Nghệ An: Nan giải xử lý ô nhiễm tại cụm công nghiệp

Nghệ An- địa phương còn nhiều khó khăn nên những năm qua đưa ra hàng loạt chính sách thu hút đầu tư, xây dựng cụm công nghiệp (CCN). Tuy nhiên thực tế nhiều CCN được hình thành theo kiểu nửa vời, cơ sở hạ tầng như hệ thống xử lý môi trường của nhiều CCN bị thiếu, nhiều nơi đã xuống cấp trầm trọng, xả thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm.

10/23 CCN có hệ thống xử lý nước thải

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 53 CCN được quy hoạch. Trong đó, có 24 CCN đã thu hút được khoảng trên 250 doanh nghiệp đi vào đầu tư sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%.

Riêng TP. Vinh có 5 CCN, bao gồm: CCN Hưng Đông 1, Hưng Đông 2, Đông Vĩnh, Hưng Lộc, Nghi Phú; hay huyện Quỳ Hợp nhiều nhất khi có đến 9 CCN với khoảng trên dưới 100 cơ sở sản xuất, bao gồm các CCN Thung Khuộc, Châu Quang, Châu Hồng, Thọ Sơn 1, Thọ Sơn 2, Châu Lộc, Đồng Lèn, Đồng Cạn và CCN 5 xóm Đồng Hợp.

Ngoài ra, tại huyện Diễn Châu hiện nay có 2 CCN đang hoạt động, đó là CCN Diễn Hồng và CCN Tháp – Hồng – Kỷ.

Bên cạnh đó, có một số dự án đầu tư chưa phù hợp hoặc thiếu tính bền vững như CCN Diễn Hồng (Diễn Châu), CCN Thị trấn Đô Lương, CCN Đông Vĩnh, Hưng Lộc (TP. Vinh)… quy hoạch sát khu dân cư, thường xuyên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường do thiếu hệ thống xử lý nước thải, rác thải.

Đơn cử, CCN Hưng Lộc (TP. Vinh) có quy mô 8,89 ha thu hút 11 doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, thời gian qua, mặc dù các doanh nghiệp đã nỗ lực trong công tác cải thiện môi trường nhưng vẫn chưa triệt để. Người dân 2 xóm Hòa Tiến, Mỹ Hạ (xã Hưng Lộc, TP. Vinh) nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng về vấn đề khói bụi, tiếng ồn, nước xả thải… của các công ty sản xuất giấy, ván ép, nhựa tái sinh.

Hay như tại xã Đồng Hợp (huyện Quỳ Hợp), toàn xã có 3 CCN với hàng chục doanh nghiệp hoạt động chế biến, cưa xẻ đá các loại. Đó là CCN Đồng Cạn, CCN Đồng Lèn và CCN 5 xóm Đồng Hợp. Tuy nhiên, theo phản ánh thì tất cả các CCN này đều hình thành tự phát đã lâu và mới được bổ sung quy hoạch CCN, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên vấn đề ô nhiễm môi trường là vấn đề nan giải từ nhiều năm trước đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Còn toàn huyện Quỳ Hợp có đến 9 CCN với khoảng trên dưới 100 cơ sở sản xuất nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hạ tầng cũng “chắp vá”, không đồng bộ.

Hay huyện Diễn Châu hiện nay có 2 CCN đang hoạt động, đó là CCN Diễn Hồng và CCN Tháp – Hồng – Kỷ. Năm 2010, UBND huyện Diễn Châu đã xây dựng trạm thu gom và xử lý nước thải, có công suất xử lý khoảng 300 m3/ngày, đêm, trị giá 6,1 tỷ đồng tại CCN Tháp – Hồng – Kỷ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành và tiến hành chạy thử năm 2012 đến nay, công trình này chủ yếu hoạt động cầm chừng. Dù đã có trạm xử lý nước thải nhưng không vận hành liên tục nên lâu nay hầu hết các cơ sở sản xuất trong CCN Tháp – Hồng – Kỷ gần như đang tự xử lý nước thải, sau đó xả ra môi trường theo các con mương.

Còn tại CCN Diễn Hồng đã có 3 hồ lắng nước thải, tuy nhiên các hồ lắng này hiện nay đã phủ đầy bèo và gần như không có tác dụng. Hơn nữa nước thải trong khu vực không hoàn toàn được thu gom về đây, gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Sở Công Thương Nghệ An, nhiều năm qua, việc quy hoạch và phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đến nay đã có 23 CCN đi vào hoạt động, thu hút 251 dự án đầu tư, trong đó chủ yếu là các lĩnh vực chế biến khoáng sản, dệt may, gia công cơ khí, tái chế kim loại, tái chế sản phẩm nhựa, sản xuất bao bì…

Tuy nhiên, các nhóm lĩnh vực này đều có nguy cơ ô nhiễm cao nhưng chỉ mới có 10/23 CCN có hệ thống xử lý nước thải, tuy vậy chủ yếu cũng là xử lý theo kiểu hồ lắng, đơn giản và đương nhiên chưa thể xử lý triệt để. Ngành công thương đã và đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng, kiến nghị chính quyền địa phương tìm giải pháp khắc phục.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại CCN Tháp – Hồng – Kỷ tại huyện Diễn Châu được đầu tư 6,1 tỷ đồng nhưng rất ít khi hoạt động.

Ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng thừa nhận rằng, việc quy hoạch, thu hút đầu tư vào các CCN đã mang lại những lợi ích lớn lao về mặt kinh tế – xã hội đối với Nghệ An. Các CCN góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm các ngành công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn lớn, dự án lớn mà tỉnh đã và đang thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT). Đồng thời, khai thác tiềm năng của các vùng miền, các địa phương, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hạ tầng ở các CCN về cơ bản đang thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và khu vực dân cư cận kề.

Về những bất cập trong các CCN ở địa phương, nhất là hệ thống xử lý nước thải tại CCN Diễn Hồng và CCN Tháp – Hồng – Kỷ, ông Lê Mạnh Hiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: Tại CCN này, cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhưng do nhu cầu sản xuất của các hộ nhỏ lẻ nên cũng chưa có cơ sở nào sử dụng trạm xử lý nước thải tại đây. Ở CCN Diễn Hồng thì 2 năm nay đang tiến hành đầu tư về xử lý nước thải tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

“Tới đây, huyện lập đoàn thanh tra đến tận các cơ sở sản xuất, nếu như cơ sở nào không đáp ứng yêu cầu về môi trường huyện kiên quyết đóng cửa…” ông Hiên nói.

Bất cập lớn nhất hiện nay tại các CCN là dù thuộc cấp huyện quản lý, nhưng lại chưa có quy định, mô hình tổ chức bộ máy nào để quản lý các CCN. Vì thế, các địa phương đang phải cử cán bộ kiêm nhiệm làm công tác quản lý. Điều này khiến cho mô hình hoạt động của các CCN đạt hiệu quả không cao. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước nhưng rất khó xử lý dứt điểm.

Hoàng Trinh – Báo Công Thương

Theo Công Thương

Ảnh: Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các CCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang khiến cho người dân sống xung quanh bức xúc trong nhiều năm.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://congthuong.vn/nghe-an-nan-giai-xu-ly-o-nhiem-tai-cum-cong-nghiep-174014.html