Nguồn nước sạch của Đà Nẵng tiếp tục bị nhiễm mặn hơn 10 ngày qua

Liên tiếp trong hơn 10 ngày qua, nước sông Cầu Đỏ, thành phố Đà Nẵng bị nhiễm mặn khiến việc cấp nước sạch gặp nhiều khó khăn.

Lãnh đạo chính quyền thành phố đề nghị Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) khống chế độ mặn dưới 100mg/l để đảm bảo cấp nước cho người dân. Đồng thời, duy trì vận hành liên tục các máy bơm tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch, bảo đảm công suất bơm 210.000m3/ngày – đêm cho đến khi xây dựng thêm tuyến chuyển tải nước thô qua sông Cầu Đỏ.

Ngay từ những ngày đầu tháng 2/2019, xâm nhập mặn tái diễn trên sông Cầu Đỏ, thành phố Đà Nẵng. Diễn biến độ mặn quan trắc được tại cửa thu nước Cầu Đỏ cho thấy độ mặn trong những ngày qua ở mức báo động. Độ mặn cao nhất ghi nhận được vào cuối ngày hôm qua (16/2) lên đến hơn 1.640 mg/l, vượt mức cho phép khai thác nước mặt trên sông Cầu Đỏ.

Ông Phan Lưu, Giám đốc Xí nghiệp sản xuất nước, Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng cho biết, giải pháp cấp bách hiện nay là phải bơm nước từ đập dâng An Trạch chuyển về xử lý tại Nhà máy nước Cầu Đỏ. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng của thành phố Đà Nẵng vượt công suất thiết kế của Trạm bơm phòng mặn An Trạch. Do vậy, nguồn nước cấp cho thành phố Đà Nẵng sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay là 2 nhà máy chủ lực nhất lấy nguồn nước thô tại Cầu Đỏ để cung cấp cho thành phố. Với độ mặn như thế, chúng tôi đã vận hành trạm bơm An Trạch, lấy nước thô từ Trạm bơm này về bổ sung cho Cầu Đỏ, hòa ra để đảm bảo đưa độ mặn xuống dưới 250mg/l theo quy định để cấp cho nhân dân thành phố. Về lâu dài chúng tôi mong muốn phải nâng công suất của Trạm bơm An Trạch lên để có công suất lớn, đảm bảo cấp nước cho 2 nhà máy Cầu Đỏ và Sân Bay, đủ lượng nước thô khi mà độ mặn ở Cầu Đỏ kéo dài và nâng cao” – ông Phan Lưu cho biết.

Để đảm bảo cấp nước sạch cho người dân thành phố, Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng vận hành 2 máy bơm có công suất 2.200m3/giờ và 1 máy bơm có công suất 3.000m3/giờ đưa nước ngọt từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch về . Hiện, trữ lượng nước tại đập dâng An Trạch đủ để vận hành máy bơm, nhưng lượng nước thô bơm về Nhà máy nước Cầu Đỏ không đủ.

Vì thế, giải pháp hiện nay là đẩy mặn tại sông Cầu Đỏ để khai thác được một phần nguồn nước thô kết hợp với bơm nước từ đập An Trạch về nhằm đủ nước thô phục vụ sản xuất, cấp nước cho người dân thành phố. Đồng thời, đề xuất đề xuất các nhà máy thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia như: thủy điện Sông Bung 4, Đăk Mi 4 xả nước về sông Vu Gia để đẩy mặn.

Phiếu kiểm nghiệm chất lượng nước của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng.

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng cho biết: “Trước tình hình nhiễm mặn bất thường, Công ty đã chủ động liên hệ thường xuyên với các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn để phối hợp xả về, đảm bảo cho Trạm bơm An Trạch hoạt động. Thứ 2, chúng tôi cũng đã triển khai điều phối cấp nước theo từng khu vực để tránh khu vực nào mất nước kéo dài”.

Bên cạnh nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, những ngày qua, một số khách hàng tại các quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn phản ánh chất lượng nguồn nước sinh hoạt có hiện tượng cặn bẩn màu đen, có màu đục và độ lợ trong nước.

Qua kiểm nghiệm một số mẫu nước, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng khẳng định, cả 5 mẫu thử nghiệm đều có chung kết quả, các chỉ tiêu về nguồn nước đều đạt yêu cầu vệ sinh về hóa lý nước dùng cho ăn uống theo tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế.

Hoài Nam/VOV-Miền Trung

Theo VOV.VN

Ảnh: Lượng nước tại đập dâng An Trạch không thiếu nhưng nước bơm về Nhà máy nước Cầu Đỏ thiếu.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/nguon-nuoc-sach-cua-da-nang-tiep-tuc-bi-nhiem-man-hon-10-ngay-qua-876637.vov