Người dân bức xúc vì chậm xử lý cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm

Hơn 40 hộ dân ở thôn 15, xã Ea Đar, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) nhiều năm qua đã phải sống chung với ô nhiễm môi trường phát tán từ một cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn của hộ ông Chu Hồng Sơn. Người dân đã nhiều lần ‘cầu cứu’ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ô nhiễm kéo dài

Có nhà ở liền kề hồ chứa nước thải của cơ sở trên, ông Trần Hùng Mạnh, thôn 15, xã Ea Đar cho biết: Khoảng 6 năm trở lại đây, hộ ông Sơn mở rộng quy mô chăn nuôi, có thời điểm đàn lợn lên đến hàng trăm con nhưng quy trình xử lý vệ sinh môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân xung quanh.

“Không kể ngày nắng hay mưa, mùi hôi nồng nặc bốc lên từ hồ chứa nước thải lộ thiên làm cho cuộc sống người dân bị đảo lộn, lúc ăn cơm cũng phải đóng cửa để hạn chế mùi hôi” ông Mạnh nói.

Theo ông Trần Hùng Mạnh, từ năm 2016 đến nay, người dân thôn 15, xã Ea Đar đã nhiều lần gửi đơn “cầu cứu”, kiến nghị qua các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri yêu cầu cấp chính quyền và cơ quan chức năng xử lý tình trạng trên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến dư luận bức xúc.

Bà Trần Thị Dương, thôn 15, xã Ea Đar chia sẻ: Mặc dù người dân rất thông cảm và tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi phát phát triển kinh tế, tuy nhiên việc tồn tại một cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, gây ô nhiễm môi trường ngay trong khu đông dân cư là không được.

Nhiều nay năm, chính quyền địa phương đã nhiều lần làm việc với các hộ chăn nuôi nhưng tình trạng ô nhiễm chưa được cải thiện.

Cần sớm xử lý dứt điểm

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Vũ Hồng Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Đar, huyện Ea Kar cho biết: Trong hai năm 2016 và 2017, Ủy ban nhân dân xã Ea Đar đã nhiều lần kiểm tra và kết luận cơ sở chăn nuôi của ông Chu Hồng Sơn xả nước thải ra môi trường, gây mùi hôi thối nồng nặc, hầm biogas xuống cấp, hư hỏng, không đạt tiêu chuẩn, hố chứa phân lộ thiên không được che chắn… gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng khu dân cư xung quanh. Qua các lần kiểm tra, Ủy ban nhân xã Ea Đar đã đề nghị cơ sở chăn nuôi khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hộ ông Chu Hồng Sơn không chấp hành.

Ngày 19/9/2018, huyện Ea Kar tổ chức Đoàn công tác tiếp tục kiểm tra mức độ ô nhiễm tại cơ sở chăn nuôi lợn của ông Chu Hồng Sơn và kết luận tại thời điểm kiểm tra có 230 con lợn, phân lợn được tập kết ngoài trời dễ phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm nguồn nước và đất. Nước thải sau xử lý đổ ra hồ chứa, không có tường bao, không được che đậy, chảy tràn ra môi trường khi trời mưa.

Đoàn công tác đã yêu cầu cơ sở chăn nuôi cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu mùi hôi, tiến hành giảm đàn xuống còn 50%, xây bể chứa có lót đáy, nắp đậy để tập kết phân, thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2018. Thời gian xây bờ bao quanh và có nắp đậy, che chắn hồ chứa nước thải sau xử lý biogas trong quý I/2019.

Ông Chu Hồng Sơn đã ký vào bản cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Đoàn công tác. Tuy nhiên, đến ngày 8/5/2019, Ủy ban nhân dân xã Ea Đar tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra và kết luận cơ sở chăn nuôi của hộ ông Chu Hồng Sơn chỉ thực hiện một số nội dung đã cam kết như giảm đàn (tại thời điểm kiểm tra có 133 con lợn), lắp quả cầu thông gió…

Hồ chứa nước thải sau xử lý biogas chưa có nắp đậy, chưa xây bờ bao quanh và hàng ngày nước thải sau xử lý biogas vẫn xả ra hồ chứa. Người dân cho rằng, đây nguyên nhân chính gây mùi hôi thối nồng nặc.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Đar Vũ Hồng Long thừa nhận, việc tồn tại một cơ sở chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường ngay trong khu đông dân cư là vi phạm pháp luật về lĩnh vực môi trường. Chính quyền cấp xã đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp trên nhưng vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm.

Chính quyền địa phương nhiều lần báo cáo sự việc lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ea Kar để xin hướng xử lý. Tuy nhiên, hướng giải quyết được đưa ra vẫn là công tác tuyên truyền để người dân thực hiện bảo vệ môi trường. Nếu người dân không thực hiện sẽ xử lý vi phạm hành chính theo quy định, trường hợp xử lý vi phạm hành chính không đạt kết quả huyện sẽ có phương án giúp địa phương sau, ông Vũ Hồng Long cho biết thêm.

Cũng theo ông Vũ Hồng Long, hộ ông Chu Hồng Sơn đã nhiều lần có thái độ không hợp tác với chính quyền địa phương. Khi Ủy ban nhân dân xã Ea Đar mời hộ này lên giải quyết vấn đề kiến nghị về ô nhiễm môi trường của người dân xung quanh, hộ ông Chu Hồng Sơn không đến tham dự. Điều này gây khó khăn cho quá trình xử lý vụ việc.

Bà Trần Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ea Kar khẳng định, về vấn đề ô nhiễm môi trường tại hộ chăn nuôi của ông Chu Hồng Sơn, cơ quan chuyên môn đã kiểm tra, xác định mức độ ô nhiễm và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài việc xử phạt hành chính, chính quyền cấp xã cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở hộ chăn nuôi thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường. Trong trường hợp hộ ông Chu Hồng Sơn cố tình không thực hiện, Ủy ban nhân dân xã phải có phương án cưỡng chế theo thẩm quyền và đúng với quy định của pháp luật để xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm.

Trong khi chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn nhiều năm qua vẫn dừng lại ở việc tuyên truyền, xử phạt hành chính đối với cơ sở chăn nuôi trên, người dân hàng ngày vẫn sống chung với ô nhiễm. Người dân chỉ biết trông chờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và trả lại môi trường sống trong lành như vốn có.

Tin, ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)

Theo Tin tức TTXVN

Ảnh: Hồ chứa nước thải sau xử lý bioga bốc mùi hôi thối khiến người dân bức xúc.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotintuc.vn/xa-hoi/nguoi-dan-buc-xuc-vi-cham-xu-ly-co-so-chan-nuoi-gay-o-nhiem-20190720111818305.htm