Người dân Yên Bái tố doanh nghiệp khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến đời sống

Từ khi Công ty cổ phần Thịnh Đạt khai thác và chế biến khoáng sản xả thải từ đầu nguồn xuống, dòng suối Nậm Lùng chảy qua xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái bị đổi màu đục, trắng bạc kèm mùi lạ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của bà con ở phía hạ lưu.

Dòng Suối Nậm Lùng được hình thành từ dòng chảy Nậm Kim và Nậm Lùng, bắt nguồn từ xã La Pán Tẩn và Cao Phạ của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Dòng suối là nguồn cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nhiều xã, đặc biệt là với xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn.

Suối Nậm Lùng cung cấp nước cho khoảng 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Dòng nước trong xanh đã góp phần tạo nên thương hiệu gạo nếp nổi tiếng, là nguồn thu nhập chính nuôi sống hàng nghìn người dân địa phương. Trong đó có 100ha trồng các loại lúa đặc sản là Séng Cù và nếp Tú Lệ. Đây là sản phẩm nổi tiếng gần xa, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Tuy nhiên, từ năm 2019 trở lại đây, Công ty cổ phần Thịnh Đạt (Công ty Thịnh Đạt) khai thác và chế biến khoáng sản xả thải từ đầu nguồn xuống thì dòng nước suối thường xuyên đổi màu trắng bạc và mùi khó chịu, nhất là những hôm trời mưa to, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của bà con ở phía hạ lưu dòng suối.

Khu bãi thải có dấu hiệu đã bị vỡ đập.

Theo người dân nơi đây, vì dòng nước đổi màu nên tôm cá ở suối chết hết, lấy nước vào ao thì cá trong ao cũng chết, đưa nước vào ruộng thì lúa chết hoặc không phát triển được. Không những thế, dòng nước này còn làm đất bề mặt đồng ruộng bị đông cứng, giảm màu mỡ rất nhiều so với trước đây nên ai cũng lo lắng.

Bà Hoàng Thị On, người dân xã Tú Lệ cho biết: “Chỗ nào nước chảy vào thì ruộng thì lúa không thể lên được, cây lúa cứ khô vào và chết lụi đi…”.

Một góc cánh đồng lúa Tú Lệ.

Một người dân ở bản Côm, xã Tú Lệ cho biết: “Cứ một hai tuần thì nước nó đục, thay đổi màu một lần và có mùi. Màu thì nó bạc, trắng trắng như màu đất sét”.

Ông Lò Văn Đức, người dân ở thôn Phạ Dưới, xã Tú Lệ cho biết: Từ khi thương hiệu gạo nếp Tú Lệ được nhiều người biết đến thì cuộc sống bà con đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, khi Công ty Thịnh Đạt vào hoạt động khoáng sản ở đầu nguồn Nậm Kim (nhánh chính của suối Nậm Lùng), gây ô nhiễm dòng suối thì chất lượng gạo Tú Lệ dần mất đi hương vị và thoái hóa.

Khu vực tuyển quặng nhìn từ xa.

“Nước quặng thải về làm thoái hóa hết lúa rồi. Trước đây gạo thơm, dẻo, giờ thì không được như trước nữa. Nếu vấn đề nguồn nước không sớm được giải quyết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sản xuất của bà con”, ông Đức kiến nghị.

Từ phản ánh của người dân, phóng viên VOV đã vượt núi đến điểm mỏ khai thác, chế biến quặng mà người dân “tố’’ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải. Vị trí mỏ nằm sâu, kín đáo và lọt thỏm dưới khe núi, một bên bao phủ bởi rừng nguyên sinh, một bên là núi đá cao.

Đường đi xuống khu vực mỏ.

Theo quan sát, có nhiều vị trí đổ thải trong khu vực mỏ, nhưng đáng chú ý nhất là 2 điểm chứa phế thải gần nhà máy sơ tuyển quặng. Một điểm như đã bị vỡ đập chắn, không còn nước, chỉ còn đất đá ngổn ngang; một điểm vừa được đào đắp vừa xả thải dọc theo núi xuống với dòng nước trắng đục bên trong. Phía dưới là các khe suối dẫn đến dòng Nậm Kim.

Làm việc với phóng viên VOV, ông Phùng Thế Hanh, Chủ tịch UBND xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn cho biết: trước khi đi vào hồ thủy điện, dòng Nậm Lùng đi qua các thôn như Búng Sổm, Phạ Trên, Phạ Dưới, Nà Lóng, Pom Ban, Bản Côm… của xã. Qua phản ánh và tiến hành kiểm tra thực tế, xã đã có các báo cáo lên cấp trên về tình trạng nguồn nước.

Dòng suối Nậm Lùng lâu lâu lại đổi màu như thế này.

“Về màu sắc thì nó biểu hiện bất thường, không đảm bảo yếu tố tự nhiên, xã đã có văn bản gửi huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải để tìm nguyên nhân và xin ý kiến chỉ đạo. Với vai trò, chức năng của xã không đủ điều kiện để đánh giá nước này, rất mong các cơ quan chức năng được phân cấp, phân quyền với đầy đủ về trang thiết bị, khoa học kỹ thuật đánh giá, phân tích xem nước có độc hại hay không”, ông Hanh nói.

Được biết, năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái và UBND xã Tú Lệ đã làm việc với Công ty cổ phần Thịnh Đạt và đơn vị này cam kết sẽ làm bể chứa đảm bảo không để xả thải bừa bãi làm ảnh hưởng đến nguồn nước, môi trường, nhưng từ đó đến nay việc này vẫn tiếp diễn.

Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc

Theo VOV.VN

Ảnh: Một bãi thải đang được đào đắp mới.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nguoi-dan-yen-bai-to-doanh-nghiep-khai-thac-khoang-san-anh-huong-den-doi-song-post936852.vov