Nhân giống muỗi vằn Wolbachia chống lại bệnh sốt xuất huyết

Các nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Muỗi thế giới (WMP) đang tiến hành lai tạo, nhân giống những con muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia để chống lại bệnh sốt xuất huyết tại Indonesia.

Vi khuẩn Wolbachia là loại vi khuẩn phổ biến xuất hiện ở 60% các loài côn trùng, bao gồm một số loài muỗi, ruồi giấm, bướm đêm và chuồn chuồn. Muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia nếu có đốt cũng không gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.

tm-img-alt
Sơ đồ cơ chế lai tạo muỗi mang vi khuẩn Wolbachia 

Các nhà khoa học cho muỗi mang virus gây bệnh sốt xuất huyết giao phối với muỗi mang vi khuẩn Wolbachia để tạo ra muỗi Wolbachia. Muỗi vằn mang Wolbachia sau khi được thả ra thực địa sẽ cặp đôi, sinh sản và tự duy trì trong môi trường tự nhiên. Muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực mang hoặc không mang Wolbachia thì cũng đều sinh ra trứng nở thành thế hệ muỗi tiếp theo mang vi khuẩn Wolbachia, theo cơ chế mẹ truyền sang con.

Trong khi đó, muỗi cái không mang Wolbachia (muỗi truyền bệnh) nếu giao phối với muỗi đực có Wolbachia thì trứng do con cái sinh ra sẽ không nở (do cơ chế bất hợp dịch bào), nhờ đó làm giảm số lượng muỗi truyền bệnh.

Theo các nhà nghiên cứu, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia không “tiêu diệt” muỗi vằn tự nhiên mà chúng cặp đôi/giao phối lẫn nhau. Việc thả cả muỗi đực và muỗi cái mang Wolbachia giúp cho loại muỗi này tự duy trì qua nhiều thế hệ, giúp phòng bệnh sốt xuất huyết và Zika.

Từ năm 2017, một nghiên cứu chung do WMP thực hiện tại Đại học Monash của Australia và Đại học Gadjah Mada của Indonesia đã thả muỗi Wolbachia được lai tạo trong phòng thí nghiệm vào một số “điểm nóng” của bệnh sốt xuất huyết ở thành phố Yogyakarta. Kết quả thử nghiệm đăng trên Tạp chí Y học New England cho thấy, việc thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đã giúp thành phố này giảm 77% số ca sốt xuất huyết và 86% số ca nhập viện do căn bệnh này gây ra.

Tại Việt Nam, từ năm 2018, dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam” cũng đã tổ chức thả muỗi mang Wolbachia tại xã Vĩnh Lương – thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.

tm-img-alt
Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam” thả muỗi mang Wolbachia tại Khánh Hòa.

Trước đó, vào năm 2013-2014, dự án đã thả muỗi mang Wolbachia trên thực địa hẹp tại đảo Trí Nguyên (TP Nha Trang). Kết quả, từ đó đến 2018 không ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết tập trung nào xảy ra trên đảo Trí Nguyên, mặc dù thời gian trước, tỉnh Khánh Hòa là một trong những “điểm nóng” về sốt xuất huyết của cả nước.

Sẽ không hề ngoa khi nói muỗi vằn (hay muỗi Aedes aegypti) là một trong những sinh vật chết chóc nhất trên hành tinh. Căn bệnh sốt vàng trong Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ (1898) do muỗi Aedes aegypti lan truyền là nguyên nhân chủ đạo gây ra cái chết cho các binh sỹ Mỹ, thay vì bị trúng đạn của kẻ thù.

Bệnh sốt rét khiến cho xấp xỉ 627.000 người thiệt mạng riêng trong năm 2012 (số liệu thống kê do tờ Scientific American cung cấp.) Nay, muỗi Aedes aegypti đang là thủ phạm làm lây lan nhanh bệnh sốt xuất huyết dengue trên toàn cầu.

Số ca sốt xuất huyết trên toàn cầu đã gia tăng nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây, với khoảng 50% dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh. Ước tính mỗi năm thế giới ghi nhận khoảng 100-400 triệu ca sốt xuất huyết.

Theo các nhà khoa học, từ các nghiên cứu và việc triển khai thực địa trên thế giới cho thấy phương pháp ứng dụng muỗi mang Wolbachia là tự nhiên, an toàn, có khả năng duy trì hiệu quả lâu dài trong việc hạn chế sự lan truyền của bệnh sốt xuất huyết (Dengue), Zika và một số bệnh khác do muỗi truyền.

Đình Quang

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)