Sau hơn 03 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, ngày 07/10/2021, thanh long của Bình Thuận (Việt Nam) đã được Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa.
Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể nói như “giấy thông hành” để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung. Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…). Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.
Ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị “đánh cắp” khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn thông thường và được người dân nơi đây ưa chuộng. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.
Vốn nổi tiếng là một thị trường “khó tính”, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, để đạt được Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp tại Nhật Bản vô cùng phức tạp. Tuy vậy các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ vẫn sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận. Khó khăn lớn nhất phải kể đến, là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, Hội sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận. Tiếp đó, nhận thức của người nông dân, nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất thanh long, đảm bảo tính chất/chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thanh long sang Nhật, cũng cần được nâng cao và liên tục giám sát. Cuối cùng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước và Hội, đảm bảo thông tin đầy đủ, xuyên suốt, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời người trồng thanh long, sẽ góp phần đảm bảo sự vào cuộc đồng bộ, đảm bảo chất lượng, xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Từ thành công của quả vải, thanh long Bình Thuận chúng ta tin rằng trong thời gian tới, lĩnh lực nông sản Việt Nam sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm, để có thêm nhiều sản phẩm nhận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng như được người tiêu dùng sẵn sàng đón nhận ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Australia và nhiều nước khác trên thế giới.
Bắc Lãm
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Thanh long Bình Thuận chính thức được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa tại Nhật Bản