Nhà xưởng trái phép mọc tràn lan, trách nhiệm của huyện Sơn Động ở đâu?

Theo các luật sư và chuyên gia xây dựng, để xảy ra tình trạng nhà xưởng trái phép mọc ồ ạt trên đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất như ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cán bộ, chính quyền sở tại. Đồng thời cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm minh tình trạng này.

Sau nhiều lần liên lạc với ông Dương Công Trụ – Phó Chánh Văn phòng huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang và gửi giấy giới thiệu đề nghị làm việc để được cung cấp thông tin về những tồn tại trong việc hàng loạt nhà xưởng chế biến gỗ có dấu hiệu xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp…, đến nay phóng viên Báo Điện tử VOV vẫn không nhận được bất cứ thông tin gì từ phía UBND huyện Sơn Động sau loạt bài phản ánh. Phải chăng đang có sự né tránh trách nhiệm, bao che trước vi phạm của các ngành, các cấp chính quyền địa phương huyện Sơn Động?

Trước tình trạng trên, dưới góc độ pháp lý, luật sư và các chuyên gia khẳng định việc xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang là trái quy định pháp luật.

Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư Hà Nội – cho biết: Điều 10 Luật Đất đai 2013 phân loại đất đai thành đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Trong đó, đất nông nghiệp gồm: Đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất… phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp, trồng rừng. Đất phi nông nghiệp bao gồm: Đất ở; đất sử dụng để xây trụ sở, cơ quan, công trình sự nghiệp; đất sử dụng với mục đích phục vụ quốc phòng và an ninh; đất kinh doanh sản xuất…

Như vậy, theo quy định nêu trên, công trình, nhà xưởng sẽ được xây dựng trên đất phi nông nghiệp. Việc xây nhà xưởng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp bao gồm đất rừng sản xuất là trái quy định pháp luật.

Theo luật sư Hoàng Tùng, tùy vào mức độ vi phạm, diện tích và khu vực mà các đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hay hình sự. Việc vi phạm của tổ chức sẽ cao gấp đôi cá nhân và ở thành thị sẽ cao gấp đôi vi phạm ở nông thôn căn cứ theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

Liên quan vụ việc diễn ra tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, dư luận bức xúc khi tình trạng vi phạm trên quy mô lớn, tái diễn nhiều lần. Đặc biệt, có một số nhà xưởng mặc dù đã bị chính quyền UBND huyện Sơn Động đã ra quyết định buộc phải dừng hoạt động và yêu cầu khắc phục hậu quả, tháo dỡ toàn bộ tài sản trên thửa đất vi phạm. Tuy nhiên các nhà xưởng này vẫn có dấu hiệu hoạt động trở lại. Điều này đặt ra câu hỏi có hay không việc chính quyền “làm ngơ”, không giám sát chặt, xử lý nghiêm vi phạm?

Trao đổi với phóng viên VOV, luật sư và các chuyên gia bất động sản cho rằng, để xảy ra tình trạng nhà xưởng trái phép mọc ồ ạt trên đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất như ở huyện Sơn Động (Bắc Giang), trách nhiệm đầu tiên thuộc về cán bộ, chính quyền sở tại khi không phát hiện để ngăn chặn kịp thời. Đáng nói hơn khi các vi phạm đã được báo chí, dư luận phản ánh, chính quyền huyện ra văn bản xử lý thì lại không có biện pháp giám sát sát sao, xử lý dứt điểm để xảy ra hiện tượng các nhà xưởng hoạt động “trộm”.

“Chính vì vậy cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra trách nhiệm giám sát của chính quyền sở tại cấp xã, thậm chí huyện để những chỉ đạo không chỉ nằm trên giấy, để thượng tôn pháp luật. Đồng thời phải xử lý nghiêm đối với các chủ nhà xưởng vi phạm để làm gương”, luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Các nhà xưởng đều được xây dựng nhà tạm bằng mái tôn có dấu hiệu xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Trong khi đó, kỹ sư Nguyễn Xuân Hải – một chuyên gia về lĩnh vực xây dựng (Hội Xây dựng TP Hà Nội) cho rằng, việc không xử lý nghiêm các vi phạm về xây dựng trên đất nông nghiệp là tiền đề xấu để phá vỡ quy hoạch địa phương, để đất đai bị sử dụng sai mục đích ngày càng lan rộng.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Hải, tình trạng vi phạm xây dựng, vi phạm đất đai xảy ra có trách nhiệm không nhỏ của cán bộ, chính quyền địa phương vì đã không quản lý sâu sát, không kiểm tra phát hiện để xử lý kịp thời.

“Cho nên nhiều vụ việc vi phạm lớn đã xảy ra. Để ngăn chặn, thiết nghĩ cơ quan chức năng phải cương quyết hơn, siết chặt kỷ cương, làm rõ trách nhiệm quản lý địa bàn của từng cán bộ cũng như xử lý nghiêm về mặt chính quyền đối với những nơi để xảy ra vi phạm. Có như vậy thì tình trạng xây dựng trái phép, sử dụng sai mục đích đất mới thuyên giảm”, kỹ sư Nguyễn Xuân Hải chia sẻ thêm.

Tiến Dũng- Văn Giang/VOV.VN

Theo VOV.VN

Ảnh: Nhà xưởng chế biến gỗ “mọc lên như nấm” ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/kinh-te/nha-xuong-trai-phep-moc-tran-lan-trach-nhiem-cua-huyen-son-dong-o-dau-post1077804.vov