TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa là những địa phương có nhiều đất ‘vàng’ bỏ hoang, gây lãng phí xã hội, ảnh hưởng phát triển kinh tế, dân sinh
Tại kỳ họp thứ 13 của HĐND TP HCM khóa X vừa qua, một trong những vấn đề “nóng” được đại biểu chất vấn là công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, đặc biệt là các khu đất “vàng” ở trung tâm thành phố.
Hàng loạt khu đất vàng bỏ hoang
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3) được bao bọc bởi 4 mặt tiền đường Pasteur – Nguyễn Đình Chiểu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Văn Tần từ năm 2008, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) và 2 năm sau, dự án được triển khai. Tuy nhiên, đến nay thực tế nơi đây chỉ là khu đất trống.
Khu đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1) (rộng gần 5.000 m2) cũng là khu đất trống, một góc nhỏ ở mặt tiền đường Hai Bà Trưng được sử dụng tạm để làm nhà vệ sinh công cộng. Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (rộng hơn 6.000 m2) nhìn ra sông Sài Gòn qua Công trường Mê Linh cũng trong tình trạng tương tự. Cả 2 khu đất trên đều liên quan tới các vụ án, sau đó được giao về cho UBND TP HCM quản lý. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM đã tiếp nhận và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý.
Khu đất 35 Nguyễn Huệ (rộng 9.200 m2), tiếp giáp đường Lê Lợi – Pasteur cũng đang bỏ hoang. Địa chỉ này là tòa nhà Thương xá Tax lâu đời và nổi tiếng. Công trình cũ bị tháo dỡ và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (SATRA) được thành phố cho phép xây dựng trên nền cũ một khu phức hợp, song đến nay cũng vẫn là khu đất trống.
Tại tỉnh Khánh Hòa, trên đường dọc biển TP Nha Trang tồn tại nhiều khu đất “vàng” đang bỏ hoang nhiều năm nay. Cụ thể, khu đất 48-48A Trần Phú rộng hơn 3.600 m2 nằm ngay Quảng trường 2 Tháng 4, mặt tiền đường biển Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai. Phía trong khu đất này có một hố nước đen ngòm, khu nhà bỏ hoang phế từ năm 2003. Tháng 11-2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định thu hồi khu đất này để giao cho nhà đầu tư khác nhưng từ đó đến nay, khu đất “vàng” vẫn chưa được khai thác.
Khu đất “vàng” thứ 2 là dự án ở 82 Trần Phú rộng hơn 3.600 m2 cũng bỏ hoang gần 20 năm nay. Năm 2010, UBND tỉnh Khánh Hòa thỏa thuận phương án kiến trúc, quy hoạch với quy mô 18 tầng làm khách sạn. Đến năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch với tên công trình Mỹ Mỹ Plaza với quy mô 38 tầng nổi và 3 tầng hầm. Từ đó đến nay, dự án vẫn là bãi đất trống đầy cỏ dại.
Đáng chú ý là khu đất 8.000 m2 của Đài Phát thanh – Truyền hình Khánh Hòa ở số 70 mặt tiền đường biển Trần Phú. Năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện dự án trụ sở làm việc Đài Phát thanh – Truyền hình Khánh Hòa mới theo hình thức BT với Công ty TNHH Phương Đông Nha Trang (Công ty Phương Đông). Năm 2020, Công ty Phương Đông bàn giao 2 dự án nhưng khu đất vàng 70 Trần Phú và trụ sở cũ đang bỏ trống.
Cần quy chế quản lý, khai thác nhà, đất công
Nói về dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP HCM, cho hay đại biểu HĐND TP HCM có chất vấn, kiến nghị, tổ chức khảo sát, giám sát và có văn bản gửi đến UBND thành phố. UBND thành phố đã tổ chức các cuộc làm việc với sở ngành; đang rà soát tính pháp lý và đánh giá tác động để quyết liệt đầu tư.
Trong thời gian qua, HĐND TP HCM, nhất là Ban Văn hóa – Xã hội đã phối hợp các sở, ngành rà soát, đánh giá lại chiến lược phát triển trong lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, y tế; đối chiếu với các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, HĐND thành phố; qua đó kịp thời kiến nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường các nhóm giải pháp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để đưa vào khai thác, vận hành. Tại kỳ họp thứ 13 cũng thông qua nghị quyết về danh mục 41 dự án về văn hóa, thể dục – thể thao kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công – tư. Về dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết có thể áp dụng điều khoản dự án BT chuyển tiếp. Nhưng có ý kiến băn khoăn tại thời điểm này, khi làm trung tâm thể dục thể thao ngay trung tâm đô thị liệu có phù hợp? “Chúng tôi sẽ đánh giá và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM phương án sử dụng khu đất này vào cuối tháng 12-2023” – ông Mãi nói.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi – Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định 167/2017 – đã có kết luận cuộc họp rà soát, sắp xếp, thu hồi nhà, đất công. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố phê bình Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) vì không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND thành phố trong việc phối hợp thực hiện di dời, bàn giao nhà, đất tại địa chỉ 420 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh; yêu cầu SATRA làm việc với Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan – đang sử dụng nhà đất 420 Nơ Trang Long) và các đơn vị chức năng xác định cụ thể thời gian bàn giao nhà đất trên, cam kết di dời, bàn giao nhà đất đúng thời hạn. Trong thời gian chờ thực hiện di dời và bàn giao, Sở TN-MT xem xét, xử lý việc thuê đất ngắn hạn nhà, đất nêu trên theo quy định. Từ năm 2019, UBND TP HCM đã quyết định thu hồi nhà đất 420 Nơ Trang Long là tài sản thuộc sở hữu nhà nước do SATRA quản lý để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố tiếp nhận, quản lý. Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND thành phố xem xét ban hành quy chế quản lý, khai thác quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước giao cho Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng tiếp nhận, quản lý. Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung quy định, sở này kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo về việc quản lý, khai thác tạm thời đối với nhà, đất công giao cho tổ chức có chức năng cho thuê. Hiện TP HCM đã có chủ trương bán đấu giá 4.927 căn hộ và 40 nền đất.
Liên quan vấn đề lãng phí đất “vàng”, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần chất vấn nhưng UBND tỉnh cho biết còn nhiều vướng mắc phải xin ý kiến các cơ quan trung ương. Trong khi đó, theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, đơn vị đang quản lý 35 khu đất, trong đó có 18 khu, thửa đất phù hợp với quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ; còn lại 17 khu, thửa đất phục vụ mục đích công cộng. Theo kế hoạch, 18 khu, thửa đất phù hợp quy hoạch sẽ được đấu giá vào các năm 2023 và 2024, trong đó có khu đất số 48-48A đường Trần Phú nói trên; khu đất tại ngã tư đường Tô Hiệu – Trường Sơn, phường Vĩnh Trường hơn 4.200 m2; khu đất đường 23-10, xã Vĩnh Thạnh hơn 2.700 m2…
Ưu tiên quỹ nhà, đất sạch TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng “đóng băng” thì cả thành phố và nhà đầu tư đều thiệt hại. Về vấn đề sắp xếp, quản lý nhà đất công trên địa bàn thành phố, KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý thành phố cần phân chia 2 giai đoạn. Trong đó, thành phố ưu tiên lên kế hoạch đối với những địa chỉ nhà, đất sạch, tức không vướng pháp lý, thành phố đã có toàn quyền quyết định thì có thể đấu giá, hoặc làm công trình hạ tầng. Tập trung “cởi trói” pháp lý cho những nơi vướng mắc” – KTS Ngô Viết Nam Sơn nói. Đà Nẵng: Đấu giá tạm đất công bỏ trống Tại TP Đà Nẵng, Sở TN-MT thành phố cho hay tính đến ngày 30-9, trên địa bàn có 342 khu đất lớn và hơn 20.000 lô đất tái định cư. Trong số đất tái định cư có hơn 14.000 lô đất đã có đất thực tế. Tất cả đều đang bỏ trống. Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN-MT, thừa nhận công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này còn chưa hiệu quả, dẫn đến nơi thì thiếu quỹ đất công để bố trí cho người dân, nơi thừa đất gây ô nhiễm môi trường. Ông Chương cho hay sở đã tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt chủ trương tổ chức đấu giá nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện về quỹ đất để nhà đầu tư tiếp cận triển khai dự án theo nhu cầu của các nhà đầu tư. Đà Nẵng cũng thực hiện việc đấu giá tạm các lô đất để sử dụng có thời hạn vào các hoạt động tạm thời. Việc đấu giá tạm này theo ông Chương là bước “xé rào”, không có trong các quy định hiện hành. Tuy nhiên, việc làm này cơ bản giải quyết được các vấn đề như có được nguồn thu, giải quyết việc làm và bảo đảm công khai. B.Vân |
Quốc Anh – Phan Anh – Kỳ Nam – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Ảnh: Khu đất 48-48A Trần Phú rộng hơn 3.600 m2 nằm ngay Quảng trường 2 Tháng 4, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Kỳ Nam
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nld.com.vn/nhieu-dia-phuong-lang-phi-dat-vang-19623120822370553.htm