Nghiên cứu giải pháp ứng dụng gối cách chấn đàn hồi cốt sợi Frei

TS. Ngô Văn Thuyết cũng cho biết, gối cách chấn đàn hồi cốt sợi Frei có cấu tạo tương tự như gối cách chấn đa lớp thông thường, nhưng các lá thép được thay thế bởi các lớp sợi.

Ngày 23/9/2020, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng tư vấn đánh giá đã họp nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu hiệu quả cách chấn và đề xuất giải pháp ứng dụng gối cách chấn đàn hồi cốt sợi Frei áp dụng cho công trình dân dụng thấp tầng chịu tải trọng động đất ở Việt Nam” – mã số: RD 35-18, do Trường Đại học Thủy lợi thực hiện. Chủ tịch Hội đồng – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), TS. Lê Minh Long chủ trì cuộc họp. Theo TS. Ngô Văn Thuyết, chủ nhiệm đề tài, trong kỹ thuật giảm hư hỏng cho công trình chịu động đất, có nhiều phương pháp giảm chấn đã và đang được nghiên cứu, áp dụng trong đó có phương pháp giảm chấn thụ động. Đây là phương pháp giảm chấn mà nguồn năng lượng hoạt động của các thiết bị giảm chấn được lấy từ chính năng lượng dao động của bản thân công trình. Gối cách chấn đáy là một thiết bị phổ biến của phương pháp này. Trong đó, gối cách chấn đáy loại Frei là một loại gối cách chấn đa lớp mới, đang được nghiên cứu, phát triển trên thế giới trong gần hai chục năm qua. Ở Việt Nam, các trận động đất với cường độ cấp V trở lên (theo thang MSK-64) thi thoảng xảy ra ở các khu vực Bắc Bộ như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La; khu vực Trung Bộ như Nghệ An, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế,…Các khu vực này tập trung các công trình dân dụng thấp tầng của các khu dân cư. Vì vậy việc thiết kế giảm hư hỏng cho công trình thấp tầng chịu động đất ở đây là cần thiết. Tiêu chuẩn thiết kế công trình chịu động đất TCVN 9386:2012 đã đề cập đến sử dụng gối cách chấn đáy để giảm hư hỏng cho công trình chịu động đất. Tuy nhiên, các nghiên cứu về gối cách chấn đáy ở Việt Nam chủ yếu về loại gối cách chấn đa lớp thông thường. Hiện nay trên thế giới gối cách chấn đàn hồi cốt sợi đang được phát triển và được kì vọng áp dụng cho công trình dân dụng thấp tầng với chi phí rẻ hơn các phương pháp khác. Từ đó có thể thấy, đề tài “Nghiên cứu hiệu quả cách chấn và đề xuất giải pháp ứng dụng gối cách chấn đàn hồi cốt sợi Frei áp dụng cho công trình dân dụng thấp tầng chịu tải trọng động đất ở Việt Nam” là một đề tài mới có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, cần thiết được nghiên cứu.

TS. Ngô Văn Thuyết cũng cho biết, gối cách chấn đàn hồi cốt sợi Frei có cấu tạo tương tự như gối cách chấn đa lớp thông thường, nhưng các lá thép được thay thế bởi các lớp sợi. Ở đề tài này, nhóm nghiên cứu đã phân tích khả năng cách chấn về mặt kỹ thuật của gối cách chấn đàn hồi cốt sợi Frei áp dụng cho công trình dân dụng thấp tầng chịu động đất ở Việt Nam bằng mô hình số. Theo đó, đề tài đã nghiên cứu tổng quan về phương pháp giảm chấn thụ động sử dụng thiết bị cách chấn đáy (gối cách chấn đáy) cho công trình thiết kế chịu động đất, các loại gối cách chấn đáy và tình hình sử dụng gối cách chấn đáy để giảm hư hỏng cho công trình dân dụng khi động đất xảy ra. Cùng với đó, đề tài cũng đã nghiên cứu về động đất, nguyên nhân và thiệt hại do động đất gây ra trên công trình dân dụng và các biện pháp kháng chấn cho công trình đang áp dụng ở Việt Nam. Qua nghiên cứu, nhóm tác giả thực hiện đề tài đã biên soạn tài liệu hướng dẫn việc lựa chọn kích thước gối cách chấn đàn hồi cốt sợi Frei sử dụng cho công trình dân dụng thấp tầng chịu động đất ở Việt Nam theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ ASCE 7-05. Nhận xét về đề tài, hai ủy viên phản biện là PGS.TS. Đinh Văn Thuật (Trường Đại học Xây dựng) và TS. Đỗ Tiến Thịnh (Viện Khoa học công nghệ xây dựng – Bộ Xây dựng) cùng các thành viên Hội đồng đánh giá, đề tài đạt yêu cầu về chất lượng khoa học với sự nghiên cứu nghiêm túc của nhóm tác giả thực hiện, đảm bảo đủ số lượng và khối lượng các sản phẩm theo hợp đồng. Kết quả của đề tài bao gồm: báo cáo tổng kết; biên soạn tài liệu hướng dẫn việc lựa chọn kích thước gối cách chấn đàn hồi cốt sợi Frei sử dụng cho công trình dân dụng thấp tầng chịu động đất ở Việt Nam theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ ASCE 7-05; xuất bản 5 bài báo đăng trên tạp chí trong nước và 01 bài báo tiếng Anh đăng trên tuyển tập hội thảo trong nước. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra một số ý kiến góp ý, thảo luận với chủ nhiệm đề tài nhằm hoàn thiện nhiệm vụ.

Phát biểu kết luận cuộc họp, TS. Lê Minh Long – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường đánh giá cao công sức của nhóm thực hiện và kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài “Nghiên cứu hiệu quả cách chấn và đề xuất giải pháp ứng dụng gối cách chấn đàn hồi cốt sợi Frei áp dụng cho công trình dân dụng thấp tầng chịu tải trọng động đất ở Việt Nam”. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu, với kết quả xếp loại Khá.

Tùng Anh

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Hội đồng tư vấn đánh giá

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.moitruongvadothi.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nghien-cuu-trao-doi/nghien-cuu-giai-phap-ung-dung-goi-cach-chan-dan-hoi-cot-soi-frei-a77353.html