Nhà vệ sinh công cộng – tưởng nhỏ mà không nhỏ

Là công trình phụ nhưng nhà vệ sinh công cộng lại là dịch vụ có ý nghĩa thiết yếu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút khách du lịch.

Mới đây, khảo sát xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại 69 thành phố du lịch trên thế giới đã cho kết quả, hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM có chỉ số điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng dành cho khách du lịch quốc tế rất thấp. Cụ thể, Hà Nội đứng vị trí 66 và TP.HCM xếp 67/69 thành phố du lịch toàn cầu, thua xa các thành phố của nước láng giếng như Kuala Lumpur (Malaysia) đứng thứ 42, Bangkok (Thái Lan) ở vị trí 45. Kết quả này chỉ ra một thực tế rất đáng buồn và cần các cấp các ngành có sự quan tâm hơn nữa đối với vấn đề khá tế nhị – nhà vệ sinh công cộng.

Thực tế chỉ ra rằng, nhà vệ sinh công cộng hiện nay ở nước ta không chỉ thiết kế, xây dựng chưa đạt chuẩn về vệ sinh, nước thải mà còn vận hành, quản lý không tốt.

Là một đô thị với hơn 8 triệu dân nhưng hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ có khoảng hơn 400 nhà vệ sinh công cộng. Mỗi nhà vệ sinh công cộng có kinh phí xây dựng không dưới 200 triệu đồng. Thế nhưng, nhiều nhà vệ sinh đã xuống cấp, rò rỉ nước, có những nhà vệ sinh do đưa vào sử dụng đã lâu, hệ thống van xả có vấn đề nên mỗi khi vệ sinh phải bơm nước thủ công, thậm chí có nhà vệ sinh không thể sử dụng. Trước thực trạng vừa thiếu vừa quá tải, Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa, lắp đặt nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, sau gần 6 năm, kế hoạch xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng cũng bất thành vì nhiều nguyên nhân.

Đà Nẵng, một trong những thành phố thu hút đông đảo khách du lịch cũng không tránh khỏi tình trạng tương tự. Dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa có hơn 10 nhà vệ sinh công cộng miễn phí nhưng phần lớn đều đã xuống cấp, hư hỏng, không sử dụng được hoặc thường xuyên cửa đóng then cài. Một số nhà vệ sinh công cộng vẫn “rộng cửa” phục vụ người dân thì cũng trong tình trạng nham nhở, mất vệ sinh.

Theo thống kê, toàn TP.HCM chỉ có trên 200 nhà vệ sinh công cộng. Dân số thành phố khoảng 10 triệu người, một tỷ lệ quá chênh lệch về số nhà vệ sinh và nhu cầu của người dân. Trong số đó, các khu vực trung tâm như quận 1, quận 3 tập trung nhiều nhà vệ sinh công cộng nhất, còn lại nhiều quận rất ít được phân bố nhà vệ sinh. Thậm chí có nhiều khu vực, cả hai, ba tuyến đường, vài kilômét không thể tìm ra được một nhà vệ sinh công cộng nào. Trước đó, TP.HCM triển khai đề án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn. Mục đích nhằm phục vụ nhu cầu của cư dân thành phố và du khách, qua đó góp phần xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp và giải quyết nạn phóng uế bừa bãi. Tuy nhiên, cho đến nay, đề án vẫn nằm trên giấy, lý do không có đất để xây dựng.

Không những thiếu mà ở nhiều nơi lại xuất hiện các nhà vệ sinh đa năng với những công dụng không thể ngờ tới. Ví dụ như một số thì bị “chiếm giữ” để sử dụng sai mục đích bởi những người bán hàng ven đường, thậm chí có một số nhà vệ sinh còn bị các con nghiện sử dụng làm nơi tiêm chích ma túy.

Chính quyền thủ đô Hà Nội và TP.HCM cùng với các cấp, các ngành như ngành du lịch đã phát động Chiến dịch “ở đâu phát triển du lịch, ở đó có nhà vệ sinh đạt chuẩn”. Thế nhưng chỉ được triển khai nửa vời, thậm chí có nơi chỉ nằm trên giấy, chỉ “phát” mà không “động”.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này là do mô hình quản trị nghiệp dư, nửa vời công tư “cha chung không ai khóc”. Thậm chí còn có tư tưởng không coi trọng đầu tư vào nhà vệ sinh công cộng. Ngay cả những nơi mật độ dân cư thấp, những điểm du lịch hấp dẫn với khách du lịch quốc tế cũng luôn trong tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng.

“Thực tế ở một làng nghề văn hóa lịch sử ở Hà Nội, nhiều năm nay thu hút đông đảo khách du lịch. Chính quyền địa phương xây đình rất to, tổ chức lễ hội rất phô trương nhưng chưa hề đầu tư nhà vệ sinh công cộng. Sau khi một bảo tàng tư nhân được xây dựng ở đây với tiện nghi tốt, vệ sinh công cộng chất lượng, lượng khách du lịch vào làng nghề này đã suy giảm đáng kể” – KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhấn mạnh.

Bên cạnh “cái khó” về số lượng thì chất lượng nhà vệ sinh công cộng cũng là cả một vấn đề lớn đối với người dân. Lâu nay, nhà vệ sinh công cộng trở thành nỗi ám ảnh của không ít người. Và từ câu chuyện nhỏ như nhà vệ sinh công cộng đã dẫn tới rất nhiều hệ lụy như người ta dễ dàng bắt gặp cảnh người dân sẵn sàng xử lý nhu cầu cá nhân ở ven đường, đôi khi chỉ cách nhà vệ sinh công cộng vài bước chân.

Theo KTS Trần Huy Ánh, các địa phương phải có ngân sách và trách nhiệm xây dựng ý thức vệ sinh công cộng của cư dân. Cần có giải pháp thích hợp giải quyết về mặt kinh tế kỹ thuật cũng như pháp lý – chuẩn mực xã hội. Như Singapore tạo dựng kỷ luật xã hội bắt đầu từ việc phạt nặng những người nhổ bậy, làm mất vệ sinh công cộng. Kết quả là xã hội sạch sẽ và cả bộ máy quản trị trong sạch. Nhật Bản là một quốc gia nổi tiếng nhất thế giới không phải ở sự giàu có hay những ứng dụng thông minh trong khoa học công nghệ mà chính là những “toilet công cộng”, một chuẩn mực về văn minh và cũng là một “phẩm chất” văn hóa của quốc gia này. Gần như ai đến Nhật Bản cũng đều ấn tượng bởi hệ thống toilet công cộng từ nhà ga sân bay đến các công viên, siêu thị, hay những địa danh thắng cảnh, di sản… và cả trên đường phố. Gần hơn, một quốc gia láng giềng của ta là Thái Lan, thì nhà vệ sinh công cộng của họ cũng là một “sản phẩm” văn hóa du lịch.

Có thể nói, nhà vệ sinh công cộng là dịch vụ đã và đang rất phổ biến, mang lại nhiều giá trị lớn lao trong cuộc sống. Xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày một nâng cao, thì nhu cầu giải quyết vấn đề cá nhân lại càng cần được trú trọng. Là “công trình phụ” song không thể phủ nhận tầm quan trọng của nhà vệ sinh công cộng mang lại. Song, để nhà vệ sinh công cộng thực sự phát huy hiệu quả, nâng cao cả chất và lượng đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành cũng như ý thức của những người tham gia sử dụng dịch vụ.

Thu Hằng/VOV2

Theo VOV.VN

Ảnh: Nhiều nhà vệ sinh ở các thành phố lớn xuống cấp nghiêm trọng.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/nha-ve-sinh-cong-cong-tuong-nho-ma-khong-nho-post1000412.vov