Nhiều luật có hiệu lực thi hành kể từ 1-7-2020

Sau ngày 1/7/2020, nhiều Luật sẽ chính thức có hiệu lực

1/ Bỏ biên chế suốt đời với viên chức

Kỳ họp thứ 8 (11-2019), Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.

Cụ thể, vẫn giữ nguyên 2 loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn hay “chế độ biên chế suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp sau: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 1-7 đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

Việc sửa đổi, bổ sung quy định này hoàn toàn phù hợp với tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW về công tác cán bộ. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị nhấn mạnh sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chế độ biên chế suốt đời với viên chức.

2/ Có 3 đối tượng được điều chỉnh biên chế công chức

Theo Nghị định 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức, có hiệu lực từ ngày 20-7. Theo đó, việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức chỉ được xem xét trong 3 trường hợp.

Đó là: Cơ quan, tổ chức thay đổi vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao… Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

3/ Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân

Ngày 2/6, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân
Theo đó, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế TNCN như sau: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế tăng 2 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc tăng 0,8 triệu đồng/tháng so với quy định cũ.

Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh được xác định tại khoản 1 điều 19 Luật Thuế TNCN 2007 (sửa đổi năm 2012) được xác định lại số thuế TNCN phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Nghị quyết này khi quyết toán thuế TNCN năm 2020.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

4/ Người nước ngoài đã có thể chuyển đổi mục đích thị thực

Bên cạnh việc xây dựng một Luật mới hoàn toàn về việc xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam, quy định về việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng được sửa đổi, bổ sung và chính thức được Quốc hội thông qua.

Nếu như trước đây, thị thực không được chuyển đổi mục đích thì khi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020, người nước ngoài đã được cho phép chuyển đổi mục đích thị thực trong một số trường hợp cụ thể.

Khi đó, thị thực mới sẽ có ký hiệu, thời hạn phù hợp với mục đích được chuyển đổi.

Ngoài ra, Luật này còn bổ sung quy định cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài, sửa đổi điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh…

5/ Giáo viên phải nâng chuẩn trình độ đào tạo

Luật Giáo dục năm 2019 được Quốc hội thông qua vào ngày 14/6/2020 với nhiều điểm mới so với Luật Giáo dục hiện đang có hiệu lực.

Một trong số đó phải kể đến việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên các cấp. Theo đó, từ 01/7/2020, trình độ “chuẩn” của giáo viên được yêu cầu cao hơn, bằng trung cấp sư phạm không còn được chấp nhận. Tuy nhiên, những người đang giảng dạy có bằng trung cấp sẽ được nâng chuẩn theo lộ trình do Chính phủ quy định (khoản 2 Điều 72 Luật 2019).

Ngoài ra, về việc biên soạn sách giáo khoa, Luật 2019 cũng khẳng định mỗi môn học có thể có một hoặc một số sách giáo khoa. Đồng thời, Luật cũng khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

7/ Thêm nhiều nội dung về quản lý thuế

Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 với nhiều nội dung đáng chú ý. Đặc biệt, lần đầu tiên, Luật này quy định về quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử.

Đồng thời, Luật này cũng mở rộng quyền của người nộp thuế cũng như bổ sung thêm trường hợp được xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Đặc biệt, khoản 2 Điều 151 Luật này nêu rõ: Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022 nhưng khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày này.

8/ Nhiều quy định mới về thủ tục làm hộ chiếu được áp dụng

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là một trong những Luật hoàn toàn mới, quy định về hoạt động xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2019.

Luật này gồm 8 Chương và 52 Điều với nhiều nội dung đáng chú ý về thủ tục làm hộ chiếu. Có thể kể đến một số quy định như sau:

– Hộ chiếu được gắn chíp điện tử;

– Hộ chiếu phổ thông được cấp cho mọi công dân Việt Nam mà không có sự phân biệt về độ tuổi;

– Có Căn cước công dân sẽ được cấp hộ chiếu ở bất cứ nơi nào…

9. Mở rộng quyền lợi người nộp thuế

Cũng có hiệu lực từ tháng 7/2020 còn có các quy định như: Doanh nghiệp được đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mức thấp hơn (Nghị định 58/2020/NĐ-CP quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp); thêm 3 loại giấy tờ có thể sử dụng trong hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp (Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành về bảo hiểm thất nghiệp); giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp (Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019); mở rộng quyền lợi của người nộp thuế (Luật Quản lý thuế năm 2019); thêm nhiều trường hợp tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ (Luật Dân quân tự vệ năm 2019).

10/ Thêm trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ

Với 8 Chương và 50 Điều, Luật Dân quân tự vệ sửa đổi đã được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung mới, đáng chú ý so với quy định hiện hành.

Có thể kể đến, Luật sửa đổi đã bổ sung thêm nhiều trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ như nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 3 tháng tuổi, là lao động chính duy nhất trong hộ cận nghèo…

Đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới, Luật sửa đổi đã bổ sung quy định, dân quân thường trực được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo đảm tiền ăn (trước đây chỉ bố trí nơi ăn, nghỉ)…

11/ Độ tuổi quân nhân dự bị trong thời bình cao nhất đến 45

Luật Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019, thay thế Pháp lệnh Lực lượng Dự bị động viên năm 1996, quy định cụ thể về độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình.

Cụ thể, Điều 17 Luật này nêu rõ, độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được quy định như sau:

– Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu;

– Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu…

12/ Chính thức giảm số lượng đại biểu HĐND

Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung được Quốc hội chính thức thông qua ngày 22/11/2019 với nhiều điểm mới đáng chú ý.

Theo đó, Luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi bởi Điều 1, Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi bởi Điều 2 với những điểm nổi bật như sau:

– Luật Tổ chức Chính phủ: Bổ sung thêm một số quyền của Chính phủ như quyết định số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp, số lượng cấp phó tối đa của các đơn vị trực thuộc cơ quan Chính phủ…

– Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Bổ sung quy định về quốc tịch của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) đồng thời cũng giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp…

13/ Kiểm toán Nhà nước được quyền xử phạt hành chính

Đây là nội dung mới bổ sung tại Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019.

Cụ thể, Luật sửa đổi bổ sung thêm quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước tại Điều 11 như sau:

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Đây là quy định hoàn toàn mới, trước đây chưa từng có trong Luật Kiểm toán Nhà nước hiện đang có hiệu lực…

12/ Phải tạo phong cách riêng cho kiến trúc Việt Nam

Tiếp tục là một Luật mới được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, Luật Kiến trúc có rất nhiều điểm đáng chú ý.

Việt Nam là một quốc gia có nhiều nền văn hóa đa dạng, phong phú. Do đó, khi xây dựng Luật này, Quốc hội nhấn mạnh phải luôn dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc để tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam.

Đặc biệt, Luật này cũng nêu rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.

14/ Bí mật Nhà nước phân thành 3 cấp độ

Ngày 15/11/2018, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Theo đó, bí mật Nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, được phân thành 03 mức độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật.

Thời gian bảo vệ bí mật Nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật Nhà nước đến:

– 30 năm với bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật;

– 20 năm với bí mật Nhà nước độ Tối mật;

– 10 năm với bí mật Nhà nước độ Mật…

Luật sư Đồng Xuân Thụ

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)