Nhiều địa phương gánh hậu quả vì sử dụng công nghệ xử lý rác lạc hậu

Có một thực tế là, hiện nay, công nghệ đốt rác phát điện hiện đại được nhiều nước trên thế giới chọn lựa thì ở Việt Nam, nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm.

Công nghệ lạc hậu, thiếu hiệu quả

Có lẽ những ngày qua, sự cố môi trường xảy ra ở tỉnh Bến Tre khiến nhiều địa phương phải xem lại vấn đề xử lý rác ở tỉnh mình. Bởi, đây là tiếng chuông cảnh báo ở bất cứ địa phương nào chứ không phải một mình Bến Tre.

Theo đó, Bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri, là nơi duy nhất tại Bến Tre thời điểm này, có khả năng tiếp nhận khối lượng rác lớn. Tuy nhiên, hơn 10 ngày qua, người dân đã chặn xe rác, không cho xe vào đổ rác khiến việc thu gom rác sinh hoạt ở tỉnh Bến Tre gặp nhiều khó khăn, rác ùn ứ khắp nơi.

Nguyên nhân được người dân đưa ra cho hành động chặn xe rác của mình chính là việc  rác thải và nước rỉ tại bãi chứa chưa được hoàn thiện với cộng mùi hôi đã ảnh hưởng đời sống hơn 100 hộ dân hai xã An Hiệp và An Đức. Nhiều người cho biết, nếu tình trạng này không sớm được giải quyết, chỉ vài ngày nữa trung tâm huyện thị Ba Tri sẽ trở thành đại công trường tập kết rác.

Quay trở lại vấn đề xử lý rác, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay tại Việt Nam đang tồn tại một vấn đề hết sức đáng báo động. Theo đó, công nghệ xử lý rác của nhiều địa phương áp dụng chưa phù hợp. Trong khi đó, việc quản lý yếu kém là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều địa phương nhận “trái đắng” trong xử lý rác thải thời gian qua. Trong khi đó, công nghệ đốt rác phát điện hiện đại được nhiều nước trên thế giới chọn lựa thì ở Việt Nam, nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm.

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, nhiều dự án xử lý rác thải được xây dựng tại các địa phương lâm cảnh “chết đứng” hoặc vận hành thiếu hiệu quả. Dẫn đến tình trạng này, nhiều chuyên gia đã khẳng định rằng, do địa phương chọn sai công nghệ và quy mô xử lý.

Theo Báo Thanh Niên, tại tỉnh Trà Vinh, 2 dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Trà Vinh và dự án xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác TP.Trà Vinh đều do Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam (Vina Encorp) thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, 2 dự án đều xảy ra vi phạm, dẫn đến tình trạng rác thải ùn ứ, chất cao như núi, mùi hôi bốc lên nồng nặc, nước rò rỉ đen ngòm, đặc quánh…

Để giải quyết tình trạng ùn ứ rác thải trên địa bàn, tỉnh Trà Vinh đang kêu gọi đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Trà Vinh trên diện tích khoảng 10,44 ha tại ấp Sâm Bua (xã Lương Hòa, H.Châu Thành), công suất dự kiến 500 tấn/ngày.

Nhiều địa phương gánh hậu quả vì sử dụng công nghệ xử lý rác lạc hậu - Ảnh 2Tỉnh Trà Vinh, người dân cũng khốn khổ vì rác. Ảnh VOV.

Vẫn theo Báo Thanh Niên, tại Quyết định chủ trương đầu tư 481/QĐ-UBND cấp lần đầu ngày 3/3/2022, UBND tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt công nghệ áp dụng cho dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Trà Vinh tại ấp Sâm Bua là công nghệ đốt phát điện. Tuy nhiên, đến ngày 9.6 vừa qua, UBND tỉnh Trà Vinh lại ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án, trong đó điều chỉnh từ công nghệ đốt phát điện thành công nghệ tiên tiến trong xử lý đảm bảo tỷ lệ chôn lấp chất thải sau xử lý thấp nhất.

Đã có nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về nguyên nhân có thể khiến tỉnh Trà Vinh “quay xe” và nhìn nhận về công nghệ đốt rác phát điện. Chuyên gia Hoàng Dương Tùng trao đổi trên báo chí rằng, đây là một giải pháp tốt với một số công nghệ, nhiều nước đã áp dụng từ lâu để giải quyết vấn đề chất thải rắn. Họ đặc biệt chú ý đến xử lý dioxin và furan. Với địa phương có khối lượng rác khoảng vài trăm mét khối một ngày có thể xây dựng lò kiểu này.

“Công nghệ tốt thì sẵn có, song khi nhà đầu tư vào chào giá cũng phải cẩn thận khi xem xét quyết định. Nhiều địa phương chỉ bàn về giá cả thôi, dường như cứ muốn rẻ đi. Họ cũng có thể làm rẻ đi được, nhưng mình không biết, không kiểm soát được, có thể bị thua thiệt, môi trường bị ô nhiễm”, ông Tùng nói với Thanh Niên.

Điện rác là công nghệ hướng đến phát triển bền vững

Hiện nay, trên 70% lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, chỉ có 13% rác được đốt cháy để thu hồi năng lượng. Đây là một sự lãng phí rất lớn khi chúng ta đã xác định rác cũng là một nguồn tài nguyên. Bởi, theo Bộ Công Thương, tại Việt Nam bình quân mỗi ngày khoảng 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn được thải ra. Khối lượng rác tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 7.000-8.000 tấn rác mỗi ngày.

Các chuyên gia nghiên cứu về xử lý rác cho rằng, công nghệ đốt rác thành điện đang là xu hướng mới được các nước đang phát triển áp dụng để giảm thải rác và ô nhiễm môi trường cùng với khả năng xử lý triệt để rác trở thành năng lượng tái tạo, đây được xem là hướng đi cho một tương lai phát triển bền vững.

Về vấn đề này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kunh tế Môi trường Việt Nam khẳng định, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn TP Hà Nội có đến 17 khu xử lý rác trong quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô. Trong đó 8 khu hiện hữu được nâng cấp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới. Tuy nhiên, mới chỉ có 3 nơi đang hoạt động và chủ yếu hoạt động bằng công nghệ cũ, do đó yêu cầu đưa các nhà máy điện rác vào hoạt động là cấp thiết.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ nói thêm, việc sớm đưa vào vận hành các nhà máy điện rác là nhiệm vụ tất yếu mà Hà Nội cần phải thực hiện, bởi công nghệ tiên tiến của các nhà máy sẽ góp phần quan trọng trong giảm thiểu tác hại của rác thải đối với môi trường, tạo ra nguồn năng lượng tuần hoàn.

Anh Văn – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Rác ùn ứ tại Bến Tre.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/nhieu-dia-phuong-ganh-hau-qua-vi-su-dung-cong-nghe-xu-ly-rac-lac-hau-79441.html