Nhiều năm qua, người dân ở cạnh cảng cá Lạch Vạn phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Rác thải với đủ chủng loại đổ tràn lan, nước thải từ bến cá lênh láng khắp nơi rồi chảy xuống biển. Vỏ ốc, vỏ sò cũng đổ lấn xuống bờ lạch gây bồi lấp và ô nhiễm môi trường.
Đổ vỏ sò, vỏ ốc gây bồi lắng
Có mặt tại cảng cá Lạch Vạn vào những ngày đầu năm 2021, một mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc, nguyên nhân phần lớn là do vỏ sò, vỏ ốc bị đổ tràn lan tại hai bên cảng cá Lạch Vạn và dọc mép dòng sông Lạch Vạn từ nhiều tháng nay. Số vỏ ốc này đổ chất thành đống với số lượng rất lớn, kéo dài trên tuyến đường ra vào cảng cá Lạch Vạn và khu vực rừng ngập mặn, đặc biệt là đoạn từ xóm Yên Quang đến xóm Đông Lộ của xã Diễn Ngọc.
Theo nhiều ngư dân, vào những ngày này, trung bình mỗi tàu đi khai thác ốc dùi mang về hàng vài tấn. Sau khi được đưa lên bờ, có đến khoảng một nửa phải loại ra vì lẫn vỏ sò, vỏ ốc chết và một phần ốc dùi nhỏ cũng không được thương lái thu mua. Ốc dùi sau khi được phân loại sẽ được nhập cho các thương lái, số vỏ sò, vỏ ốc dùi nhỏ bị thải loại được tập kết thành từng đống và được đổ tràn lan ở nhiều nơi.
Số lượng lớn vỏ sò, vỏ ốc đổ gây bồi lắng và ô nhiễm |
Chị Hoàng Thị Tấm, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu phản ánh với PV rằng: Khi tàu cập bến, sau khi phân loại, số lượng lớn vỏ ốc, vỏ sò được các chủ tàu thuyền đổ ngay xuống khu vực hai bên cảng cá Lạch Vạn và xuống sông, mùi hôi thối nồng nặc. Số lượng vỏ ốc ngày càng lớn được đổ tràn xuống cả lòng sông, gây cản trở dòng chảy, các tàu thuyền tại cảng cá Lạch Vạn vì thế cũng gặp nhiều khó khăn khi ra vào khu vực này để neo đậu.
Mặc cho cơ quan chức năng đã đặt biển cấm đổ rác, vỏ sò, vỏ ốc |
Cũng theo người dân nơi đây phản ánh, vỏ sò, vỏ ốc rất khó phân hủy vì rất cứng nên khi đổ chất đống và tràn xuống sông, xuống biển thì chẳng khác nào một hình thức “lấn sông, lấn biển”. Vô hình chung, các ngư dân thiếu ý thức này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn vô tình “chặn” luôn cả đường ra, vào cửa biển tàu thuyền của chính họ. Cũng cần phải nói thêm rằng, hàng năm, do tình trạng bồi lấp cửa lạch, bờ sông ảnh hưởng đến hoạt động của tàu cá nên nhà nước đã bỏ ra kinh phí nhiều tỷ đồng để nạo vét, xử lý hiện tượng trên.
Sống chung với ô nhiễm
Không chỉ đổ vỏ ốc, vỏ sò gây ô nhiễm và bồi lắng bờ sông, lạch biển. Lâu nay tình trạng đổ rác thải bừa bãi, để nước thải từ quá trình vận chuyển cá, thau rửa tàu thuyền chảy tràn xuống biển cũng đang khiến cho môi trường tại cảng cá Lạch Vạn thêm phần ô nhiễm trầm trọng.
Ô nhiễm nghiêm trọng tại cảng cá Lạch Vạn |
Đang phơi cá ven sân cảng Lạch Vạn này cùng con gái, bà Trần Thị Thủy, ở xã Diễn Ngọc, cho biết: Rác thải tại khu dân cư thì cứ 2-3 ngày đã có đơn vị mà xã hợp đồng đến thu gom để xử lý. Còn lượng rác thải tràn lan ở ven bờ lạch chủ yếu là do một số người dân thiếu ý thức đổ trộm hoặc những người đi vào cảng vào ban đêm hoặc sáng sớm đổ ra. Ngoài ra có một số là do khi có mưa bão thì sóng đưa từ nơi khác về.
Rác thải đủ chủng loại đổ lấn ra cảng cá |
Theo ghi nhận của PV, suốt dọc chiều dài hàng ki lô mét từ sông Lạch Vạn đến cảng cá nơi nào cũng tràn lan rác thải với đủ chủng loại. Rác thải từ chặt cành, lá cây cũng được đổ tràn lan xuống ven bờ biển. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là các loại rác như bao bì xác rắn, túi ni lon, vỏ chai nhựa, thậm chí bóng đèn điện và nhiều loại rác thải thuộc diện khó phân hủy khác cũng được tuồn xuống bờ lạch không thương tiếc. Rác thải chất đống khắp nơi nhưng không hề được xử lý nên phân hủy bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Đủ chủng loại rác |
Chưa hết, hàng chục tàu cá ra vào cảng hàng ngày nên qúa trình giao hàng xuống cảng xong là tiến hành thau rửa, vệ sinh tàu thuyền. Quá trình vệ sinh, lau rửa đã khiến cho một lượng nước thải lớn bị đổ thẳng xuống môi trường biển. Ngoài ra, hàng chục, hàng trăm tấn cá được bốc dỡ lên bến cảng, sau khi giao cho các thương lái xong thì tiến hành rửa sân cảng nên nước thải bẩn từ đó cũng được tuồn thẳng xuống biển.
Rác thải tấn công cảng cá khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng |
Đứng quan sát những hoạt động này, PV không khỏi ngán ngẩm khi nước biển ở cảng cá Lạch Vạn đã chuyển thành màu đen sẫm, rác thải lềnh phềnh khắp nơi, mùi hôi tanh bao trùm cả khu vực.
Nước thải đen ngòm vô tư chảy xuống biển |
Theo lãnh đạo Cảng cá Lạch Vạn cho biết, trung bình mỗi ngày cảng cá Lạch Vạn có khoảng 50 đến 60 tàu của ngư dân các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích và một số ít xã Diễn Kim ra, vào cảng để bốc dỡ hải sản và tiếp nhiên liệu đi biển. Việc ngư dân khai thác ốc dùi và đổ tràn lan tại hai bên cảng cá Lạch Vạn, dọc các bờ sông Lạch Vạn đã diễn ra từ khoảng giữa năm 2020 đã gây ô nhiễm môi trường và làm bồi lắng, ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Lạch Vạn. Cảng đã phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền và xử lý các trường hợp vi phạm để bảo vệ môi trường và ngăn chặn bồi lấp.
Cảng tượng ô nhiễm bao trùm cảng cá |
Theo một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An thì việc cảng cá ô nhiễm là trách nhiệm của Ban quản lý cảng cá Nghệ An và Sở NN&PTNT tỉnh. Họ là đơn vị chủ quản nên phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, tránh gây ô nhiễm. Mặt khác, nếu có phản ánh về ô nhiễm môi trường mà báo chí phản ánh thì Chi cục sẽ cho tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh để yêu cầu các bên có trách nhiệm vào cuộc, xử lý làm cho môi trường trong sạch trở lại.
Đình Tiệp – Báo TNMT
Theo Tài nguyên & Môi trường
Ảnh: Vỏ sò, vỏ ốc đổ tràn lan
Xem bài viết gốc tại đây:
https://baotainguyenmoitruong.vn/nghe-an-o-nhiem-nghiem-trong-tai-cang-ca-lach-van-319153.html