phương đang khẩn trương hỗ trợ người dân vùng bị ngập sâu di dời đến nơi an toàn. Đồng thời, bố trí lực lượng chốt chặn ở những điểm giao thông bị ngập, đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Thinh cho biết: “Trước tình hình lũ lụt đang diễn biến ở xã Buôn Choáh thì ban chỉ đạo của xã đã tăng cường chỉ đạo các lực lượng thực hiện phương châm bốn tại chỗ. Tuyên truyền vận động bà con sơ tán lên nơi cao hơn để đảm bảo về người và tài sản. Hiện công tác phòng chống lụt bão là đã di dời người già và trẻ nhỏ là ưu tiên số một. Ngoài ra vận động các lực lượng vận chuyển lương thực, tài sản của người dân tới vùng an toàn”.

Nhóm PV/VOV-Tây Nguyên

Theo VOV.VN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-noi-o-dak-lak-va-dak-nong-ngap-lut-nghiem-trong-du-da-dut-mua-821797.vov