Sáng ngày 27/03, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, UBND xã Yên Hợp tổ chức Hội thảo tập huấn đầu vườn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca cho bà con.
Đến tham dự hội thảo có ông Lê Ngọc Trường Phó tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, bà Võ Hà Phương Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – Chi nhánh tỉnh Nghệ An, ông Dương Tiến Thành Chủ tịch Chi hội Mắc ca Nghệ An – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bảo Ngọc và lãnh đạo xã Yên Hợp cùng đông đảo bà con nông dân.
Ông Lê Ngọc Trường Phó tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam giải đáp các thắc mắc của người dân về cây mắc ca. |
Tại hội thảo, ông Lê Ngọc Trường Phó tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phát biểu: “Hiệp hội Mắc ca đã đi khảo sát tại các vùng tại Nghệ An và đã xác định các huyện của phía Tây Nghệ An rất thích hợp để phát triển cây mắc ca. Chúng tôi trăn trở một điều tại sao bà con trồng các loại cây được mùa thì mất giá và được giá thì mất mùa. Với triết lý gắn kinh doanh vào trách nhiệm xã hội thì các lãnh đạo đã suy nghĩ phải tìm loại cây nào đó để bà con thoát nghèo vươn lên làm giàu và chúng tôi chọn cây mắc ca. Lý do chúng tôi chọn cây mắc ca vì không phải tất cả các quốc gia ở trên thế giới đều trồng được cây mắc ca này. Trên thế giới chỉ có 15 nước trồng được cây mắc ca và Việt Nam là một trong số những nước đó. Từ một hạt mắc ca chúng ta chế biến ra rất nhiều loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao, hạt mắc ca rất dễ bảo quản và chế biến. Khí hậu của nước ta khá phù hợp để trồng cây mắc ca đặc biệt là các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc. Ngoài ra thì các tiểu vùng khí hậu tại các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa chúng ta đều có thể trồng được, chúng tôi đã đi khảo sát và đánh giá ở khu vực Quỳ Hợp là vùng phù hợp để trồng cây mắc ca”.
Chuyên viên Hiệp hội Mắc ca Việt Nam giới thiệu các sản phẩm làm từ cây mắc ca, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca. |
Theo đó gần 300 hộ dân tham gia hội thảo tập huấn đã được tìm hiểu về các thông tin liên quan đến cây mắc ca như: nguồn gốc xuất xứ; tiềm năng phát triển; thị trường tiêu thụ; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cây mắc ca…Các chuyên gia kỹ thuật Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng giới thiệu các sản phẩm được làm từ cây mắc ca.
Các sản phẩm và cây giống mắc ca. |
Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cũng giới thiệu về gói cho vay ưu đãi dành cho các nông hộ và doanh nghiệp muốn đầu tư, phát triển cây mắc ca. Các hộ dân thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan như: cây giống, liên kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ vốn…
Ông Dương Tiến Thành – Chủ tịch Chi hội Mắc ca Nghệ An, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bảo Ngọc cho biết thêm: “Công ty đã được Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam giao cho làm vườn ươm cây giống mắc ca, giống cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống cây đầu dòng và thường xuyên kiểm tra. Hiện nay có nhiều loại giống cây mắc ca trôi nổi trên thị trường không đảm bảo chất lượng, người dân mua về trồng không mang lại hiệu quả, giá thành lại cao. Chi hội Mắc ca tỉnh Nghệ An đã khuyến cáo cho bà con nhân dân chỉ trồng cây giống mắc ca của các đơn vị đã được Hiệp hội Mắc ca Việt Nam kiểm soát, chỉ định thì trồng mới có hiệu quả”.
Người dân thảo luận về phát triển cây mắc ca. |
Sau buổi tập huấn, các đại biểu đã tham quan trực tiếp mô hình trồng cây mắc ca của gia đình ông Trần Văn Ngọc, xã Yên Hợp.
“Qua tìm hiểu thấy cây mắc ca này thuộc dạng cây dễ trồng, đất tại vườn của tôi đã sử dụng trồng rất nhiều loại cây khác trong nhiều năm và hiện tại tôi đầu tư trồng cây mắc ca ở đây vẫn phát triển rất tốt, nguồn vốn đầu tư không phải là lớn như các loại cây khác. Nắm bắt được thông tin thì 5 năm sau cây sẽ có quả và sản phẩm đầu ra dễ tiêu thụ và giá thành lại cao. Chính vì vậy gia đình tôi đã tập trung cao độ vừa trồng xen canh với cây cam, để khi không thu hoạch cam nữa thì sẽ có thu nhập từ cây mắc ca này. Giống cây được lấy từ vườn ươm của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bảo Ngọc. Quá trình trồng thì cây mắc ca phát triển rất đều, nói thật bản thân tôi cũng chưa chăm sóc được như theo kỹ thuật của Hiệp hội Mắc ca nhưng cây vẫn sinh trưởng rất tốt”, ông Ngọc chia sẻ.
Giống cây mắc ca của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam kiểm soát, chỉ định đều có mã tên giống cây, nguồn gốc nơi vườn ươm. |
Cây mắc ca được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là một trong 20 loài cây lâm nghiệp chính. Khi trồng cây không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều, thời gian khai thác kinh tế khoảng 40 – 60 năm giúp giữ gìn bảo vệ môi trường xanh. Là cây lâm nghiệp đa mục đích, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, tái tạo rừng, mang lại nguồn kinh tế cho nhân dân, giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Tại Việt Nam, có khoảng 23 tỉnh thành trồng cây mắc ca với tổng diện tích hiện nay vào khoảng 20 nghìn ha.
Các đại biểu đã tham quan trực tiếp mô hình trồng cây mắc ca của gia đình ông Trần Văn Ngọc |
Hội thảo tổ chức tập huấn đầu vườn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca tại Nghệ An đã diễn ra thành công tốt đẹp. Nhiều ý kiến tâm huyết đã đưa ra một số kết luận sát với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, các đại biểu khẳng định cây mắc ca vẫn phát triển được và cho hiệu quả kinh tế cao tại Nghệ An. Sau hội thảo cũng mong rằng UBND tỉnh Nghệ An, Sở NN&PTNT, các huyện, xã có những kế hoạch cụ thể, để cùng bà con phát triển cây mắc ca hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Tiến Dũng
(Theo Môi trường & Đô thị)
Ảnh: Các đại biểu cùng toàn thể bà con nhân dân tham dự hội thảo.