Luật sư trả lời về quyến kháng cáo, thời hạn kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Câu hỏi: Gia đình tôi hiện đang xảy ra tranh chấp di sản thừa kế, tôi có vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp. Ngày 6-10-2020, toà án nhân dân huyện đã tuyên án (bản án tôi gửi kèm theo email này). Tại bản án cho biết, thời hạn kháng cáo là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Tuy nhiên, ngày tuyên án tôi đã có Đơn đề nghị xin vắng mặt vì lý do công việc và đã đề nghị toà tiếp tục xử án theo đúng quy định. Hiện nay, tôi không đồng ý với nội dung của bản án thì cho tôi hỏi, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm hay không? Nếu có thì hiện nay tôi có quyền kháng cáo hay không?
Luật sư trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Hiện nay, tư cách tố tụng của bạn trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tức đương sự trong vụ án. Căn cứ vào Khoản 1 Điều 73 và Khoản 2 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về quyền của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì bạn có quyền: “Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này”.
Về thời hạn kháng cáo Bản án sơ thẩm dân sự: Căn cứ vào quy định tại Điều 173 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm thì:
“Điều 273. Thời hạn kháng cáo
- Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
- Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.
- Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.”
Theo quy định nêu trên, thì thời hạn kháng cáo đối với Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Do đó, bạn xem xét, tính toán về thời gian nhận được bản án của toà hoặc thời gian bản án được niêm yết công khai để biết rằng đã hết thời hạn kháng cáo hay chưa, để có thể thực hiện quyền kháng cáo hợp lệ, phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối vời trường hợp của bạn, nếu Bản án sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, khi đó Toà án cấp tỉnh sẽ xem xét, thụ lý và giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây. Luật gia: Lê Minh |
Ảnh: Ảnh minh họa. Nguồn tapchitoaan.vn