Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào mùa khô, nước mặn xâm nhập. Do đó, mặc dù ăn Tết nhưng người dân nơi đây vẫn không quên công tác phòng chống hạn mặn trong mùa khô.
Mùa khô năm nay, gần 50 nhà vườn trong tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Thanh Bình, thuộc xã cù lao Thanh Bình, huyện Vũng Liêm đồng lòng quyên góp tiền tu sửa lại cống đập ngăn mặn, làm lại mặt đường để trữ nước tưới cho khoảng 26 ha sầu riêng trong tổ hợp tác trồng theo tiêu chuẩn Vietgap. Nhờ có cống, đập kiên cố, những ngày qua, nước ngoài cống độ mặn tăng cao nhưng trong vườn sầu riêng của tổ hợp tác không thiếu nước ngọt để tưới cây.
Để đảm bảo an toàn cho cây sầu riêng, các thành viên trong tổ hợp tác còn tự trang bị dụng cụ đo độ mặn để kiểm tra độ mặn trong nước trước khi tưới, bảo vệ tốt vườn cây sầu riêng trong mùa khô này.
Để ứng phó với mặn xâm nhập, Chính quyền và người dân tỉnh Vĩnh Long đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ngoài giải pháp công trình, tỉnh còn chú trọng đến giải pháp phi công trình như trữ nước trong mương vườn, lắp đặt phương tiện tưới nước tiết kiệm có hệ thống điều khiển từ xa. Việc lắp đặt hệ thống này có vốn đầu tư ban đầu cao nhưng đã giúp cho nông dân Vĩnh Long tiết kiệm được lượng nước tưới trong mùa khô này đồng thời cắt giảm được công chăm sóc.
Anh Nguyễn Tiến Anh, cán bộ Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Khi áp dụng công nghệ như thế thì mình quản lý được lượng nước tốt hơn. Thay vì trước đây khai nước và tháo nước bằng phương pháp thủ công thì hiện nay có thể điều khiển từ xa thông qua điện thoại”.
Theo Ban chỉ huy và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tỉnh Vĩnh Long, tại cống Nàng Âm, xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm độ mặn mấy ngày qua giao động khoảng 1,6 phần nghìn; trạm Quới An (huyện Vũng Liêm) giao động khoảng 0,5 phần nghìn; trạm Trà Ôn 0,2 phần nghìn; trạm Tích Thiện 0,4 phần nghìn; trạm Ngã Tư Hữu Thành, huyện Trà Ôn 0,5 phần nghìn và vàm rạch Cái Múi, Bình Hòa Phước 0,2 phần nghìn. Độ mặn này nếu tăng cao hơn thì ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long sẽ cho đóng một số cống để bảo vệ diện tích nông nghiệp ở địa phương.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, nếu mùa khô năm nay mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng, tỉnh sẽ chủ động được nước tưới tiêu cho hơn 112.000ha đất nông nghiệp ( chiếm khoảng 94% diện tích đất nông nghiệp trong tỉnh) và kiểm soát mặn tốt.
Tuy nhiên, nếu trong điều kiện hạn hán, mặn xâm nhập gay gắt như mùa khô năm ngoái, toàn tỉnh sẽ có 6 trong tổng 8 địa phương bị ảnh hưởng. Dự báo tỉnh sẽ có gần 95.000 ha cây trồng bị hạn, thiếu nước; khoảng 3.000 ha cây trồng bị nhiễm mặn, tập trung tại các huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Trà Ôn, Tam Bình và thị xã Bình Minh. Do đó ngay từ đầu mùa khô tỉnh cũng đã có phương án phòng chống hạn mặn, đặc biệt trong những ngày giáp Tết nguyên đán này.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh cũng đã có cảnh báo về đợt xâm nhập mặn cao điểm vào dịp Tết. Trên tinh thần đó, chúng tôi đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các huyện phối hợp cùng với các trạm quan trắc cũng như các đài khí tượng thủy văn thông tin kịp thời đến người dân và các địa phương để nắm rõ diễn biến của hạn mặn, qua đó có biện pháp đối phó”
“Ăn tết nhưng không quên theo dõi nước mặn” là câu nói cửa miệng của các cấp chính quyền và bà con nông dân ở vùng thường xuyên bị nước mặn xâm nhập của tỉnh Vĩnh Long. Ngoài ngành nông nghiệp, các hộ gia đình ở vùng có nguy cơ mặn xâm nhập tự trang bị máy đo độ mặn trên sông để có biện pháp ứng phó kịp thời khi độ mặn tăng cao, hạn chế thiệt hại do mặn gây ra.
Theo VOV.VN
Ảnh: Nông dân tỉnh Vĩnh Long tự trang bị máy đo độ mặn.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-dan-vinh-long-don-tet-khong-quen-phong-chong-xam-nhap-man-837122.vov