Các Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc trong nguồn cung ứng vật liệu cho nhà thầu thi công dẫn đến tiến độ chắc chắn bị ảnh hưởng.
Hết năm 2023, nguồn vật liệu xây dựng cung ứng cho hàng loạt các dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 vẫn chưa có nhiều tiến triển, khiến việc thi công của nhà thầu chậm trễ và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của đại công trình này.
Nguồn cung vật liệu còn chậm trễ
Theo thông tin Cục Quản lý đầu tư xây dựng, với 2 Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau, nguồn vật liệu cát đắp nền khoảng 18,4 triệu m3, đến nay việc cung cấp cát còn hạn chế, chưa đáp ứng kế hoạch.
Cụ thể, tỉnh An Giang đã xác định nguồn cho dự án 6,09 triệu m3, trong đó đã hoàn thiện thủ tục khai thác cung ứng cho dự án 1,56 triệu m3; đang hoàn thiện thủ tục để khai thác 5 mỏ mới với trữ lượng 4,52 triệu m3; còn 0,9 triệu m3 chưa xác định được nguồn cung.
Tỉnh Đồng Tháp đã xác định được nguồn cho dự án 7 triệu m3, trong đó đã hoàn thiện thủ tục để khai thác 4,37 triệu m3 (tăng công suất, mỏ hiện hữu 0,97 triệu m3 và 5 mỏ mới 3,39 triệu m3); đang hoàn thiện thủ tục 2 mỏ với trữ lượng 2,7 triệu m3.
Tỉnh Vĩnh Long đã xác định được nguồn cho dự án 2,98 triệu m3 (từ một mỏ đang khai thác 0,5 triệu m3 và 3 mỏ mở mới 2,48 triệu m3), trong đó hoàn thành thủ tục cấp cho dự án 0,5 triệu m3; đang hoàn thiện thủ tục đối với 3 mỏ với trữ lượng 2,48 triệu m3; còn 2,02 triệu m3 chưa xác định được nguồn cung.
Về tình hình cung ứng, báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho thấy hiện nay đã đưa về công trường tổng cộng 1,56 triệu m3, trung bình mỗi ngày được 19.000m3, trong đó tỉnh An Giang 0,3 triệu m3 với công suất khoảng 4.000m3/ngày; tỉnh Đồng Tháp 1,26 triệu m3 với công suất 15.000m3/ngày; tỉnh Vĩnh Long cần phải tuyển rửa nên mới lấy được 2.300 m3.
Với 10 dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, các nhà thầu đã trình 14/14 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cát với tổng trữ lượng 4,54 triệu m3; 50/74 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác đất với tổng trữ lượng 65,31 triệu m3; ủy ban nhân dân các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 12/13 mỏ cát, 46/56 mỏ đất (tăng thêm một mỏ cát, 6 mỏ đất so với thời điểm tháng 11/2023).
Tuy nhiên, các nhà thầu mới khai thác được 8/11 mỏ cát với trữ lượng khoảng 3,3 triệu m3, đáp ứng 63% nhu cầu và 33/46 mỏ đất với trữ lượng khoảng 28,31 triệu m3 đáp ứng 60% nhu cầu. Các mỏ còn lại mặc dù đã được chấp thuận bản đăng ký khối lượng khai thác nhưng đến nay các nhà thầu, địa phương vẫn đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng.
Công suất các mỏ cát đang khai thác trên địa bàn nhiều tỉnh vẫn chưa đáp ứng đủ để thi công Dự án Cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Liên quan đến việc điều phối vật liệu trong phạm vi dự án, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã tham mưu Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện. Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn ý kiến cần được Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thêm.
Phía Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng chỉ ra thực tế nguồn cung vật liệu chậm trễ bởi các nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ về chi phí chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất; công suất các mỏ cát đang khai thác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi) chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu xử lý nền đất yếu, vì vậy các nhà thầu phải chủ động làm việc với các cơ quan của địa phương để hoàn thiện thủ tục khai thác các mỏ cấp mới, đáp ứng tiến độ yêu cầu; việc thực hiện thủ tục mở các mỏ cát mới chậm đồng thời công suất khai thác chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ dự án.
Địa phương cần sớm “giải cứu” nguồn cung
Trên cơ sở đó, Cục Quản lý đầu tư xây dựng kiến nghị các Ban Quản lý dự án, nhà thầu phối hợp với các địa phương (Quảng Ngãi, Bình Định) sớm hoàn thiện các thủ tục xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 10 mỏ đất và một mỏ cát đã trình nhưng chưa được xác nhận; thỏa thuận với chủ sở hữu mỏ để có thể khai thác 3 mỏ cát (các đoạn Hàm Nghi-Vũng Áng, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, 13 mỏ đất (các đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Chí Thạnh-Vân Phong) đã được xác nhận bản đăng ký khối lượng để sớm có thể khai thác các mỏ; khảo sát, đưa thêm các mỏ mở mới vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án (nếu có nhu cầu) và hoàn thành thủ tục với các mỏ còn lại.
Riêng với Dự án Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau, Cục Quản lý đầu tư xây dựng yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, nhà thầu khẩn trương làm việc với địa phương để hoàn thiện thủ tục cấp quyền khai thác đối với 10 mỏ còn lại để đưa vào khai thác ngay trong tháng 1/2024 (Đồng Tháp 2 mỏ, An Giang 5 mỏ và Vĩnh Long 3 mỏ); tiếp tục làm việc với An Giang và Đồng Tháp để xác định nguồn và hoàn thành thủ tục để cung ứng khối lượng còn thiếu để cấp cho dự án đủ khối lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thi công nền đường một Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Các Ban Quản lý dự án cũng cần chủ động làm việc với Trà Vinh, Sóc Trăng để xác định mỏ cát biển có thể khai thác phục vụ thi công dự án, đảm bảo triển khai được ngay các thủ tục cấp quyền khai thác khi được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng cát biển để thi công các dự án hạ tầng giao thông, nhằm chủ động nguồn vật liệu cát đắp nền.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với các địa phương từ Hà Tĩnh-Khánh Hòa để đẩy nhanh tiến độ xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác và phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu hoàn tất các thủ tục về đất đai để khai thác vật liệu; có Công điện gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh An Giang, Đồng tháp, Vĩnh Long sớm hoàn tất các thủ tục giao mỏ, nâng công suất các mỏ để cung cấp cát cho dự án, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Việt Hùng/Vietnam+
Theo VietnamPlus
Ảnh: Vật liệu cát đắp nền đường vẫn đang thiếu nguồn cung cho nhà thầu thi công Cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)