Nhà ở xã hội, các giải pháp để bứt tốc trong năm 2024

Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, nỗ lực hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trên địa bàn cả nước. Đây là một mục tiêu rất khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của các bộ ngành địa phương, mục tiêu này cơ bản sẽ được hoàn thành.

Nhà ở xã hội là một chính sách quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi cơ bản của người lao động, người có thu nhập thấp và những người khó khăn trong việc sở hữu nhà ở. Thế nhưng hiện nay, thị trường nhà ở xã hội đang có sự lệch pha cung cầu, nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung chỉ “nhỏ giọt”. Điều này tạo nên “cơn khát” về nhà ở xã hội.

Đánh giá về nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay của người dân, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, trước tác động của quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị khiến cho nhu cầu nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng ngày càng lớn. Tổng hợp từ các địa phương cho thấy, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2,4 triệu căn, trong đó giai đoạn 2021-2025 khoảng 1 triệu 240.000 căn, giai đoạn 2026-2030 khoảng 1 triệu 160.000 căn.

Rõ ràng, nhu cầu là rất lớn, nhưng trên thực tế, khả năng đáp ứng về nhà ở xã hội lại là những con số còn khá khiêm tốn. Mới đây, tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” năm 2024 do Bộ Xây dựng tổ chức, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay, một số địa phương trọng điểm, mặc dù nhu cầu của người dân về nhà ở xã hội là cấp thiết, nhưng việc đầu tư xây dựng còn rất hạn chế.

“Mặc dù nhu cầu nhà ở xã hội thì rất lớn, nhưng việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra, như Hà Nội mới chỉ triển khai được 3 dự án với 1.700 căn, đáp ứng được 9%. Thành phố Hồ Chí Minh triển khai được 7 dự án với 4.900 căn, đáp ứng 19%. Đà Nẵng có 5 dự án, với 2.750 căn, đáp ứng 43%. Một số địa phương chưa có dự án nhà ở xã hội nào được khởi công trong giai đoạn vừa qua như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi”, ông Sinh nhận định.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng luôn coi việc phát triển nhà ở xã hội là một ưu tiên để người thu nhập thấp được tiếp cận, sở hữu nhà ở. Thế nhưng, thực tế cho thấy, dường như chính sách được xem là nhân văn này vẫn giậm chân tại chỗ. Mục tiêu phát triển nhà ở xã hội vẫn không đạt được kết quả như kỳ vọng và người dân ngày càng khó tiếp cận nhà ở xã hội.

Lý giải nguyên nhân của những tồn tại này, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, trước hết là do cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa chuẩn bị đủ quỹ đất, chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm.

Thực tế, xét về “chiếc bánh thị phần”, nhà ở xã hội dành cho đối tượng có thu nhập thấp còn dư địa rất lớn để phát triển nhưng ngay cả các doanh nghiệp bất động sản cũng không mấy mặn mà với phân khúc này. Theo phân tích của ông Hà Quang Hưng, đó là do các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án chưa đủ hấp dẫn, lợi nhuận thấp, trong khi đó trình tự thủ tục đầu tư, mua bán nhà ở xã hội còn rườm rà, phức tạp.

Mới đây, tại Nghị quyết số 01 ngày 5/1/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tập trung triển khai nhanh, hiệu quả đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong đó năm 2024 nỗ lực phấn đấu hoàn thành 130.000 căn hộ.

“Đây là một mục tiêu rất khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của các bộ ngành địa phương, chúng ta cơ bản sẽ hoàn thành trong năm 2024. Tuy nhiên cũng có rất nhiều việc phải thực hiện”, ông Hưng nhấn mạnh.

“Luật Nhà ở sửa đổi 2023 đã cắt giảm điều kiện về cư trú. Đối với điều kiện về nhà ở và điều kiện về thu nhập cũng sẽ được hướng dẫn trong nghị định của Chính phủ theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Việc này sẽ giúp người dân có cơ hội tiếp cận với nhà ở xã hội dễ dàng hơn”, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết.

Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tạo nguồn cung, tái cơ cấu lại thị trường bất động sản cân đối trong cơ cấu sản phẩm bất động sản. Bởi vậy trong năm 2024, theo ông Hưng, để nhà ở xã hội bứt tốc, hoàn thành các mục tiêu đề ra, trước hết cần tập trung xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật nhà ở, Luật đất đai sửa đổi (được Quốc hội thông qua trong năm 2023) để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật. Các địa phương cần căn cứ vào mục tiêu của đề án khẩn trương lập kế hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

“Để có được nguồn cung thì việc tạo quỹ đất, thủ tục hành chính, nguồn vốn… phải được khơi thông. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ tốt hơn, thực chất hơn cho chủ đầu tư mới thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia”. Ông Hưng cũng nhấn mạnh, các bộ ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn và xác định việc phát triển nhà ở xã hội là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trong đó cấp ủy, chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2024, các địa phương đã đăng ký hoàn thành xây dựng 108 dự án nhà ở xã hội, quy mô hơn 47.500 căn hộ. Cụ thể, theo con số của Bộ Xây dựng, Hà Nội đăng ký hoàn thành 3 dự án với gần 1.200 căn hộ, TP. HCM đăng ký hoàn thành 6 dự án, quy mô gần 3.800 căn hộ.

Cụ thể, TP.HCM đăng ký hoàn thành 6 dự án, quy mô gần 3.800 căn; Đà Nẵng 3 dự án, quy mô 1.880 căn; Bình Dương 20 dự án, quy mô 4.500 căn; Cần Thơ 2 dự án, quy mô hơn 1.500 căn; An Giang 4 dự án, quy mô hơn 1.900 căn.

Ở khu vực phía Bắc, số lượng dự án nhà ở xã hội đăng ký hoàn thành của Bắc Ninh là 5 dự án, quy mô 6.000 căn; Hải Phòng 8 dự án, quy mô gần 4000 căn; Quảng Ninh 3 dự án, quy mô 1.600 căn; Hà Nội 3 dự án, quy mô 1.180 căn; Bắc Giang 2 dự án, quy mô gần 2.500 căn và Hà Nam 4 dự án, quy mô 1.666 căn…

Theo Bộ Xây dựng, đây cũng là những địa phương có số dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đăng ký hoàn thành dẫn đầu cả nước.

Trên thực tế, ngay những ngày đầu năm 2024, thị trường đã ghi nhận một số dự án nhà ở xã hội quy mô lớn được khởi công xây dựng. Điển hình như, Vinhomes đã khởi công dự án nhà ở xã hội Happy Home tại Hải Phòng với quy mô hơn 28ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án dự kiến cung cấp 27 block nhà chung cư với khoảng hơn 4.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng gần 10.000 người. Dự án tại Khánh Hòa có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng, quy mô 87,64ha, với khoảng 3.600 căn nhà ở xã hội dạng thấp tầng.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2024, các địa phương đã đăng ký hoàn thành xây dựng 108 dự án nhà ở xã hội, quy mô hơn 47.500 căn hộ. Cụ thể, theo con số của Bộ Xây dựng, Hà Nội đăng ký hoàn thành 3 dự án với gần 1.200 căn hộ, TP. Hồ Chí Minh đăng ký hoàn thành 6 dự án, quy mô gần 3.800 căn hộ.

Cụ thể, TP.HCM đăng ký hoàn thành 6 dự án, quy mô gần 3.800 căn; Đà Nẵng 3 dự án, quy mô 1.880 căn; Bình Dương 20 dự án, quy mô 4.500 căn; Cần Thơ 2 dự án, quy mô hơn 1.500 căn; An Giang 4 dự án, quy mô hơn 1.900 căn.

Ở khu vực phía Bắc, số lượng dự án nhà ở xã hội đăng ký hoàn thành của Bắc Ninh là 5 dự án, quy mô 6.000 căn; Hải Phòng 8 dự án, quy mô gần 4000 căn; Quảng Ninh 3 dự án, quy mô 1.600 căn; Hà Nội 3 dự án, quy mô 1.180 căn; Bắc Giang 2 dự án, quy mô gần 2.500 căn và Hà Nam 4 dự án, quy mô 1.666 căn…

Theo Bộ Xây dựng, đây cũng là những địa phương có số dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đăng ký hoàn thành dẫn đầu cả nước.

Trên thực tế, ngay những ngày đầu năm 2024, thị trường đã ghi nhận một số dự án nhà ở xã hội quy mô lớn được khởi công xây dựng. Điển hình như, Vinhomes đã khởi công dự án nhà ở xã hội Happy Home tại Hải Phòng với quy mô hơn 28ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án dự kiến cung cấp 27 block nhà chung cư với khoảng hơn 4.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng gần 10.000 người. Dự án tại Khánh Hòa có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng, quy mô 87,64ha, với khoảng 3.600 căn nhà ở xã hội dạng thấp tầng.

Thanh Hương/VOV2

Theo VOV.VN

Ảnh: Đến năm 2030 hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/nha-o-xa-hoi-cac-giai-phap-de-but-toc-trong-nam-2024-post1080091.vov