Nhiều giải pháp ứng phó trước tình hình mưa bão cho khu vực ĐBSCL

Triều cường và mưa bão đang là vấn đề trở ngại của giao thông các tỉnh ĐBSCL…

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB IV cho biết: Để ứng phó với tình hình mưa bão sắp tới, Cục QLĐBIV đã chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiều nội dung cho khu vực mà đơn vị đang quản lý.

Đối với công tác bão dưỡng thường xuyên (BDTX): Mặc dù các Hợp đồng BDTX được đấu thầu với thời hạn 3 năm, thực hiện nghiệm thu theo chất lượng thực hiện (theo Quyết định 2196 nay là Thông tư 48 của Bộ GTVT). Tuy nhiên, Cục đã chỉ đạo các Nhà thầu tập trung nhân vật lực để thực hiện quyết liệt trong quý I và tháng 4,5 (coi đây là chiến dịch) để thực hiện xử lý triệt một số hạng mục thực sự cần thiết nhằm duy trì khả năng khai thác và hạn chế sự xuống cấp các đoạn tuyến Quốc lộ trước khi vào mùa mưa như: Tráng nhựa mặt đường rạn nứt, dặm vá ổ gà, đùn lún; nạo vét hệ thống thoát nước ngang và dọc để đảm bảo nước rút nhanh sau khi mưa; ban gạt lề đường đảm bảo không để đọng nước mặt đường, lề đường … nhằm hạn chế sự thấm nước xuống mặt đường gây hư hỏng, xói lở.

Cục đã chỉ đạo các chi cục QLĐB khu vực xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão, xác định các điểm xung yếu để có kế hoạch phòng chống theo phương châm 4 tại chỗ. Đặc biệt yêu cầu tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để phát hiện kịp thời những hư hỏng phát sinh do thiên tai gây ra, tổ chức chỉ đạo thực hiện đảm bảo giao thông bước 1 nhằm duy trì giao thông được thông suốt, an toàn.

Đối với khu vực bị ngập do triều cường như tỉnh Vĩnh Long gần 5km, tỉnh Bạc Liêu hơn 20km, tỉnh Cà Mau hơn 2km…và 1 số tuyến Quốc lộ như 54, 53… Cục chỉ đạo các nhà thầu thực hiện các nội dung như: Cắm cọc thủy chí, bên phải mép đường bị ngập nước. Đặt biển cảnh báo phía trước đoạn ngập, bố trí nhân công điều tiết giao thông và giúp đỡ các phương tiện bị chết máy trong vùng ngập. Phối hợp với địa phương tuyên truyền thời điểm ngập trong ngày và ngày bị ngập trong tháng để người dân chủ động xắp xếp thời gian tham gia giao thông qua các đoạn bị ngập được an toàn, thuận lợi. Đặt hệ thống biển báo hiệu, rào chắn và phối hợp với chính quyền địa phương bố trí lực lượng nhằm phong tỏa đoạn tuyến bị ngập sâu nguy hiểm. Sau khi kết thúc các đợt triều cường, tiến hành sửa chữa khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ theo quy định.

Để xử lý triệt để, Cục xây dựng kế hoạch và báo cáo kiến nghị Tổng cục ĐBVN, Bộ GTVT sớm bố trí vốn trong năm 2021 và các năm tiếp theo để xử lý chống ngập các điểm còn lại (khoảng 45 điểm), trong đó ưu tiên các điểm bị ngập trên QL1 và các điểm bị ngập sâu trên các quốc lộ khác.

Đối với công tác sửa chữa định kỳ: Ngoài việc chỉ định thầu một số công trình (giá trị < 1 tỷ đồng) để kịp thi công trước thời điểm mưa nhiều; số công trình còn lại xác định phải triển khai thi công trong mùa mưa nên Cục đã chỉ đạo các Nhà thầu thực hiện các nội dung:Về kế hoạch thi công tổng thể vẫn phải đảm bảo thời hạn như Hợp đồng đã ký kết. Riêng kế hoạch thi công chi tiết phải xác định một số hạng mục ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa thì tiến hành bình thường và ưu tiên triển khai trước; các hạng mục còn lại như công tác tráng nhựa, thảm BTN … thì làm tốt công tác chuẩn bị nhân công, vật tư, xe máy thiết bị để sẵn sàng thi công, giữ liên hệ với trung tâm khí tượng khu vực để nắm bắt và dự báo thời tiết không mưa (như hạn bà chằn kéo dài 5-7, thậm chí là 10-15 ngày liên tục, xảy ra trong khoảng từ tháng 5-11) để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành công trình đúng tiến độ mà vẫn đảm bảo chất lượng, mỹ quan.

Riêng trước đó, nhà thầu Công ty cổ phần 482 thực hiện BDTX tuyến N2, tỉnh Long An do thực hiện BDTX không tốt để xảy ra nhiều hư hỏng mặt đường gây mất ATGT, mặc dù đã được Cục nhắc nhở nhiều lần nhưng không chấp hành, Cục đã xử lý chấm dứt hợp đồng, thay thế Nhà thầu khác.

Mỹ Lệ – Tạp chí GTVT

Theo Giao Thông Vận Tải

Ảnh: Nhiều tuyến đường tại khu vực Đồng bằng SCL được nâng cấp trước mùa mưa bão

Xem bài viết gốc tại đây:

http://www.tapchigiaothong.vn/nhieu-giai-phap-ung-pho-truoc-tinh-hinh-mua-bao-cho-khu-vuc-dbscl-d87758.html