Nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn ‘đe dọa’ ở cả 3 miền

Hiện nay, nhiều hồ chứa thủy lợi ở Tây Nguyên đã ở chạm mực nước chết. Không chỉ khu vực này, ở Bắc bộ và Trung bộ, dòng chảy trên các sông và hồ chứa tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

TTXVN cho biết, nhiều hồ chứa thủy lợi ở Tây Nguyên đã ở chạm mực nước chết, dẫn đến cây trồng bị thiếu nước. Cục Thủy lợi thông tin, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi ở Tây Nguyên còn 40% dung tích thiết kế. Một số địa phương như tỉnh Gia Lai đã có khoảng 168 hecta lúa bị hạn hán; tỉnh Kon Tum có khoảng 19 hecta lúa bị hạn hán, thiếu nước. Đây đều là diện tích sản xuất nằm ngoài hệ thống tưới các công trình thủy lợi. Dự báo, tình trạng hạn hán, thiếu nước nguy cơ tiếp tục xảy ra tại một số các công trình hồ chứa nhỏ và vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới với tổng diện tích đất trồng bị ảnh hưởng khoảng 15.000-26.000 hecta.

Những giải pháp để hạn chế tình trạng thiếu nước được áp dụng như nông dân kết hợp giữa kỹ thuật tưới nước tiết kiệm với thảm phủ, bón phân cân đối để giảm thiểu tối đa thoát hơi nước, đặc biệt là đối với đất trồng cà phê, hồ tiêu. Bên cạnh đó là không cưa cây che bóng, cây đai rừng đã có ở các vườn. Ngành nông nghiệp có kế hoạch chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước; vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với thực tế…

Tương tự, vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng có khả năng thiếu nước do xâm nhập mặn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, những ngày tới, độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 4-2023. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong các ngày từ 22 đến 28-4, từ ngày 7 đến 11-5.

Trước tình hình trên, theo TTXVN, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp, phục vụ nông nghiệp và đời sống sinh hoạt, đồng thời cần hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất. Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới nước, người dân cần kiểm tra nồng độ mặn. Đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, phải thực hiện quan trắc theo dõi độ mặn môi trường nuôi; từ đó xác định khoảng thời gian bắt đầu nuôi và thời điểm kết thúc phù hợp.

Không chỉ thiếu nước cho sản xuất, nhiều tỉnh còn có nguy cơ thiếu nguồn nước cho sinh hoạt. Đơn cử như mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã có hướng dẫn về việc không để xảy ra tình trạng thiếu nước sạch, nhất là trong cao điểm dịp lễ 30-4, 1-5 và mùa hè năm 2024.

Theo đó, các đơn vị phối hợp vận hành có hiệu quả trạm bơm phòng mặn An Trạch, để đưa đầy đủ nguồn nước thô từ đập An Trạch vào nhà máy nước Cầu Đỏ và nhà máy nước Sân Bay trong trường hợp sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Các sở, ngành thành phố Đà Nẵng cũng phối hợp với tỉnh Quảng Nam thi công đắp đập tạm trên sông Quảng Huế nhằm điều tiết lượng nước về hạ du sông Vu Gia.

Còn ở Nam bộ, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về hạ lưu và vùng đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 15- 20% so với trung bình nhiều năm.

Tại khu vực Bắc bộ, từ tháng 5, dòng chảy trên các sông và hồ chứa tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt từ 30-40% so với trung bình nhiều năm; dòng chảy đến hồ Thác Bà (sông Chảy) và đến hồ Tuyên Quang (sông Gâm) cũng có khả năng ở mức thiếu hụt từ 20-30%.

Trúc Đào – Tạp chí KTSG

Theo Kinh tế Sài Gòn

Ảnh: Nhiều hồ thủy điện phía bắc có lưu lượng nước về thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Ảnh: VGP

Xem bài viết gốc tại đây:

https://thesaigontimes.vn/nguy-co-thieu-nuoc-xam-nhap-man-de-doa-o-ca-3-mien/