Hàng chục hộ dân huyện Vạn Ninh đã làm lồng bè, cắm cọc nuôi hàu trái phép trên vùng biển Vạn Giã, Vạn Lương kéo theo nhiều hệ lụy. Để trả lại hiện trạng, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm…
Lồng bè, cọc hàu san sát cản trở tàu thuyền
Đứng trên bờ kè biển thị trấn Vạn Giã, chúng tôi thấy hàng chục lồng bè nuôi thủy sản trái phép nằm san sát. Chỉ mất vài phút đi ghe là chúng tôi có thể tiếp cận khu vực lồng bè này. Đa số lồng bè được kết bằng tre, gỗ để nuôi hàu và cá. Bà Đào Thị Long – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư du lịch Nha Trang Đông Đô nói: “Khoảng 5 năm gần đây, lồng bè nuôi thủy sản mọc lên rất nhiều ở khu vực trước biển khiến tàu thuyền ra vào bến đò Vạn Giã gặp nhiều khó khăn. Chỉ cần sơ suất, thiếu quan sát là tàu thuyền vướng ngay vào lồng bè, nhẹ bị thủng tàu, còn nặng thì lật tàu. Với xu thế du lịch biển đảo đang phát triển mạnh ở Vạn Ninh, tàu thuyền ra vào chở khách tham quan sẽ tăng dần. Do vậy, chính quyền địa phương cần sớm giải quyết, trả lại luồng lạch thông thoáng cho tàu thuyền ra vào bến đò, bảo đảm tính mạng, tài sản cho người dân, du khách”.
Giáp thị trấn Vạn Giã, vùng biển khu vực xã Vạn Lương chi chít cọc nuôi hàu trái phép mà người dân cắm xuống biển, khoanh vùng thả nuôi. Trước đây, khu vực biển này chủ yếu đặt bẫy nhử tôm hùm. Khi phát hiện có hàu sinh sống, người dân đã cắm cọc nuôi, nhử hàu và ngày càng mở rộng. Lúc thủy triều xuống, trên mặt biển lộ ra bãi cọc hàu nhô lên như bãi chông. Khi thủy triều dâng, những chiếc cọc này chìm trong nước, trở thành cái bẫy tàu thuyền. Ông Lê Văn Kha – người dân ở thị trấn Vạn Giã cho biết, khu vực cửa sông Hiền Lương đã xảy ra không ít vụ tàu thuyền di chuyển vào cửa sông để tránh trú bão bị vướng vào cọc hàu, bị đâm thủng.
Người dân cố bám trụ
Ông Trần Thành Tiến – Phó Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết, nếu không cương quyết xử lý, để kéo dài tình trạng này sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Việc nuôi trồng thủy sản trái phép không chỉ ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, mà còn liên quan đến vấn đề kê khai, đền bù, hỗ trợ khi xảy ra thiên tai. Do vậy, địa phương sẽ cương quyết xử lý dứt điểm tình trạng này trong thời gian tới.
Gần 1 tháng qua, ông Dương Văn Lâm (xã Vạn Lương) đứng ngồi không yên vì không biết phải di chuyển lồng bè đi nơi đâu. Đứng trên bè hàu rộng gần 1.000m2, ông Lâm chia sẻ: “Biết việc làm lồng bè nuôi thủy sản ở đây là trái phép, lấn chiếm luồng lạch tàu thuyền, nhưng khu vực này nuôi hàu rất thuận lợi. Ở đây gần cửa sông, độ mặn thấp, sóng nhỏ, nhiều sinh vật phù du nên hàu phát triển rất nhanh. Gia đình tôi đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng làm lồng bè nuôi hàu, trong đó vay ngân hàng hơn 500 triệu đồng. Nếu chính quyền buộc di dời lồng bè đi nơi khác, coi như tài sản của gia đình sẽ mất trắng. Bởi vì, ở vùng nước Hòn Vung, Rạn Cỏ được quy hoạch nuôi thủy sản có độ mặn cao, sóng lớn không thích hợp nuôi hàu. Đã có không ít hộ kéo lồng bè ra đó nuôi thua lỗ vì hàu chết trắng. Do vậy, chính quyền địa phương cần xem xét, tạo điều kiện để người dân tiếp tục được nuôi trồng ở khu vực này”.
Tương tự, gia đình ông Huỳnh Văn Tý (thị trấn Vạn Giã) cũng không muốn di dời lồng bè nuôi hàu đi nơi khác. Ông Tý cho biết: “Bám trụ được ngày nào hay ngày đó, vì kéo bè đi nơi khác thì chắc chắn hàu chết. Tôi đã tìm hiểu rất kỹ, ở Vạn Ninh chỉ có khu vực biển trị trấn Vạn Giã và xã Vạn Lương mới thích hợp nuôi hàu. Gia đình tôi đã đầu tư tiền tỷ vào bè hàu còn chưa lấy lại được vốn. Năm 2017, cơn bão số 12 đã lấy đi tất cả tài sản của chúng tôi, bây giờ người dân đang dần khôi phục lại nghề nuôi biển. Do đó, chính quyền cần tính toán quy hoạch lại vùng nuôi hàu sao cho hợp lý, vừa tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, vừa không gây cản trở luồng lạch tàu thuyền, bảo đảm môi trường, mỹ quan”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, tại khu vực biển thị trấn Vạn Giã có gần 60 bè nuôi thủy sản trái phép trên diện tích khoảng 5ha; còn khu vực biển Vạn Lương có 50 hộ cắm cọc nuôi hàu trái phép trên diện tích khoảng 18,4ha với chiều dài gần 1km. Đa số lồng bè, cọc hàu là của người dân ở thị trấn Vạn Giã, xã Vạn Thắng, xã Vạn Lương thả nuôi. Vì tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan bãi biển nên nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã triển khai các phương án xử lý tình trạng này. Thế nhưng, người dân vẫn cố gắng bám trụ không muốn di dời đi nơi khác.
Cương quyết xử lý
Theo khảo sát của UBND xã Vạn Lương, ở khu vực biển gần bờ của xã có hơn 1,1 triệu cọc nuôi hàu. Phần lớn cọc bằng tre, gỗ có chiều dài từ 1,5m trở lên được cắm xuống đất sâu 0,5m; khoảng cách các cọc 0,5m và được buộc dây lại với nhau để nuôi, nhử hàu. Để xử lý tình trạng này, xã đã tiến hành lập biên bản hiện trạng và thông báo để người dân xác nhận, kê khai, tự tháo dỡ. Nhưng qua thời gian thông báo, không có tổ chức, cá nhân nào tới kê khai, xác nhận hành vi cắm cọc nuôi hàu. Trên cơ sở đó, địa phương ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và xây dựng kế hoạch cưỡng chế tháo dỡ cọc hàu trái phép.
Số cọc nuôi hàu đã nhổ đưa đi tiêu hủy.
Ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch UBND xã Vạn Lương cho biết: “Để tháo dỡ cọc hàu, địa phương phải thuê 1 tàu giã cào, 2 thúng chai và 12 nhân công dùng giây cáp buộc vào từng chiếc cọc kéo lên. Việc tháo dỡ rất vất vả và mất nhiều thời gian vì chỉ nhổ được khi thủy triều xuống. Đến nay, chúng tôi đã tháo dỡ được hơn 117.400 cọc và hơn 5 tấn lốp xe dùng để nhử hàu. Số lượng cọc hàu còn lại đều nằm trong khu vực lấn biển xây kè chống xói lở. Do vậy, địa phương sẽ nhờ các đơn vị thi công kè múc lên hoặc đổ đất chôn lấp. Sau khi kè hoàn thành, nếu ngoài mặt nước biển còn cọc hàu thì chúng tôi sẽ nhổ hết”.
Theo ông Nguyễn Hữu Trường – Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã, để xử lý lồng bè nuôi thủy sản trái phép trước biển Vạn Giã, nhiều năm qua địa phương đã liên tục tuyên truyền, vận động người dân di dời đi nơi khác. Thị trấn lập tổ công tác họp dân và mỗi tuần 2 lần trực tiếp ra tận lồng bè để tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được nuôi thủy sản ở đây. Địa phương đã lập biên bản xử phạt 1 trường hợp 30 triệu đồng. Thế nhưng, người dân vẫn cố bám trụ không chịu di chuyển lồng bè vào vùng quy hoạch. Vì vậy, UBND thị trấn buộc phải xây dựng kế hoạch cưỡng chế số lồng bè này. Theo đó, địa phương sẽ thực hiện 3 đợt cưỡng chế: Đợt 1 vào ngày 5-5, đợt 2 vào tháng 6 và đợt 3 vào tháng 7.
PHÚ AN – Báo Khánh Hòa
Theo Khánh Hòa
Xem bài viết gốc tại đây:
https://baokhanhhoa.vn/phong-su/202104/ngon-ngang-mot-vung-bien-8214543/