Nguy cơ thất thoát tài nguyên từ lỗ hổng quản lý hoạt động nạo vét lòng hồ

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay, hàng chục doanh nghiệp, cá nhân đang thực hiện hoạt động nạo vét phòng, chống bồi lắng kết hợp thu hồi cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trên các hồ thủy điện, thủy lợi.

Điều đáng nói lượng cát, sỏi thu được từ các hoạt động này đặc biệt lớn, nhưng không hề có quy định nào về việc theo dõi, giám sát khối lượng khoáng sản khai thác được để thu thuế tài nguyên khoáng sản.

5 giờ ngày 6/5, nhóm phóng viên có mặt tại cổng chào Tổ dân phố Lâm Tuyền 1, đường vào đập hồ thủy điện Đa Nhim ở thị trấn Đ’ran (huyện Đơn Dương). Lúc này, hàng chục xe ben chuyên chở vật liệu xây dựng đủ loại, chủ yếu từ 16 – 18 m3 đã xếp hàng kéo dài từ cổng bảo vệ đập hồ thủy điện Đa Nhim ra tới Quốc lộ 27 với chiều dài vài trăm mét. Các tài xế người tranh thủ chợp mắt, người bấm điện thoại trên ca bin chờ tới giờ bảo vệ mở cửa để vào “ăn cát”.

Trong khi đó, dòng xe từ khắp nơi, nhiều nhất vẫn là của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng từ thành phố Đà Lạt vẫn tiếp tục đổ về xếp thành hàng dài. Khoảng 5 giờ 30 phút, thanh barie chắn ngang lối ra vào đập được mở, hàng chục xe ben đồng loạt nổ máy, băng qua con đường đất dưới chân đập hồ thủy điện Đa Nhim để sang bên bãi tập kết cát ngay sát với mặt hồ, cách cổng ra vào chừng hơn 1 km.

Mới 7 giờ, tại bãi tập kết rộng khoảng 2 ha với hàng chục đống cát chất cao như núi bên hồ thủy điện Đa Nhim, xe cộ đã tấp nập ra vào như một đại công trường của dự án trọng điểm. Những chiếc máy múc hối hả làm việc hết công suất nhưng vẫn không kịp chuyển cát lên xe khiến hàng loạt xe ben vẫn phải chầu chực xếp hàng để vào nhận cát.

Dưới lòng hồ thủy điện Đa Nhim, việc hút cát cũng sôi động không kém. Mới sáng sớm mà đã có khoảng trên dưới 10 tàu hút cát xếp thành hàng dài trên mặt nước cách bờ khoảng 1 km. Cát từ đáy hồ được các tàu di chuyển khắp nơi dưới lòng hồ Đa Nhim, hút đưa lên đầy khoang rồi di chuyển về khu vực bãi tập kết, bơm đẩy lên bãi chứa tạo thành những “núi” lớn hàng trăm mét khối.

Anh T.Q.B (sinh sống tại Tổ dân phố Lâm Tuyền 1 có căn nhà mở cửa ra con đường mà xe cát hàng ngày đi qua) cho biết: Từ nhiều năm qua, anh đã thấy xe ben xếp hàng từ rạng sáng để vào chở cát ra ngoài tiêu thụ, mỗi ngày lên tới cả trăm lượt xe. Có ngày nhiều xe quá, còn phải xếp hàng từ cổng bảo vệ đập thủy điện qua con đường bê tông của phố rồi tràn thành dãy trên Quốc lộ 27, kéo dài gần 1 km.

Mỗi ngày, hàng trăm xe vận tải tới bãi tập kết cát ở bên lòng hồ thủy điện Đa Nhim chở cát về thành phố Đà Lạt.

Lượng xe cộ ra vào quá nhiều, chở cát nặng tới mức khiến con đường dẫn vào cổng chính đập thủy điện này trước đây vốn được trải nhựa nhanh chóng bị cày tung, nát bươm, buộc đơn vị liên quan phải sửa lại con đường mới bằng chất liệu bê tông. Hằng ngày, lượng xe ben chở vật liệu xây dựng từ hướng hồ thủy điện Đa Nhim lên thành phố Đà Lạt tấp nập, quá tải tới mức mặt Quốc lộ 27 và Quốc lộ 20, chiều từ thị trấn Đ’ran lên thành phố Đà Lạt hư hỏng nham nhở khiến đơn vị quản lý cầu đường phải liên tục trám vá mặc dù được đầu tư nâng cấp chưa lâu.

Đáng chú ý, hoạt động khai thác cát tại khu vực này diễn ra với công xuất cực lớn như vậy, song không có một đơn vị của cơ quan nhà nước nào đứng ra quản lý giám sát; không có các thiết bị quy định bắt buộc phải lắp đặt đối với các mỏ khai thác khoáng sản như trạm cân, camera… theo dõi để giám sát sản lượng khai thác và thu thuế tài nguyên về cho ngân sách nhà nước.

Phóng viên TTXVN làm việc với các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản này như Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, được biết: Vào tháng 12/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có tờ trình và UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản số 7796/UBND-ĐC, đồng ý cho Công ty Cổ phần đầu tư PITC Lâm Đồng tự bỏ vốn thực hiện nạo vét, kết hợp thu hồi cát, sạn, sỏi xây dựng trên lòng hồ thủy điện Đa Nhim. Văn bản này cho phép diện tích nạo vét là 9,5 ha với tổng khối lượng nạo vét 122.922 m3 trong 5 năm, trong đó cát xây dựng là 89.635 m3…

Sau khi hoạt động đủ 5 năm, đến cuối tháng 3/2022, Sở Công Thương lại có tờ trình và ngày 8/4/2022 UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp Giấy phép số 30/GP-UBND cho phép Công ty Cổ phần đầu tư PITC Lâm Đồng tiếp tục được nạo vét cục bộ phòng, chống bồi lắng kết hợp thu hồi cát, sạn sỏi làm vật liệu xây dựng và bùn đất tại lòng hồ thủy điện Đa Nhim… Theo giấy phép này, diện tích nạo vét tăng lên 24 ha. Tổng khối lượng nạo vét theo giấy phép là 312.841 m3 nguyên khối, trong đó khối lượng cát xây dựng là 256.999 m3, còn lại là bùn đất và sạn, sỏi xây dựng.

Như vậy với 2 lần cấp phép trên, tính trung bình, mỗi ngày trong giai đoạn từ năm 2017-2021, doanh nghiệp trên được phép nạo vét, khai thác gần 50 m3 cát; từ năm 2022-2026, mỗi ngày được nạo vét, khai thác gần 143 m3 cát xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế, khối lượng cát từ khu vực này xuất ra thị trường xây dựng của thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận lại không được kiểm đếm. Trong khi lượng phương tiện chuyên chở hàng ngày ra khỏi địa bàn lại cho thấy khả năng lượng cát khai thác có thể cao hơn nhiều.

Đại diện Phòng Quản lý khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng) khẳng định: Tới ngày 9/5/2022, Công ty Cổ phần đầu tư PITC Lâm Đồng vẫn chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định như lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường, đăng ký khối lượng nạo vét theo giấy phép để kê khai nộp thuế. Như vậy, kể từ đầu năm 2022 đến nay, doanh nghiệp này chưa đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động nạo vét lòng hồ cũng như bán các loại khoáng sản như cát, sỏi xây dựng… thu được ra thị trường. Đại diện của Phòng này cho biết theo quy định, doanh nghiệp này nộp thuế khai thác khoáng sản dựa trên bản tự kê khai thực tế của đơn vị, chứ không có cơ quan nhà nước nào quản lý hoạt động này…

Hiện nay tỉnh Lâm Đồng có hàng chục điểm hiện đang thực hiện nạo vét bồi lắng, kết hợp thu hồi cát, sỏi xây dựng tại các hồ thủy điện như Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai, Đồng Nai 3… hay các hồ thủy lợi Próh, Đinh Trang Thượng, sông Đạ Dâng… Nhưng các địa điểm thực hiện nạo vét kết hợp thu hồi khoáng sản này lại không được coi là mỏ khoáng sản. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện khai thác khoáng sản qua hình thức nạo vét lòng hồ, lòng sông này không cần phải thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát như lắp đặt trạm cân, lắp đặt camera… như theo quy định đối với mỏ khai thác khoáng sản, để kiểm đếm khối lượng khoáng sản khai thác và vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Bài và ảnh: Chu Quốc Hùng (TTXVN)

Theo Tin tức TTXVN

Ảnh: Bãi tập kết cát từ hoạt động nạo vét lòng hồ thủy điện Đa Nhim (thị trấn Đ’ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng).

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/nguy-co-that-thoat-tai-nguyen-tu-lo-hong-quan-ly-hoat-dong-nao-vet-long-ho-20220512084934702.htm