Nhà máy nhả khói ô nhiễm

Nhiều nhà máy trong nội đô tiếp tục hoạt động khiến người dân bức xúc, tuy nhiên việc di dời nhà máy ra khỏi nội thành vẫn ì ạch tiến độ.

Dọc đường Nguyễn Trãi đã là khu đô thị lõi với mật độ dân cư cao, thế nhưng theo phản ánh của người dân sống quanh khu vực, hằng ngày họ vẫn phải chứng kiến và chịu đựng những cột khói thoát ra từ các nhà máy trong khu vực này, ảnh hưởng đến cuộc sống. Các cột khói nhà máy vẫn bốc ra từ số 231-235 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) nơi đặt trụ sở Cty CP Cao su Sao Vàng.

Một người dân sống tại Vũ Trọng Phụng cho biết, các cột khói bên khu vực “Cao Xà Lá” vẫn thi nhau “bức tử” khu dân cư. Dù cách đến 100m vẫn ngửi thấy mùi khét bủa vây nhà máy này.

Người dân phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) gần Cty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân cho biết, vào ban đêm thường xuyên có những cột khói trắng, khói đen, vàng đục được xả ra từ phía công ty. Khi đó, nhiều hộ dân xung quanh đều ngửi thấy mùi khét và hắc, thậm chí có người cảm thấy khó thở. Dù đã nhiều lần kiến nghị với cấp chính quyền nhưng đến nay nhà máy này vẫn chưa di dời. Trong khi đó, doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy mới ở xã Tân Dân, huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) và đi vào hoạt động ổn định.

Di dời ì ạch

Lãnh đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường quận Thanh Xuân cho biết, trong khu “Cao Xà Lá”, nhà máy xà phòng đã di dời hết, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long cũng đã di dời chỉ còn lại kho và văn phòng, những cột khói cao mà người dân phản ánh là của Cty CP Cao su Sao Vàng. Mặc dù đơn vị này đã di dời phần lớn nhà máy ra khỏi nội đô nhưng vẫn có một phần sản xuất nhỏ ép săm xe máy, xe tải vẫn hoạt động.

Về việc xả khói khiến người dân bức xúc, Bộ TN&MT, Sở TN&MT Hà Nội và chính quyền địa phương đã kiểm tra lấy mẫu. Từ năm 2018, lò đốt từ vật liệu dầu và than đá đã chuyển sang chấu và mùn cưa; Đã có hệ thống dập bụi và xử lý khí thải, qua kiểm tra đảm bảo chỉ tiêu môi trường. Tuy nhiên, hệ thống đốt có đặc điểm là khi trời âm u, khói nóng qua tháp dập nước không giảm được nhiệt độ nhanh làm hơi nước bốc lên tạo cột khói có thể dễ dàng quan sát.

Theo đại diện UBND quận Thanh Xuân, việc kiểm tra đột xuất nhà máy rất khó khăn bởi nhà máy rộng, toàn bộ cổng kín, đến vị trí lấy mẫu mất nửa tiếng, doanh nghiệp thừa thời gian để chuẩn bị.

Quận Thanh Xuân cũng đã đề xuất thành phố Hà Nội đưa nhà máy vào diện không phù hợp với quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo Thông tư 04/2012 của Bộ TN&MT quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng đã hết hiệu lực. “Do đó việc xác định tiêu chí các cơ sở phải di dời đã không còn”, đại diện quận thông tin.

Được biết, việc di dời các cơ sở ô nhiễm hiện nay còn nhiều vướng mắc do thủ tục liên quan đến chính sách đất đai, chính sách thuế, trong khi các doanh nghiệp muốn giữ lại vì quyền lợi.

Năm 2016, báo cáo tác động môi trường của Luật Thủ đô đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành.

Trong đó, quận Đống Đa có 15 cơ sơ, Ba Đình 2 cơ sở, quận Cầu Giấy 2 cơ sở, quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở, quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở, Hà Đông 28 cơ sở, Bắc Từ Liêm 6 cơ sở, quận Thanh Xuân 9 cơ sở, quận Nam Từ Liêm 2 cơ sở, quận Hoàng Mai 11 cơ sở, quận Long Biên 17 cơ sở.

Tuy nhiên, đến nay việc di dời gần như giậm chân tại chỗ. Đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, do thành phố vừa ban hành 6 đồ án quy hoạch, do đó Sở đang phải rà soát để điều chỉnh các cơ sở phải di dời, sắp tới sẽ cập nhật và báo cáo thành phố.

Trần Hoàng – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Cột khói bốc lên tại Cty CP Cao su Sao Vàng Ảnh: Vũ Lương

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/nha-may-nha-khoi-o-nhiem-post1340269.tpo