Tân Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda mới đây cho biết, ông muốn thúc đẩy việc áp dụng tối đa năng lượng tái tạo, bảo tồn năng lượng triệt để và khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân với ưu tiên cao nhất về an toàn.
Ông Hagiuda nói rằng, ông đặt mục tiêu giành được sự chấp thuận của nội các về một kế hoạch năng lượng mới trong tháng 10 này – trước thềm hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc sẽ diễn ra vào ngày 1/11.
Hồi Tháng 7/2021, Nhật Bản đã công bố kế hoạch tăng công suất phát điện tái tạo lên gấp hai lần trong vòng 10 năm tới, cũng như cắt giảm tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong hỗn hợp năng lượng của nước này xuống dưới 50%. Kế hoạch này sẽ liên quan đến việc giảm một nửa năng lượng mà Nhật Bản tạo ra từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Nhật Bản đặt mục tiêu có các nguồn năng lượng tái tạo chiếm từ 36% đến 38% sản lượng điện của đất nước vào cuối thập kỷ này. Mục tiêu trước đó là năng lượng tái tạo sẽ đạt từ 22% đến 24% tổng sản lượng điện của Nhật Bản vào năm 2030.
Kế hoạch mới không thay đổi mục tiêu sản xuất điện hạt nhân, vốn được giữ nguyên ở mức 20 – 22% sản lượng điện. Tuy nhiên, tỷ trọng than hiện được đặt mục tiêu giảm từ 26% hiện nay xuống 19% vào năm 2030.
Theo số liệu từ Lloyd’s List Intelligence, hiện Nhật Bản đang là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2021, chiếm 20,49% tổng lượng LNG nhập khẩu trên toàn cầu. Trong khi đó lượng nhập khẩu của 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cộng với Vương quốc Anh mới chỉ chiếm 20,94% tổng lượng LNG nhập khẩu của thế giới.
Bản sửa đổi Kế hoạch Năng lượng Chiến lược (SEP) gần đây của Nhật Bản đã giảm tỷ trọng mục tiêu của khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong hỗn hợp sản xuất điện của nước này vào năm 2030 xuống mức 20% so với 27% trước đây, như một biện pháp để cắt giảm lượng khí thải.
Như Huy
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Một Nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản. Ảnh: ITN