Nghệ An: ‘Hỏa tốc’ ứng phó với hạn hán

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công điện ‘hỏa tốc’ yêu cầu UBND các huyện, thành, thị; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan; Giám đốc các Công ty TNHH thủy lợi; các Nhà máy thủy điện; Công ty Điện lực Nghệ An tập trung ứng phó với nắng nóng kéo dài, hạn hán và xâm nhập mặn vụ hè thu – mùa 2019.

Theo đó, Công điện số 12/CĐ-UBND, ngày 26/7/2019 của UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ: Từ đầu vụ hè thu năm 2019, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức bất lợi, nắng nóng gay gắt xảy ra liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày với nền nhiệt độ cao phổ biến từ 37 – 40oC, một số nơi cao hơn, gió Tây Nam thổi mạnh liên tục. Mực nước trên các sông, suối xuống rất thấp: Mực nước sông Cả tại thượng lưu cống Nam Đàn vào lúc 14 giờ ngày 23/7 xuống mức -0,6m/ thiết kế 1,15m. Hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ dung tích hữu ích chỉ còn 3,8%, các hồ chứa thủy lợi dung tích chỉ còn 20 – 50% dung tích thiết kế, nhiều hồ nhỏ đã cạn.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung bộ, thời gian tới, nắng nóng gay gắt có thể còn tiếp tục xảy ra, lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, tình trạng hạn hán, thiếu nước tiếp tục xảy ra trên diện rộng. Nước mặn có nguy cơ xâm nhập sâu ở vùng cửa sông, ven biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan; chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các công ty TNHH thủy lợi, nông, lâm nghiệp, thủy điện, điện lực tập trung thực hiện nghiêm túc các nội dung trong Công điện số 897/CĐ-TTg ngày 24/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục thực hiện Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 21/6/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về phòng, chống hạn vụ hè thu – mùa năm 2019.

Nhiều diện tích lúa hè thu bị thiếu nước trầm trọng (Trong ảnh là ruộng bị nứt nẻ do thiếu nước tưới ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên)

Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Sở NN&PTNT. Cụ thể là, tổ chức nạo vét cửa lấy nước, kênh mương; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước và ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; hướng dẫn nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp tích nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chống thất thoát, lãng phí nước; chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng núi cao, vùng ven biển thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt…

Các địa phương và các đơn vị liên quan căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, tiếp tục rà soát, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa đảm bảo cấp nước sang cây trồng cạn; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị liên quan chuẩn bị các giống cây trồng ngắn ngày để khi có nguồn nước là gieo trồng được ngay, đảm bảo kịp thời vụ.

UBND tỉnh Nghệ An ra Công điện “hỏa tốc” ứng phó với hạn hán

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu, nguồn nước và tình hình hạn hán; tiếp tục cử cán bộ đi xuống các địa bàn để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn có hiệu quả; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả để các địa phương, doanh nghiệp, người dân áp dụng; chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi…

Yêu cầu các nhà máy thủy điện trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT thống nhất kế hoạch xả nước gắn với nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất vùng hạ du. Công ty điện lực Nghệ An ưu tiên cung ứng điện, đảm bảo cho các trạm bơm để chủ động vận hành khi có nguồn nước. Các Công ty TNHH thủy lợi phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện tưới luân phiên, dồn ép nước để đảm bảo nước cho khu tưới ở vùng cao, vùng cuối kênh thiếu nước; tiếp tục thực hiện các biện pháp để ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Các công ty nông, lâm nghiệp, HTX chỉ đạo thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm nước để đảm bảo độ ẩm cho các loại cây chè, cà phê, cam, dứa…

Phạm Tuân – Báo TNMT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: Hạn hán đang khiến cho nước tưới bị cạn kiệt (Trong ảnh là mực nước kênh Nhà Lê ở Nghi Lộc cạn trơ đáy)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/nghe-an-hoa-toc-ung-pho-voi-han-han-1272371.html