Nghe giá điện tăng… nỗi buồn đã xa xăm

Trước thông tin, dự kiến trong tháng 3/2019, giá bán lẻ điện trên cả nước sẽ tăng khoảng 8,36% (từ 1.720 đồng/KWh lên 1.864 đồng/KWh), nhiều người lao động đã bày tỏ sự lo lắng bởi tăng giá điện tức là sẽ tăng chi phí sinh hoạt. Chưa kể, giá điện tăng có thể kéo theo giá thực phẩm, tiền nước, tiền phòng trọ… tăng, khiến cho cuộc sống của những người lao động có thu nhập thấp ngày càng khó khăn hơn.

Lại thêm nỗi lo

Trong cuộc gặp gỡ với công nhân lao động các tỉnh đồng bằng sông Hồng cách đây chưa đầy một năm, sau khi lắng nghe ý kiến phản ánh của người lao động, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng phải đảm bảo cho người lao động ngoại tỉnh thuê trọ được hưởng giá bán điện đúng quy định.

Ngay sau chỉ đạo đó, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, không ít người lao động thuê trọ đã được chủ nhà trọ giảm giá điện, được đóng tiền điện theo đúng giá quy định. Nhờ đó, chi phí sinh hoạt của người lao động thuê trọ cũng giảm đi phần nào, chất lượng cuộc sống được nâng lên.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi họ lại đón nhận thông tin dự kiến trong tháng 3/2019, giá bán lẻ điện trên cả nước sẽ tăng khoảng 8,36%. Giá điện tăng tức là chi phí sinh hoạt sẽ tăng, chưa kể, giá điện tăng có thể kéo theo giá thực phẩm, tiền nước, tiền phòng trọ… tăng, khiến cho cuộc sống của những người lao động có thu nhập thấp ngày càng khó khăn hơn.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, vừa qua phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đã được Chính phủ chấp thuận. Theo đó, dự kiến trong tháng 3/2019, giá bán lẻ điện trên cả nước sẽ tăng khoảng 8,36% (từ 1.720 đồng/KWh lên 1.864 đồng/KWh).

Lý giải về quyết định điều chỉnh giá điện, đại diện Bộ Công Thương cho biết, hiện mức tiêu thụ điện ở Việt Nam đã tăng lên 10%, trong khi đó các dự án điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện. Vì thế, ngành điện phải huy động các nguồn điện có giá cao từ khí, dầu, than.

Ngoài ra, những biến động của nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và các tác động từ phí bảo vệ môi trường, tỉ giá… đã làm EVN tăng chi phí lên hàng ngàn tỉ đồng.

Do đó, phải điều chỉnh tăng giá điện và phương án giá điện năm 2019 tăng thêm 8,36% đã bao gồm các chi phí đầu vào có tác động đến giá điện. Trong kịch bản điều hành giá điện năm 2019, riêng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách vẫn được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Chị Vũ Thị Hà, công nhân đang làm việc tại KCN Phú Nghĩa bày tỏ lắng khi nghe tin giá điện sắp tăng. Theo chị Hà, vì diện tích phòng trọ chưa đầy 10 m2, không thể ở ghép được nên chị chấp nhận ở một mình với giá phòng là 600.000 đồng/tháng. Trước đây chị phải chịu giá tiền điện là 3.000đồng/KWh nhưng từ tháng 7/2018 chủ nhà trọ đã giảm tiền điện xuống 2.500 đồng/KWh.

Giảm là thế nhưng hàng tháng chị vẫn phải trả khoảng 300.000 đồng tiền điện, tính cả tiền phòng trọ, tiền nước, tiền mạng, tiền rác thải… trung bình một tháng chị phải đóng là 1.200.000 đồng. Trong khi đó, lương hàng tháng của chị cũng chỉ đạt mức 5.000.000 đồng không hơn, trừ tiền phòng, tiền ăn uống, chưa kể các khoản chi tiêu khác, có tháng chị không dư đồng nào. Bây giờ, tiền điện lại tăng, rồi các thứ khác cũng rục rịch tăng theo thì chắc chắn đồng lương công nhân không gánh nổi.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, chị Hà vừa lau chiếc quạt cho đỡ bụi để chuẩn bị sử dụng trong mùa nắng nóng sắp tới. Khi được hỏi, chỉ với chiếc quạt cũ kỹ như thế liệu có đủ để giúp chị xua tan cái nóng như thiêu đốt của mùa hè, chị Hà cười nói: “Không đủ thì mình cũng phải chịu, cùng lắm là lại xin làm tăng ca để về muộn. Như năm ngoái, cứ khoảng 8 – 9 giờ tối tôi từ công ty về, lúc đó phòng trọ cũng đã dịu hơn, chứ về vào lúc 6 giờ chiều thì chẳng khác gì chui vào lò bát quái, lúc đó có 10 cái quạt cũng không ăn thua. Thú thực là, khi chủ nhà trọ giảm giá điện xuống còn 2.500 đồng/KWh, tôi cũng định dành dụm để có tiền mua cái quạt hơi nước nhằm ứng phó với mùa nắng nóng sắp tới. Nhưng nghe thông tin giá điện lại sắp tăng, chắc tôi từ bỏ luôn ý định, vì chắc chắn lượng điện tiêu thụ sẽ tăng, chi phí sinh hoạt lại đội lên và đồng tiền dư dả lại hụt đi.”

Trò chuyện với nhiều người lao động về việc sắp tăng giá điện, chúng tôi biết được, không riêng chị Hà mà nhiều người khác cũng bày tỏ sự lo lắng khi mùa nắng nóng sắp tới, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng cao. Trong khi, giá điện tăng thì chi phí sinh hoạt cũng sẽ tăng.

Anh Nguyễn Văn Huân, công nhân đang làm việc tại KCN Thăng Long chia sẻ, từ sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo cho người lao động thuê trọ được hưởng giá điện theo đúng quy định, gia đình anh đã được chủ nhà trọ đồng ý cho lắp công tơ điện riêng và trực tiếp đóng tiền điện cho bên công ty điện lực. Chính vì thế, hàng tháng số tiền chi trả cho tiền điện mà gia đình anh phải trả thấp hơn rất nhiều so với thời điểm phải chịu 3.000 đồng/KWh.

“Vợ tôi mới sinh cháu và xác định hai mẹ con sẽ ở phòng trọ chứ không về quê nên tôi có dự định sẽ lắp điều hòa để hai mẹ con không phải chịu cảnh nắng nóng trong mùa hè sắp tới. Khi biết thông tin giá điện tăng, tôi cũng thấy lo lắng, vì chắc chắn khi sử dụng điều hòa, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng đáng kể, cộng thêm giá điện tăng thì chi phí sinh hoạt của gia đình cũng tăng theo.

Trong khi bây giờ, tôi là lao động chính, lương tháng trung bình khoảng 8 triệu, trừ tất cả các khoản chi phí trong tháng, nhiều khi còn âm. Nhưng tôi sẽ cố gắng, có thể là xin làm tăng ca hoặc làm thêm ở ngoài để có tiền trang trải cho cuộc sống và đảm bảo cho vợ con có điều kiện sinh hoạt tốt nhất có thể” – anh Huân chia sẻ.

Lại phải “cách mạng” chi tiêu…

Với nhiều người lao động, không chỉ tiền điện mà bất cứ thứ gì tăng giá cũng đều khiến họ cảm thấy ớn lạnh, bởi đồng lương eo hẹp của họ chỉ có thế, trong khi mọi thứ đều tăng thì họ sẽ phải cắt giảm các khoản chi tiêu để cân đối. Và một trong những khoản người lao động nghĩ tới khi quyết định cắt giảm chi tiêu đó là tiền ăn.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Văn Cảnh, công nhân đang làm việc tại KCN Phú Nghĩa cho biết, mỗi lần nghe thấy từ “tăng giá” là anh lại thấy lạnh người. Mới đây, khi giá xăng tăng, anh cũng đã phải cân đo đong đếm rất nhiều vì mỗi tháng anh phải chi khoảng 250.000 đồng tiền xăng xe đi lại.

“Vì vợ tôi mới sinh con nên hai vợ chồng thuê trọ ở Hà Đông cho gần nhà bố mẹ vợ, tiện nhờ ông bà thi thoảng trông nom. Mỗi ngày quãng đường đi làm của tôi khoảng 20 km cả đi cả về, tính ra trung bình một tháng hết hơn 200.000 đồng tiền xăng. Giờ giá xăng tăng, khoản tiền này sẽ lại đội lên, vậy nên, tôi đang tính chuyển sang đi xe buýt, dù phải đi sớm về muộn một chút nhưng đổi lại sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá so với đồng lương công nhân” – anh Cảnh bày tỏ.

Còn với chị Vũ Thị Loan, công nhân đang làm việc tại KCN Nội Bài thì bày tỏ quan ngại, xăng đã tăng giá, tiền điện chuẩn bị tăng và rất có thể giá thực phẩm, giá thuê phòng trọ, tiền nước… cũng sẽ tăng theo. Trong khi đó, đồng lương thì cứ mãi eo hẹp, để có thể cân đối được chi tiêu, nhiều người đã phải cắt xén rất nhiều khoản chi như mua sắm, thậm chí là tiền ăn.

“Mỗi lần giá điện, giá xăng hay giá thực phẩm tăng là một cuộc xáo trộn lớn trong chi tiêu của gia đình tôi, tôi phải cắt xén mỗi thứ một ít để cân đối chi tiêu, chứ cứ chi tiêu như cũ thì tiền lương sẽ không có đủ để trang trải. Sắp tới, tiền điện chắc chắn là tăng, biết đâu tiền nước, tiền phòng, tiền ăn học của các con… cũng “tát nước theo mưa” mà tăng theo. Chỉ còn một thứ có thể giảm là tiền ăn của gia đình tôi, có lẽ, tôi sẽ cắt giảm tiền đi chợ, thay vì trung bình 70.000 đồng/bữa cho 4 người ăn, tôi sẽ giảm xuống 50.000 đồng/bữa” – chị Loan buồn bã nói.

Mai Quý – Báo LĐTĐ

Theo Lao Động Thủ Đô

Ảnh: Giá điện tăng kéo khiến người lao động có thêm nhiều nỗi lo

Xem bài viết gốc tại đây:

http://laodongthudo.vn/nghe-gia-dien-tang-noi-buon-da-xa-xam-88410.html