Nghiên cứu một số đặc điểm của rừng ngập mặn ven biển H.Tiên Lãng, TP.Hải Phòng

Nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc quản lý rừng ngập mặn (RNM) tại khu vực ven biển TP. Hải Phòng, nghiên cứu một số đặc điểm cấu trúc và tính chất thể nền của RNM ven biển huyện Tiên Lãng đã được thực hiện.

Dựa trên cơ sở đo chiều cao, đường kính thân cây, mật độ cây của 30 ô tiêu chuẩn và phân tích 180 mẫu đất đã cho kết quả như sau: RNM có mật độ trung bình 1.885 ± 132 cây/ha; Đường kính thân cây trung bình 19,9 ± 0,8 cm; Chiều cao cây trung bình 696,2 ± 29,2 cm. Đất RNM chủ yếu là đất cát pha và đất thịt pha cát; độ ôxy hóa khử (Eh) của đất dao động trong khoảng -109,6 ± 9,1 đến – 102.7 ± 7,3 mV; pH đất dao động từ 6,9 – 7,0; Dung trọng dao động trong khoảng 1,6 – 1,8 g/cm3; Hàm lượng N, P, K dễ tiêu trong đất RNM lần lượt là 6,1 ± 1,1 mg/100g và 55,0 ± 4,0 mg/kg, 620,3 ± 31,6 mg/kg; Hàm lượng các bon hữu cơ © trong đất RNM đạt giá trị 0,9 – 1,0 %; Hàm lượng Fe trong đất đạt giá trị 1.275,5 ± 256,5 mg/kg.

1.Đặt vấn đề

RNM là hệ sinh thái có năng suất sinh học cao, đặc trưng ở vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới. RNM không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đóng vai trò to lớn trong việc điều hòa khí hậu, chống gió bão, hạn chế xói lở, giữ phù sa, tạo điều kiện mở rộng đất liền lấn ra biển… Ngoài ra, RNM còn có khả năng tích lũy các bon, góp phần làm giảm khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu (Nguyễn Thị Hồng Hạnh và cộng sự, 2017) [3]. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều nơi diện tích RNM bị giảm, ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của sinh cảnh, còn do nguyên nhân chủ quan tác động từ con người làm diện tích và chất lượng RNM ngày càng giảm sút.

Huyện Tiên Lãng là huyện đồng bằng ven sông, ven biển nằm ở phía Tây Nam của TP. Hải Phòng với ba mặt giáp sông và một mặt giáp vịnh Bắc bộ. Khu vực ven biển Tiên Lãng không có đảo che chắn phía ngoài nên hàng năm chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ từ biển Đông, gây thiệt hại không nhỏ đến đời sống người dân và hơn 7 km đê quốc gia. Vì vậy, việc trồng, bảo vệ RNM ven biển được chính quyền cũng như nhân dân nơi đây đặc biệt coi trọng.

Quá trình sinh trưởng, phát triển của các loài cây ngập mặn bị ảnh hưởng nhiều bởi những nhân tố sinh thái vô sinh như đặc tính thể nền của rừng, địa hình vùng đất, chế độ thủy triều, thủy văn, khí hậu và các nhân tố hữu sinh khác (Saenger và cộng sự, 1993) [7]. Do đó, việc nghiên cứu một số đặc điểm cấu trúc của rừng như mật độ, đường kính thân, chiều cao cây và tính chất thể nền của RNM tại khu vực ven biển huyện Tiên Lãng có ý nghĩa thực tiễn, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho các nhà quản lý, phục hồi và bảo tồn RNM tại khu vực ven biển TP. Hải Phòng.

2. Phạm vi và phương pháp nghiên cứu

2.1. Phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện trong 2 đợt: Đợt 1 (từ tháng 7 – 12/2020) và đợt 2 (từ tháng 4 – 7/2021) tại RNM trồng ven biển các xã Đông Hưng, Tiên Hưng, Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. Hầu hết RNM khu vực nghiên cứu đều trên 20 tuổi (cây trồng từ năm 1997).

Nghiên cứu một số đặc điểm cấu trúc RNM như chiều cao, đường kính thân cây, mật độ cây; Tính chất lý học của thể nền (thành phần cơ giới, dung trọng, độ ôxy hóa khử (Eh), pH của đất); Tính chất hóa học của đất (hàm lượng nitơ (N), Photpho (P), Kali (K) dễ tiêu, các bon hữu cơ (C), Sắt (Fe) trong đất rừng).

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp bố trí thí nghiệm

Dọc theo chiều dài ven biển huyện Tiên Lãng, bố trí 30 ô tiêu chuẩn (ÔTC) (trong đó, xã Đông Hưng 13 ÔTC; Xã Tiên Hưng 7 ÔTC; Xã Vinh Quang 10 ÔTC), mỗi ô có diện tích 100 m2 (10 m × 10 m) (Nguyễn Thị Hồng Hạnh, 2009) [2]. Các ô tiêu chuẩn được mã hóa ký hiệu HPO.01, HPO.02, HPO.03… HPO.30. Sơ đồ vị trí lấy mẫu được thể hiện tại hình 1.

Nghiên cứu một số đặc điểm cấu trúc và tính chất thể nền của rừng ngập mặn ven biển huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng
Hình 1. Sơ đồ vị trí lấy mẫu

2.2.2. Phương pháp đo đạc, đánh giá một số đặc điểm cấu trúc của RNM

Đo đường kính thân cây tại vị trí cách mặt đất 0,3 m bằng thước dây đo đường kính (Forestry Suppliers Metric Fabric Diameter Tape Model 283d/5 m). Chiều cao thân cây được đo bằng thước mét, độ chính xác đến 5 cm, bắt đầu tính từ vị trí đo đường kính đến ngọn của cây. Tổng số lượng cây được đo đếm trong mỗi ÔTC (10 m × 10 m) được sử dụng để tính mật độ cây. Sau đó tính mật độ trung bình của các ÔTC (Kauffman, Donato, 2012) [5].

2.2.3. Phương pháp lấy và xử lý mẫu đất

Trong mỗi ÔTC, sử dụng khoan lấy mẫu đất của Mỹ với Modem HUNIwilde, có chiều dài 120 cm, được sử dụng để lấy mẫu đất lần lượt ở các độ sâu 0 – 20 cm; 20 – 50 cm; 50 – 100 cm. Sau đó đem mẫu đất về phòng thí nghiệm để xử lý và phân tích. Tổng số mẫu đất lấy cả 2 đợt là 180 mẫu.

2.2.4. Phương pháp phân tích các chỉ tiêu của đất

Phương pháp xác định giá trị các thông số chất lượng đất thực hiện theo Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 1/9/2017 của Bộ TM&MT về quy định kỹ thuật quan trắc môi trường. Phương pháp phân tích xác định đặc điểm hóa học của đất được thể hiện tại Bảng 1.

Bảng 1. Phương pháp xác định một số chỉ tiêu trong đất

STT Thông số Số hiệu tiêu chuẩn, phương pháp
1 N TCVN 6645:2000 (ISO 13878:1998)
2 P TCVN 8940:2011
3 K TCVN 8660:2011
4 C Phương pháp Chiurin
5 Fe TCVN 8246:2009 (EPA Method 7000B)
6 Eh TCVN 6650:2000 (ISO 11265:1994)
7 pH TCVN 4402:1987
8 Thành phần cơ giới đất TCVN 8567:2010

2.2.5. Phương pháp phân tích, thống kê và xử lý số liệu

Số liệu đo đếm tại thực địa và phân tích trong phòng thí nghiệm được tổng hợp, mô tả, so sánh bằng phần mềm Microsoft Excel 2018.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Đặc điểm cấu trúc của RNM

Kết quả nghiên cứu một số đặc điểm cấu trúc rừng như đường kính thân, chiều cao và mật độ cây được thể hiện ở Bảng 2.

Bảng 2. Đường kính thân, chiều cao, mật độ cây RNM ven biển

RNM Rừng thuần loài/Hỗn giao Ô tiêu chuẩn Mật độ (cây/ha) Đường kính (cm) Chiều cao (cm)
max TB min max TB min
Xã Đông Hưng Thuần loài bần chua HPO.01- HPO.13 1769 ± 218 32,3 20,6 ± 2,3 8,8 878,8 725,2 ± 80,6 405,7
Xã Tiên Hưng Thuần loài bần chua và rừng hỗn giao HPO.14- HPO.20 1857 ± 310 34,8 19,1 ± 4,1 5,7 904,5 666,9 ± 125,3 204,7
Xã Vinh Quang Thuần loài bần chua và rừng hỗn giao HPO.21- HPO.30 2030 ± 316 34,0 20,0 ± 3,9 5,7 905,3 696,6 ± 121,0 214,8
Trung bình HPO.01- HPO.30 1885 ± 132 33,7 ± 1,3 19,9 ± 0,8 6,7 ± 1,8 896,2 ± 15,1 696,2 ± 29,2 275,1 ± 113,1

3.1.1. Đặc điểm về mật độ cây: Kết quả nghiên cứu cho thấy, RNM ven biển huyện Tiên Lãng chủ yếu là rừng trồng thuần loài bần chua (Sonneratia caseolaris), riêng xã Tiên Hưng có 2 ÔTC, xã Vinh Quang có 1 ÔTC là rừng trồng hỗn giao trang (Kandelia obovata) và bần chua, mật độ cây rừng ít có sự khác biệt giữa các địa điểm nghiên cứu. RNM ven biển xã Vinh Quang có mật độ trung bình cao nhất với 2.030 ± 316 cây/ha, tiếp đến là RNM ven biển xã Tiên Hưng với 1.857 ± 310 cây/ha, thấp nhất là RNM ven biển xã Đông Hưng với 1.769 ± 218 cây/ha. Theo Phan Nguyên Hồng và cộng sự (1999) [4], bần chua trồng với mật độ 3 m × 3 m, còn rừng hỗn giao bần chua trồng với mật độ 5 m × 5 m, trồng xen với loài trang. Tuy nhiên, trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây rừng, một số cây bị chết do tác động của sóng, thủy triều, con Hà bám vào thân cây và sâu bệnh, do vậy mật độ cây giảm so với khi mới trồng.

3.1.2. Đặc điểm về chiều cao: Bảng 2 cho thấy, tại RNM xã Đông Hưng, chiều cao cây thấp nhất là 405,7 cm, cây cao nhất là 878,8 cm, chiều cao trung bình từ 725,2 ± 80,6 cm. RNM xã Tiên Hưng, chiều cao cây thấp nhất là 204,7 cm, cây cao nhất là 904,5 cm, chiều cao trung bình từ 666,9 ± 125,3 cm. RNM xã Vinh Quang, chiều cao thấp nhất là 214,8 cm, cây cao nhất là 905,3 cm, chiều cao trung bình là 696,6 ± 121,0 cm. So sánh chiều cao của cây ngập mặn tại các địa điểm nghiên cứu cho thấy, cây ngập mặn xã Đông Hưng thuần loài bần chua nên chiều cao cây khá đồng đều; Xã Tiên Hưng và xã Vinh Quang do có rừng hỗn giao trang và bần chua nên có sự chênh lệch nhiều về chiều cao cây.

3.1.3. Đặc điểm về đường kính thân: Kết quả nghiên cứu Bảng 2 cho thấy, đường kính trung bình thân cây RNM thuần loài bần chua tại xã Đông Hưng cao nhất (20,6 ± 2,3 cm); Đường kính trung bình thân cây RNM xã Tiên Hưng và Vinh Quang tương tự nhau, trung bình là 19,1 ± 4,1 – 20,0 ± 3,9 cm; Đường kính thân cây nhỏ nhất là cây trang (5,7 cm); Đường kính thân cây cao nhất là cây bần chua (từ 32,3 – 34,8 cm).

3.2. Đặc điểm tính chất thể nền của RNM tại khu vực nghiên cứu

3.2.1. Đặc điểm lý học

Kết quả đo đạc, phân tích về Eh, pH của đất trong các kiểu rừng được thể hiện ở Bảng 3.

– Thành phần cơ giới của đất: Kết quả nghiên cứu Bảng 3 cho thấy, có sự khác nhau giữa thành phần cấp hạt, đất RNM địa điểm nghiên cứu chủ yếu là đất cát pha và đất thịt pha cát. RNM xã Đông Hưng, đất từ độ sâu 0 – 100 cm; tỷ lệ cát chiếm 45,0 – 50,1 %; tỷ lệ limon 27,8 – 36,1 % và tỷ lệ sét là 18,9 – 22,1 %. RNM xã Tiên Hưng, độ sâu từ 0 – 100 cm; tỷ lệ cát 44,7 – 54,4%; tỷ lệ limon 25,1 – 38,2 % và tỷ lệ sét 17,1 – 21,9 %. Tương tự, RNM xã Vinh Quang, tỷ lệ cát 48,2 – 52,3 %; tỷ lệ limon 26,5 – 33,1 % và tỷ lệ sét chỉ chiếm 18,7 – 21,4%. Khu vực nghiên cứu thuộc huyện Tiên Lãng có địa hình ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, nên hàm lượng phù sa được bồi đắp liên tục; kết hợp có sự biến động tương đối lớn về dòng chảy và thuỷ triều nên hàm lượng cát ở đây khá cao, trung bình từ 49,2 – 50,7 %, thành phần limon chiếm từ 29,0 – 30,9% và tỷ lệ sét thường nhỏ hơn 20 %.

Bảng3.Thành phần cơ giới, dung trọng, Eh, pH của đất RNM

Đất RNM ven biển Độ sâu của đất (cm) Thành phần cơ giới Dung trọng (g/cm3) Eh (mV) pH
Cát (0,02-2,0mm)

(%)

Limon (0,002-0,02 mm) (%) Sét (%)
Đông Hưng 0-20 45,0 36,1 18,9 1,7 -98,2 6,9
20-50 52,5 28,6 18,9 2,0 -107,1 6,9
50-00 50,1 27,8 22,1 1,8 -120,0 7,0
TB 0-100 49,2 ± 3,8 30,9 ± 4,6 20,0 ± 2,0 1,8 ± 0,2 -108,5 ± 11,0 6,9 ± 0,1
Tiên Hưng 0-20 44,7 38,2 17,1 1,5 -95,0 6,9
20-50 54,4 27,3 18,3 1,7 -103,8 7,1
50-00 53,0 25,1 21,9 1,7 -109,4 7,2
TB 0-100 50,7 ± 5,2 30,2 ± 7,0 19,1 ± 2,6 1,6 ± 0,1 -102,7 ± 7,3 7,0 ± 0,1
Vinh Quang 0-20 48,2 33,1 18,7 1,8 -100,1 7,1
20-50 52,3 26,5 21,2 1,6 -110,7 7,0
50-00 50,3 28,3 21,4 1,9 -118,1 6,9
TB 0-100 50,0 ± 2,1 29,0 ± 3,6 20,4 ± 2,6 1,7±0,1 -109,6 ± 9,1 7,0 ± 0,1

– Dung trọng của đất (g/cm3): Dung trọng của đất là tỷ lệ trọng lượng của đất trên một đơn vị thể tích đất khô (g/cm3). Đất có độ rỗng lớn sẽ có dung trọng thấp, do đó, bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng đến độ rỗng sẽ ảnh hưởng đến dung trọng của đất. Dung trọng của đất có thể gia tăng do các điều kiện tự nhiên, hoặc do tác động của con người. Nhưng dù là nguyên nhân nào, khi đất có dung trọng cao cũng cản trở sự sinh trưởng, phát triển của rễ cây, độ thoáng khí của đất kém, nước và dinh dưỡng di chuyển chậm. Dung trọng của đất RNM ven biển các xã Đông Hưng, Tiên Hưng, Vinh Quang có sự khác biệt không nhiều dao động trong khoảng 1,6 – 1,8 g/cm3.

– Eh của đất: Kết quả nghiên cứu tại Bảng 3 cho thấy, Eh của đất không có sự khác nhau nhiều giữa các RNM, nguyên nhân có thể là do RNM phân bố ở khu vực ven biển huyện Tiên Lãng tương đồng về chế độ thuỷ triều, dẫn đến đất bị yếm khí lớn, Eh của đất có xu hướng giảm dần theo độ sâu tầng đất. RNM xã Đông Hưng, Eh của đất dao động từ – 120,0 đến – 98,2 đến mV; Đất RNM xã Tiên Hưng, giá trị Eh dao động từ – 109,4 đến – 95,0 mV; Đất RNM xã Vinh Quang, giá trị Eh dao động từ – 118,1 đến – 100,1 đến mV. Kết quả nghiên cứu và sự giảm dần Eh từ tầng trên xuống các lớp đất sâu hơn cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Hạnh (2009) [2]; Phạm Hồng Tính và cộng sự (2019) [8].

– pH của đất: Kết quả đo pH (Bảng 3) cho thấy, pH của đất khu vực nghiên cứu tương đối đồng đều, dao động trong khoảng 6,9 – 7,0. Nhìn chung, đất RNM khu vực ven biển huyện Tiên Lãng ở mức trung tính và kiềm nhẹ, thích hợp cho sự sinh trưởng của cây ngập mặn. Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Hạnh (2009) [2] khi nghiên cứu pH trong đất rừng trang (K. obovata) trồng tại xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

3.2.2. Đặc điểm hoá học của đất

Kết quả phân tích xác định hàm lượng N, P, K dễ tiêu, C và Fe trong đất rừng được thể hiện tại Bảng 4.

Hàm lượng N dễ tiêu trong đất: Hàm lượng N giảm dần rõ rệt theo độ sâu tầng đất, cụ thể, tại khu vực nghiên cứu, hàm lượng N tầng đất mặt 0 – 20 cm dao động trong khoảng 8,7 – 11,6 mg/100 g đất, đến tầng đất 20 – 50 cm, hàm lượng N dao động trong khoảng 5,1 – 8,2 mg/100 g, xuống đến tầng đất 50 – 100 cm, hàm lượng N giảm còn 3,3 – 3,7 mg/100 g.

​Bảng 4. Hàm lượng N dễ tiêu, P dễ tiêu, K dễ tiêu, C và Fe trong đất RNM

Đất RNM Độ sâu tầng đất (cm) N(mg/100g) P

(mg/kg)

K

(mg/kg)

C

(%)

Fe

(mg/kg)

Đông Hưng 0 – 20 11,6 85,6 767,0 1,4 1.614,2
20 – 50 8,2 64,3 699,1 1,1 952,7
50 – 100 3,7 28,5 496,1 0,6 669,5
Trung bình 0 – 100 7,8±3,9 59,5±28,9 654,1±140,9 1,0±0,4 1.078,8±484,8
Tiên Hưng 0 – 20 8,7 79,6 733,6 1,4 1.962,5
20 – 50 5,1 45,6 625,1 0,8 1.721,9
50 – 100 3,3 30,8 487,5 0,6 1.012,4
Trung bình 0 – 100 5,7±2,7 52,0±25,0 615,4±123,3 0,9±0,4 1.565,6±494,0
Vinh Quang 0 – 20 10,6 77,5 718,9 1,5 1.788,2
20 – 50 5,9 52,1 597,8 0,8 1.040,0
50 – 100 3,3 30,7 457,4 0,6 717,6
Trung bình 0 – 100 6,6±3,7 53,4±23,4 591,4±130,9 1,0±0,4 1.182,0±549,2

Hàm lượng P dễ tiêu: Hàm lượng P giảm dần theo độ sâu của đất, tầng đất mặt (0 – 20 cm) dao động trong khoảng 77,5 – 85,6 mg/kg; Tầng đất 20 – 50 cm dao động trong khoảng 45,6 – 64,3 mg/kg và P tiếp tục giảm ở tầng đất 50 – 100 cm, dao động trong khoảng 28,5 – 30,8 mg/kg.

Hàm lượng K dễ tiêu: Hàm lượng K trong đất cũng thay đổi theo độ sâu của đất, tầng đất 0 – 20 cm dao động trong khoảng 718,9 – 767,0 mg/kg; Ở độ sâu 20 – 50 cm giảm xuống 597,8 – 699,1 mg/kg và ở độ sâu 50 – 100 cm giảm còn 457,4 – 496,1 mg/kg.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng N, P, K trong đất RNM tập trung chủ yếu ở tầng đất mặt, có xu hướng giảm dần theo độ sâu của đất, điều này là do hàm lượng N, P, K trong đất RNM được cung cấp chủ yếu từ phù sa các cửa sông đưa ra, mùn bã hữu cơ của RNM và hệ động vật đáy vùng triều (Nguyễn Đức Cự, 1991) [1], đặc biệt là lượng thức ăn dư thừa từ hoạt động nuôi trồng thuỷ, hải sản. Mùn bã hữu cơ ở đây chính là thành phần vật rụng, thay đổi theo mùa, có mối tương quan với độ mặn nước ở trầm tích các tầng. So sánh với kết quả nghiên cứu tại RNM cửa Ba Lạt của Phạm Hồng Tính và cộng sự (2019) [8] cho thấy, kết quả nghiên cứu này tương tự nhau, tác giả nhận định hàm lượng N, P trong đất thường thấp hơn khoảng 10 lần so với hàm lượng K.

Hàm lượng C trong đất: Hàm lượng C trong đất giảm dần theo độ sâu của đất. Sự khác biệt về hàm lượng C trong đất ở các khoảng độ sâu 0 – 20 cm và 50 – 100 cm rất rõ rệt, càng xuống tầng đất phía dưới thì lượng C càng giảm. Tại các địa điểm nghiên cứu, hàm lượng C trong đất ở độ sâu 0 – 100 cm dao động trong khoảng 0,6 – 1,5 %, trung bình đạt giá trị 0,9 – 1,0 %. Sự tích lũy C trong đất RNM được hình thành từ 4 nguồn chính: Lượng rơi rụng của thực vật ngập mặn; Lượng phù sa bồi đắp từ các con sông; Trầm tích biển đưa vào và lượng mùn có trong rễ cây. Kết quả nghiên cứu này tương tự kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Hạnh và cộng sự (2017) [3]. Tác giả nhận định, hàm lượng C chủ yếu tập trung tại tầng đất mặt, càng xuống tầng đất sâu thì hàm lượng C càng giảm, nguyên nhân là do sự hô hấp kỵ khí của đất. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Fujimoto và cộng sự (2000) [6] khi nghiên cứu về hàm lượng C tích lũy trong đất RNM Cà Mau, Cần Giờ ở miền Nam Việt Nam. Tác giả cho biết, hàm lượng C tích lũy trong đất chủ yếu ở độ sâu 0 – 60 cm, lượng C tích lũy giảm dần ở các độ sâu tiếp theo.

Hàm lượng Fe trong đất: Bảng 3 cho thấy, hàm lượng Fe trong đất RNM tại xã Đông Hưng, Tiên Hưng và Vinh Quang có xu hướng giảm theo độ sâu của đất. RNM xã Đông Hưng, hàm lượng Fe trong đất giảm từ 1.614,2 mg/kg ở tầng đất 0 – 20 cm xuống còn 669,5 mg/kg ở tầng đất 50 – 100 cm. RNM xã Tiên Hưng, hàm lượng Fe trong đất giảm từ 1.962,5 mg/kg ở tầng đất 0 – 20 cm xuống còn 1.012,4 mg/kg ở tầng đất 50 – 100 cm. RNM xã Vinh Quang, hàm lượng Fe trong đất ở độ sâu 0 – 20 cm là 1.788,2 mg/kg, giảm xuống còn 717,6 mg/kg. Hàm lượng Fe trong đất RNM khu vực nghiên cứu trung bình là 1.275,5 ± 256,5 mg/kg. Cũng giống C, N, P, K trong đất rừng, hàm lượng Fe một phần được cung cấp từ sự phân huỷ lượng rơi (cành, lá… rụng của cây rừng), lượng phù sa từ các con sông, trầm tích từ biển và đặc biệt là lượng thức ăn dư thừa từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản.

4. Kết luận

RNM huyện Tiên Lãng chủ yếu là rừng thuần loài bần chua, một số ít địa điểm là rừng hỗn giao. Mật độ cây trung bình 1885 ± 132 cây/ha; Đường kính thân cây trung bình 19,9 ± 0,8 cm; Chiều cao cây trung bình 696,2 ± 29,2 cm.

Tính chất thể nền RNM tại các địa điểm nghiên cứu không có sự khác biệt nhiều, hàm lượng các chất chủ yếu tập trung ở tầng đất mặt và giảm dần theo chiều sâu của tầng đất.

– Về đặcđiểm vật lýcủa đất: Đất RNM địa điểm nghiên cứu chủ yếu là đất cát pha và đất thịt pha cá; Eh của đất dao động trong khoảng -109,6 ± 9,1 đến -102,7 ± 7,3 mV; pH đất dao động trong khoảng 6,9 – 7,0; Dung trọng của đất dao động trong khoảng 1,6 – 1,8 g/cm3.

– Về đặc điểm hóa học của đất: Hàm lượng N, P, K dễ tiêu trong đất RNM lần lượt là 6,1 ± 1,1 mg/100 g, 55,0 ± 4,0 mg/kg, 620,3 ± 31,6 mg/kg; Hàm lượng C đạt giá trị 0,9 – 1,0 %; Hàm lượng Fe đạt giá trị 1275,5 ± 256,5 mg/kg.

Lời cảm ơn: Nghiên cứu được hoàn thành dưới sự hỗ trợkinh phí của Đề tài mã số TNMT.2018.05.06.Các tác giả xin trân trọng cảm ơn.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh1*, Tạ Ngọc Linh2,

Phạm Hồng Tính1, Lê Đắc Trường1

1Trường Đại họcTài nguyên và Môi trường Hà Nội

2Học viên Cao học CH5A.QM, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đức Cự, 1991. Một số đặc điểm địa hóa trầm tích RNM ven biển miền Bắc Việt Nam. Tuyển tập TN&MT biển T.I, tr. 54 – 59.

2. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, 2009. Nghiên cứu khả năng tích luỹ các bon của rừng trang (Kandelia obovata Sheue, Liu & Yong) trồng ven biển huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. Luận án tiến sĩ sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

3.Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Chủbiên),Phạm Hồng Tính, 2017. Sách chuyên khảo “Định lượngcác bontrong RNM trồng vùng ven biển miền Bắc Việt Nam”. NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ.

4. Phan Nguyên Hồng (chủ biên), Trần Văn Ba, Viên Ngọc Nam, Hoàng Thị Sản, Vũ Trung Tạng, Lê Thị Trễ, Nguyễn Hoàng Trí, Mai Sỹ Tuấn, Lê Xuân Tuấn, 1999. RNM Việt Nam, NXB Nông nghiệp Hà Nội, 205 tr.

5. Kauffman J. B. and Donato D. C., 2012. Protocols for the measurement, monitoring and reporting of structure, biomass and carbon stocks in mangrove forests. Working Paper 86. CIFOR, Bogor, Indonesia.

6.Fujimoto K., Miyagi T., Adachi H., Murofushi T., Hiraide M., Kumada T., Tuan M. S., Phuong D. X., Nam V. N., Hong P. N., 2000. Belowground carbon sequestration of mangrove forests in Southern Vietnam, In: T. Miyagi (ed.) Organic material and sealevel change in mangrove habitat. Sendai, Japan, pp. 30-36.

7. Saenger P & Snedaker S. C., 1993. Pantropical trends in mangrove above – ground biomass and annual litterfall. Oecologia, 96(3): 293 – 299.

8. Phạm Hồng Tính, Võ Văn Thành, Lê Đắc Trường, Bùi Thị Thư, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, 2019. Một số đặc điểm lý, hóa học của đất RNM tại khu vực bãi bồi cửa Ba Lạt, tỉnh Nam Định và Thái Bình. Tạp chí NN&PTNT 5/2019: 216 – 222.

Research some structural characteristics and soil propertiesof the coastalmangrove forest in Tien Lang district, Hai Phong City

Nguyen Thi Hong Hanh1, *, Ta Ngoc Linh2, Pham Hong Tinh1,

Le Dac Truong 1.

1Hanoi University of Natural Resources and Environment

2Graduate student CH5A.QM

Summary

In order to provide a scientific basis for mangrove management in the coastal area of Hai Phong city, a study on some structural characteristics and soil properties of the coastal mangrove forest in Tien Lang district has been carried out. Based on the height measurement, trunk diameter, tree density of 30 standard plots and analysis of 180 soil samples gave the following results: The average density of mangroves is (1885 ± 132) trees/ha, average trunk diameter is (19.9 ± 0.8) cm, average tree height is (696.2 ± 29.2) cm. Mangrove soil is mainly sandy soil and sandy loam soil, soil Eh ranges from (-109.6 ± 9.1) to (-102.7 ± 7.3) mV, soil pH ranges from 6.9 to 7.0. The density of the soil ranges from 1.6 to 1.8 g/cm3. The easily digestible N, P, and K content in mangrove soil were (6.1 ± 1.1) mg/100g and (55.0 ± 4.0) mg/kg, (620.3 ± 31.6) mg/kg. The C content in mangrove soil reached values ​​of 0.9 – 1.0%. Fe content in soil reached the value (1275.5 ± 256.5) mg/kg.

Keywords:Tree density, stem diameter, tree height, soil properties.

Theo Tạp chí Môi trường