Chính quyền tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp và người dân để tìm tiếng nói chung nhằm thực hiện việc khai thác cát phục vụ dự án trọng điểm thuận lợi và phù hợp.
Để bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn đi qua địa bàn, tỉnh Quảng Bình giao các sở, ngành, địa phương rà soát, cung cấp thông tin quy hoạch và hiện trạng nguồn vật liệu xây dựng, bãi đổ thải, lựa chọn những mỏ có vị trí phù hợp, bảo đảm về chất lượng, trữ lượng.
Sau khi xem xét, UBND tỉnh này cấp phép khai thác cát ở lòng sông Son trên địa bàn xã Hưng Trạch và Cự Nẫm (huyện Bố Trạch) với diện tích 18,40ha, trữ lượng 465.192m3, thời hạn khai thác trong 2 năm từ năm 2024 đến năm 2025.
Tỉnh Quảng Bình yêu cầu doanh nghiệp phải cắm đầy đủ các mốc ranh giới mỏ và thực hiện khai thác đúng khối lượng, công suất và kế hoạch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thực hiện yêu cầu về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo Nghị định của Chính phủ, dừng ngay việc khai thác nếu có hiện tượng sạt lở bờ sông tại khu vực khai thác, báo cáo chính quyền và cơ quan chức năng kiểm tra.
Mới đây, khi Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành tiến hành khai thác cát, nhiều người dân tại xã Hưng Trạch cùng ra bờ sông Son để phản đối. Người dân lo lắng việc khai thác cát sẽ gây ra sạt lở, đặc biệt mùa mưa lũ nước chảy xiết, nguy cơ cuốn đi đất hai bên bờ sông.
Ông Lê Quang Oanh, trưởng thôn Thanh Bình 2, xã Hưng Trạch cho biết, người dân phản đối các tàu hút cát để bảo vệ bờ sông. Theo ông Oanh, người dân đồng thuận việc khai thác cát phục vụ công trình trọng điểm quốc gia nếu chính quyền và doanh nghiệp công khai các quy định và phải chịu trách nhiệm nếu sau này việc hút cát gây ảnh hưởng môi trường, làm mất đất sản xuất của người dân.
“Chúng tôi nhận định nguy cơ dẫn đến sạt lở ở khu vực đất Thanh Bình 2 rất cao nếu khai thác cát với trữ lượng 465.000 mét khối”, ông Lê Quang Oanh cho biết.
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành cho biết, doanh nghiệp cam kết sử dụng cát đúng mục đích, sau khi hoàn thành công trình sẽ tham mưu với tỉnh đóng mỏ.
“Mỏ cát này xin để phục vụ dự án trọng điểm nên đơn vị không có lợi ích trong việc kinh doanh, buôn bán ra ngoài. Nhà thầu cố gắng đảm bảo hài hòa đối với bà con, làm các văn bản cam kết với người dân sống 2 bên khu vực nếu để xảy ra tình trạng sạt lở”, ông Trần Hải Đăng, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành thông tin.
Với những vướng mắc trên, đến nay khu vực mỏ này vẫn chưa thể khai thác được trong khi tiến độ thi công tại một số đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Bình đang cần nguồn cát đắp nền.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch cho biết, hiện việc khai thác cát lòng sông trên địa bàn phục vụ xây dựng cao tốc vẫn đang được tạm ngừng. Lực lượng chức năng và doanh nghiệp đang làm việc với người dân.
“Chính quyền, các hội đoàn thể tiến hành tuyên truyền để bà con hiểu được vai trò của việc khai thác cát với dự án trọng điểm. Các đơn vị chức năng, doanh nghiệp cần cam kết để người dân tin tưởng trong quá trình khai thác. Khi có sự đồng thuận giữa các bên thì việc khai thác cát mới tiếp tục”, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch cho biết.
Ông Nguyễn Huệ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, việc cấp mỏ khai thác cát theo cơ chế đặc thù của Chính phủ là nhằm bảo đảm nguồn cung vật liệu thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
“Qua tính toán sẽ thiếu khoảng 1 triệu m3 cát trên toàn tuyến. Tất cả cát xây dựng đều là cát ở lòng sông nên phải cân nhắc rất kỹ. Nếu không cấp các mỏ này sẽ thiếu cát trầm trọng trong triển khai dự án cao tốc và dẫn đến không kịp tiến độ”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình thông tin.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Ảnh: Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình dài gần 127km.
Xem bài viết gốc tại đây: