‘Nhiều người từ bỏ xe cá nhân để đi làm bằng tàu Cát Linh-Hà Đông’

Rất nhiều người dân đã tiếp cận tàu Cát Linh-Hà Đông bằng cách chấp nhận đi bộ 500-1.000m đến nhà ga và tiếp nối bằng các phương thức công cộng khác như taxi, xe buýt…

Sau thời gian khai thác miễn phí để người dân trải nghiệm, theo đánh giá của ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội), hành khách đã có những trải nghiệm và đánh giá rất tốt về loại hình vận tải công cộng mới của Thủ đô.

Phóng viên VietnamPlus đã có trao đổi với ông Vũ Hồng Trường xung quanh vấn đề này.

Những người đi tàu là một hướng dẫn viên

– Sau gần 15 ngày đưa vào khai thác miễn phí cho người dân trải nghiệm, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã hoạt động ra sao, thưa ông?

Ông Vũ Hồng Trường: Tính từ ngày 6-18/11, sau 13 ngày đưa vào khai thác, đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển hơn 1.945 chuyến tàu và “cõng” được 296.815 khách đi. Tần suất chạy tàu bắt đầu giữ ổn định khi sáng mở tuyến từ 5 giờ 30, kết thúc 22 giờ và thực hiện theo đúng biểu đồ đồng thời vượt kế hoạch lượng khách vận chuyển.

Tuyến tàu điện Cát Linh-Hà Đông sẽ kết thúc 15 ngày vận hành miễn phí trong ngày 20/11. Từ 21/11, bắt đầu chuyển sang giai đoạn khai thác thương mại, vận chuyển khách có thu tiền.

Các chuyến tàu đều hoàn toàn điều hành lập trình bằng tự động. Người dân Hà Nội rất hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, thành phố phát triển giao thông công cộng mà xương sống là đường sắt đô thị để giải quyết vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Có thể thấy rằng, người dân vô cùng chia sẻ với phương thức vận tải mới và tiếp cận nhanh, thể hiện ở chỗ những ngày đầu Metro Hà Nội phải tăng cường rất đông nhân lực để hướng dẫn người dân đi tàu. Đến nay, những người đi tàu đã đi trở thành một tuyên truyền viên, hướng dẫn viên cho người khác.

– Quá trình tuyến đường sắt đô thị này đưa vào khai thác có phát sinh những tình huống về lỗi vận hành và đơn vị khắc phục ra sao?

Ông Vũ Hồng Trường: Dự án được bàn giao cho thành phố Hà Nội và vận hành ngay nên dù tính toán thế nào vẫn có những vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, những người trực tiếp vận hành nhận thức được vấn đề và đưa ra các giải pháp xử lý. Những chuyện dở khó, dở cười như cha lạc con, nhường phòng để trông thú cưng hành khách, vận chuyển hàng cồng kềnh… đến hôm nay gần như đã chấm dứt.

Sau một tuần, Metro Hà Nội đã chính thức dán nội quy hành khách đi tàu ở tất cả các nhà ga và khách ủng hộ chủ trương này.

Trong những ngày vận hành vừa qua, có 1 số lỗi nhỏ về kỹ thuật như tàu bị hỏng cần gạt nước, âm thanh không đảm bảo do để lâu ngày nhưng quan trọng nhất các tình huống này đã được xử lý theo đúng quy trình và không để xảy ra tình trạng bỏ chuyến lượt.

Thực tế diễn ra là kịch bản tốt nhất trong các kịch bản đã được chuẩn bị từ đầu. Hành khách đã có những trải nghiệm và đánh giá rất tốt để đơn vị Metro vững tin để thực hiện tiếp trong quá trình vận hành, khai thác thương mại.

– Nhiều người cũng phản ánh tại các nhà ga hay điểm trông giữ xe khu vực xung quanh đó chưa đảm bảo có chỗ để gửi phương tiện, thưa ông?

Ông Vũ Hồng Trường: Hiện tại ở ga Cát Linh và Yên Nghĩa có bố trí trông giữ xe ngay dưới nhà ga. Thời gian tới, khu vực dưới nhà ga Cát Linh cũng sẽ không trông giữ phương tiện mà để dành chỗ cung cấp các dịch vụ tiện ích khác cho người đi tàu. Phía Metro cũng phối hợp với địa bàn bố trí điểm trông giữ xe cá nhân trong ngõ Hào Nam trông giữ được 500-1.000 xe.

Các nhà ga dọc tuyến hết sức khó khăn trong việc bố trí các nên mong hành khách chấp nhận đi bộ hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng khác kết nối và chia sẻ với Metro.

Có một điều đáng mừng, rất nhiều người dân đã tiếp cận phương thức vận tải công cộng hiện đại này bằng cách chấp nhận đi bộ 500-1.000m đến nhà ga và tiếp nối bằng các phương thức công cộng khác như taxi, xe buýt… Nếu tất cả tiếp cận bằng xe cá nhân thì không đạt được mục tiêu giảm thiểu xe cá nhân của thành phố đề ra.

Một tuyến đường sắt đô thị chỉ là… “ngôi sao cô đơn”

– Cũng có ý kiến cho rằng khi đưa vào bán vé thương mại, lượng khách sẽ sụt giảm so với thời gian đầu bởi người có nhu cầu thực sự sẽ ít đi. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Vũ Hồng Trường: Quy luật của khách đi trên tuyến này trong những ngày đầu chưa rõ vì không phân biệt được đâu là người đi tàu thường xuyên hay người đi trải nghiệm. Tuy nhiên, đến giờ quy luật khách đi đã rõ ràng khi ngày cuối tuần vừa qua lượng khách tăng, nhưng những ngày trong tuần khách đi tương đối ổn định từ 18.000-20.000 khách.

Như tôi đã nói, rất nhiều người dân đã đi bộ 500-1.000m đến nhà ga hoặc di chuyển bằng các phương thức công cộng khác như taxi, xe buýt… để tới đi tàu. Nếu tất cả tiếp cận bằng xe cá nhân thì không đạt được mục tiêu giảm thiểu xe cá nhân.

Sau 1 tuần vận hành tàu chạy giãn cách 15 phút/chuyến, tuần tiếp theo (từ ngày 13/11) tần suất chạy 10 phút/chuyến tàu. Theo thống kê, lượng khách đi vào những ngày thường tăng từ 6-15%, đây là lượng người sử dụng vào nhu cầu đi lại công việc.

– Một tuyến đường sắt sẽ không thể đảm bảo kết nối hoàn chỉnh và điều đó sẽ có thể lạc lõng, khó thu hút được người dân đi nhiều. Quan điểm của ông ra sao về thực trạng này?

Ông Vũ Hồng Trường: Một tuyến đường sắt đô thị chưa giải quyết được gì nhiều nhưng đánh dấu mở đầu phương thức giao thông công cộng mới và giữ vai trò chủ đạo tương lai của Hà Nội. Một tuyến đường sắt đô thị chỉ là… “ngôi sao cô đơn.”

Cũng phải nhấn mạnh, đối tượng thu hút chính ngay từ khi thiết kế và đưa vào hoạt động của dự án đường sắt đô thị là người dân bán kính 500-1.000m trên dọc hành lang tuyến và người sử dụng phương tiện công cộng sẽ tiếp chuyển sau khi xuống tàu Cát Linh-Hà Đông. Hiện nay, việc kết nối với xe buýt ở các ga vô cùng thuận lợi.

Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đi qua nút giao thông 4 tầng Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Tính kết nối đường sắt đô thị chỉ giải quyết được căn cơ nếu phát triển được mạng lưới đường sắt đô thị đã có trong quy hoạch đồng bộ với 9 tuyến đường sắt đô thị nội đô cùng với một tuyến ngoại vi nhằm đảm bảo kết nối dọc và ngang. Trong điều kiện chưa có hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ hoàn chỉnh, người dân phải chấp nhận đi bộ, kết nối xe buýt và các phương tiện khác.

– Những đối tượng miễn phí khi đi tàu sẽ được phát thẻ ra sao? Với trường hợp mua vé tháng muốn sử dụng tiếp sẽ cần phải làm gì để có thẻ đi tàu tiếp, thưa ông?

Ông Vũ Hồng Trường: Chủ trương của thành phố tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Với người cao tuổi, chỉ cần đến đưa thẻ miễn phí xe buýt sẽ được phát thẻ 0 đồng đi miễn phí. Những người đi vé tháng đến trả tiền thì được phát vé 30 ngày, nếu hết hạn sẽ phải đến đổi thẻ đó và lấy thẻ mới. Đối tượng học sinh sinh viên trình thẻ học sinh sinh viên và sẽ được dán tem.

Mục tiêu là để khuyến khích người đi nên các thủ tục hành chính cắt giảm tối đa. Sau 1 thời gian nếu có vấn đề phát sinh, Metro sẽ tiếp tục cải tiến đảm bảo quan lý chặt chẽ trợ giá Nhà nước nhưng đồng thời tạo tối đa cho người dân.

– Xin cảm ơn ông.

Việt Hùng (Vietnam+)

Theo VietnamPlus

Ảnh: Nhiều người dân đã trải nghiệm tàu Cát Linh-Hà Đông và đánh giá rất tốt về loại hình vận tải công cộng hiện đại của Thủ đô. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.vietnamplus.vn/nhieu-nguoi-tu-bo-xe-ca-nhan-de-di-lam-bang-tau-cat-linhha-dong/754983.vnp