Nguy cơ từ những điện thoại và máy tính thải bỏ

Những chiếc máy tính xách tay và điện thoại cũ nếu không được xử lý đúng cách trước khi bị vứt bỏ có thể gây ra mối đe dọa nguy hiểm đó là rò rỉ hóa chất độc hại và dữ liệu nhạy cảm.

Lượng rác thải điện tử trên thế giới đang ngày càng gia tăng nhanh chóng. Năm 2019, Thế giới đã tạo ra 53,6 triệu tấn rác điện tử, song chỉ khoảng 17% trong số đó được tái chế, phần còn lại bị thải bỏ không đúng cách gây ô nhiễm môi trường. Rác điện tử được đổ vào bãi rác, vứt xuống sông, hồ hoặc chôn lấp, những hoá chất rất độc hại như thủy ngân, chì, asen, berili, cadimi thoát vào môi trường, gây tác động rất xấu đến sức khỏe của thực vật, động vật và con người.

Ngoài vấn đề gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe con người, rác thải điện tử còn là mối nguy cơ mất an ninh thông tin. Những thiết bị điện tử loại bỏ này chứa rất nhiều dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức nhạy cảm. Nhiều cơ quan, tổ chức chưa ý thức hết mức độ nguy cơ của việc rò rỉ thông tin, hoặc việc xóa dữ liệu không thể phục hồi thường tốn nhiều chi phí và các cơ quan thường chọn cách bán luôn cho các cơ sở tái chế. Những doanh nghiệp tái chế sẽ phá hủy trang thiết bị để thu lại kim loại quý và vật liệu, nhưng không loại trừ những kẻ xấu lấy dữ liệu từ các ổ cứng, sử dụng nguồn dữ liệu đó để đòi tiền chuộc hoặc gây bất ổn xã hội. Ngay cả trong trường hợp người dùng xóa hết dữ liệu trong ổ cứng, thì với công nghệ hiện nay vẫn có thể phục hồi được.

John Shegerian, nhà sáng lập và CEO của ERI – doanh nghiệp tái chế và tiêu hủy đồ điện tử lớn nhất thế giới cho biết:  “Một ngân hàng lớn đã bị rò rỉ dữ liệu, đe dọa tổn thất nặng nề, nguyên nhân đơn giản là một nhân viên ngân hàng đã ném máy tính xách tay hỏng vào thùng rác và ai đó đã lấy nó. Trong máy tính xách tay đó là thông tin từ nhiều khách hàng của ngân hàng, trong đó có những doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD. May mắn chiếc laptop không lọt vào tay tội phạm, số tiền chuộc có thể khiến ngân hàng phá sản”.

Internet vạn vật (IoT) đang ngày càng phát triển, các trang thiết bị hiện đại như điện thoại di động có thể kiểm soát mọi khía cạnh cuộc sống, từ an toàn ngôi nhà, phương tiện di chuyển đến dữ liệu trên không gian ảo. Vấn đề phá hủy dữ liệu của trang thiết bị điện tử đã qua sử dụng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải có những chính sách cụ thể đối với quá trình thu gom, phá hủy rác điện tử để đảm bảo an toàn môi trường và an ninh.

Bắc Lãm

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Ảnh minh hoạ. ITN