Nhiều dự án ở Lâm Đồng ‘nằm chờ’ do thiếu đất đắp

Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại tỉnh Lâm Đồng đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn đất đắp, vật liệu xây dựng là cát, đá do thủ tục cấp phép khai thác khá rườm rà, mất nhiều thời gian.

Do sự thiếu hụt về nguồn đất đắp nên ngày 5/3 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng buộc phải thống nhất với đề xuất của Sở KH&ĐT tỉnh này, tạm dừng việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thuộc dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực khóa mỏ khai thác sét tại nhà máy gạch tuynen Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương. Nguyên nhân là do cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn đất đắp để sử dụng cho dự án. Theo phản ánh của nhiều đơn vị đang thi công dự án liên quan tới đường giao thông, hạ tầng tại tỉnh Lâm Đồng, họ đang gặp rất nhiều khó khăn khi không tìm ra nguồn đất đắp san lấp, tạo mặt bằng để thi công, lu lèn nền đường, mặt bằng. Thời gian qua, vật liệu xây dựng tại Lâm Đồng khan hiếm khiến giá cát, đá tăng “phi mã”…

Không chỉ thiếu đất đắp phục vụ các dự án giao thông, tỉnh Lâm Đồng cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng vật liệu xây dựng thông thường. Ảnh minh họa.

Không chỉ thiếu đất đắp phục vụ các dự án giao thông, tỉnh Lâm Đồng cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng vật liệu xây dựng thông thường. Ảnh minh họa.

Sự thiếu hụt về đất đắp đã dẫn tới không ít dự án giao thông, hạ tầng tại tỉnh Lâm Đồng có thời điểm phải tạm dừng thi công để chờ cơ quan chức năng bố trí khu vực khai thác nguồn đất đắp, nhất là các dự án tại các huyện phía Bắc tỉnh Lâm Đồng như Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và TP Đà Lạt. Việc thiếu hụt đất đắp đã làm nhiều dự án bị ảnh hưởng về tiến độ thi công. Dự án đường vành đai thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương sau một thời gian triển khai nay buộc phải tạm dừng để chờ ý kiến của chủ đầu tư về bố trí nguồn đất đắp với khoảng 100.000m³. Tương tự, dự án xây dựng giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật trung tâm hành chính, quảng trường huyện Đức Trọng cũng đang trong tình trạng “khát” nguồn đất đắp mặt bằng.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, việc kéo dài thời gian thi công do thiếu nguồn đất đắp dẫn tới trượt giá vật liệu xây dựng khiến nhiều đơn vị thi công thua lỗ, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của tỉnh Lâm Đồng.

Tại các huyện, thành phố phía Bắc tỉnh Lâm Đồng hiện chỉ có một mỏ đất được cấp phép khai thác tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Tuy nhiên, mỏ đất duy nhất này chất lượng khoáng sản lại không đủ điều kiện để sử dụng cho các dự án đất đắp giao thông do có nhiều viên đá to (đá thối), khi sử dụng sẽ gây kẽ hở lớn, việc lu lèn không chặt, không đảm bảo liên kết, tiêu chuẩn dùng để lu lèn nền đường. Hơn nữa, trữ lượng khai thác được cấp phép tại mỏ cũng rất hạn chế.

Không chỉ thiếu đất đắp phục vụ các dự án giao thông, tỉnh Lâm Đồng cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng vật liệu xây dựng thông thường. Các mỏ đá tại TP Đà Lạt tập trung ở phường 5, 7 và phường 11 theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng đã phải thực hiện thủ tục để đóng cửa mỏ. Cát xây dựng có được từ hoạt động nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi không được bán trực tiếp như trước đây mà buộc phải thông qua hình thức đấu giá trong khi thủ tục đấu giá cát từ hoạt động nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi gặp không ít khó khăn do quy định chưa rõ ràng.

Tới nay, lượng cát xây dựng có được từ hoạt động nạo vét nhiều năm qua tại tỉnh Lâm Đồng vẫn đang “chết cứng” tại chỗ, chưa thể đem ra đấu giá. Trong khi đó, các mỏ khai thác cát được cấp phép không thể đáp ứng được nhu cầu xây dựng đã đẩy giá vật liệu xây dựng tăng cao. Cát xây dựng bán lẻ tới người tiêu dùng tại TP Đà Lạt hiện đã lên tới 600.000m³, bột đá 500.000m³, đá cấp phối 570.000 đồng/m³, đá chẻ khoảng 6,5 nghìn đồng/viên… Vật liệu xây dựng ở Lâm Đồng quá cao khiến các doanh nghiệp, đơn vị thi công dự án phải mua xe đầu kéo, vượt khoảng 130km xuống tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa để mua cát, đá chở lên TP Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà… phục vụ thi công các dự án.

Đá cấp phối trong khi mua tại mỏ ở Lâm Đồng có giá 370.000 đồng/m³ nhưng chưa đạt chuẩn. Cũng với loại đá này, khi mua tại tỉnh Ninh Thuận đã đạt chuẩn chỉ có giá 190.000 đồng/m³. Đá 1×2 mua tại mỏ ở Lâm Đồng tới 400.000 đồng/m³ thì ở Ninh Thuận chỉ có giá 220.000 đồng/m³. Tương tự, cát xây dựng được các doanh nghiệp ở Lâm Đồng mua tại tỉnh Ninh Thuận có giá tại mỏ là 250.000 đồng/m³ (đã gồm hóa đơn) nhưng tại Lâm Đồng cát bán tại mỏ hơn 300.000 đồng/m³ (chưa hóa đơn). Đặc biệt, phần lớn các mỏ cát ở Lâm Đồng lẫn quá nhiều bùn đất, chất lượng kém, không thể sử dụng để đổ bê tông cho các công trình đòi hỏi chất lượng cao.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, các trường hợp khai thác đất, vật liệu san lấp sử dụng để đắp, san lấp cho các dự án không thuộc phạm vi dự án đã được duyệt, trước khi khai thác san lấp phải lập hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép khoáng sản theo quy định. Việc thực hiện thủ tục này phải trải qua nhiều bước, gồm điều chỉnh bổ sung quy hoạch, thăm dò mỏ, đấu giá quyền khai thác mỏ… mất rất nhiều thời gian. Thủ tục rườm rà đã khiến một số địa phương của tỉnh Lâm Đồng đang thiếu hụt nghiêm trọng đất đắp để thi công các công trình, nhất là những dự án có quy mô lớn.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Bộ TN&MT gỡ vướng theo hướng cắt giảm thời gian, thủ tục trong việc cấp phép khai thác khoáng sản. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy nhanh hoàn tất các thủ tục để đưa ra đấu giá cát xây dựng có được từ hoạt động nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn nhằm bổ sung lượng cát đang thiếu hụt hiện nay.

Khắc Lịch – Báo CAND

Theo Công An Nhân Dân

Ảnh: Nhiều dự án ở Lâm Đồng phải tạm dừng thi công vì thiếu đất đắp.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/nhieu-du-an-o-lam-dong-nam-cho-do-thieu-dat-dap-i725252/