Ngập lụt từ lâu đã trở thành căn bệnh ‘mãn tính’ của TPHCM. Mặc dù, hơn 10 năm qua, thành phố đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng và huy động rất nhiều nguồn nhân lực, vật lực để chống ngập. Song, kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng, diễn biến ngập nước ở TP.HCM ngày càng nghiêm trọng và phức tạp hơn.
Điều đáng nói là hiện nay “căn bệnh” ngập lụt không chỉ diễn ra ở TP.HCM mà còn lan sang các đô thị mới như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Bảo Lộc, Cần Thơ… Đâu là nguyên nhân khiến cho “căn bệnh” ngập lụt “lây lan”? Làm thế nào để giải quyết tận gốc “vấn nạn” ngập lụt đô thị?.
Sống trên quốc lộ 51 đoạn qua phường Long Bình Tân (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nhiều năm nay, gia đình bà Hoa luôn phải khổ sở vì nước ngập tràn vào nhà mỗi khi trời mưa. Theo bà Hoa, mỗi lần mưa, nước lại đổ dồn về khu vực này rất nhiều, trong khi đó, hệ thống cống thoát nước lại quá nhỏ khiến nước rút chậm.
“Bây giờ quá trời chịu không nổi luôn, mưa nhỏ mưa lớn gì cũng ngập, hồi đó đâu có đâu. Hồi đó nếu mà có ngập thì 1 chút xíu, tạnh là hết, không có lâu như bây giờ, bây giờ mưa tạnh rồi mà cả tiếng đồng hồ mới rút”, bà Hoa cho biết.
Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều điểm ngập nặng tại các địa phương như TP. Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch. Ngoài các điểm ngập ở các khu dân cư thì trên các tuyến đường liên tỉnh và cả quốc lộ…cũng thường xuyên ngập nặng, gây khó khăn cho người dân mỗi giờ tan tầm
Tương tự, tại Bình Dương, điệp khúc “mưa – ngập” cũng liên tục xảy ra trên các tuyến đường và khu dân cư tại các khu vực như TP. Dĩ An, TP. Thuận An, TP. Thủ Dầu Một… Nguyên nhân theo lý giải của Sở GTVT tỉnh Bình Dương là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nhiều nơi hệ thống thoát nước bị lạc hậu. Trong khi đó, các công trình thi công gây cản trở dòng chảy khiến nước thoát không kịp gây ngập cục bộ.
Cùng với đó, việc triều cường cộng với xả lũ Hồ Dầu Tiếng dẫn đến hệ thống thoát nước không kịp trong các trận mưa trên địa bàn, khiến người dân vô cùng khổ sở.
“Đi lại bất tiện, xe cộ chết máy nhiều, nhà thì ngập, nước vào hết trong nhà, thì từ trước đến giờ là cứ mưa là ngập thôi, mùa mưa năm nào cũng ngập”.
“Ngập thường xuyên, cứ mưa là ngập à, ngập vô tận nhà luôn, ngập ở đây thì đường nó không thoát được nước”.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, hiện trên địa bàn có 15 tuyến đường chính ngập sau mưa, 24 tuyến đường bị ngập trong lúc xảy ra mưa và 9 tuyến đường bị ngập do ảnh hưởng triều cường.
Còn tại TP.HCM, tình trạng ngập diện rộng liên tục diễn ra từ khoảng cuối tháng 5, khi TP.HCM cùng khu vực Nam bộ chính thức bước vào mùa mưa. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn có 15 tuyến đường chính ngập sau mưa, 24 tuyến đường bị ngập trong lúc xảy ra mưa và 9 tuyến đường bị ngập do ảnh hưởng triều cường.
Trong đó, giai đoạn 2 năm qua đã giải quyết được 5 tuyến đường gồm Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát (Q.Tân Bình), Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), đạt tỷ lệ 27,78% so với kế hoạch.
Ông Đỗ Tấn Long (Phó Giám đốc Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật – Sở Xây dựng TP.HCM) thẳng thắn nhìn nhận, thời gian tới vẫn xảy ra ngập tại những nơi hệ thống thoát nước chưa được đầu tư, nâng cấp, đặc biệt khi có các trận mưa vượt tần suất thiết kế.
“Hiện nay, trên địa bản TP.HCM còn 15 tuyến đường trục chính còn bị ngập. Ngoài ra còn nhiều tuyến hẻm chưa được đầu tư. Đặc biệt là các khu vực vùng ven còn rất nhiều chỗ ngập nặng, ngập thường thuyên thì qua theo dõi thì có 3 khu trong đó TP Thủ Đức có 2 khu. Khu thứ nhất là thuộc địa bàn quận Gò Vấp, đường Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Khối. Khu vực thứ 2 là Thảo Điền Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng thuộc TP Thủ Đức. Khu vực 3 là Đặng Thị Rành – Dương Văn Cam khu vực này khi mưa lớn ngập rất nặng”, ông Long cho biết.
Lý giải về tình trạng ngập lụt “lây lan” sang các đô thị mới hiện nay, theo thạc sỹ Lê Thị Xuân Lan (chuyên gia dự báo thời tiết), 1 phần do biến đổi khí hậu, 1 phần là do quá trình đô thị hóa và yếu tố con người: “Hết sức là phức tạp, chưa kể đến chuyện biến đổi khí hậu, biến đổi khí hậu thì nó sẽ gây ra mưa nhiều. Nhưng mà ngoài việc những nguyên nhân tự nhiên tác động vào thì những nguyên nhân của con người rất là nhiều. Bây giờ mình phải tìm hiểu 1 cách rất là sâu sắc và phải có 1 cái kế hoạch, đó là theo 1 quy hoạch và quy hoạch phải mang tính chất khoa học cao.”
Ở góc độ chuyên gia đô thị, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: các thành phố mới ở Việt Nam càng ngày càng ngập nhiều là do phát triển đô thị thiếu bền vững, thiếu quy hoạch không gian dành cho nước: “Cụ thể, thiếu bền vững là hạ tầng thoát nước không tương xứng với diện tích sàn mét vuông mà mình tăng thêm. Thậm chí nhiều khu vực chỉ xây nhà mà không có hạ tầng thoát nước. Cái thứ hai là các địa phương phát triển bê tông hóa khá cao, dành rất ít cho không gian xanh mặt nước, đất nó không thở được thành ra nó mới sinh ra ngập. Đặc biệt những vùng cao, cao nguyên như Đà Lạt, Bảo Lộc… thêm một cái yếu tố về độ dốc. Với tác động của bề mặt không thấm nước đó cộng với độ dốc thì nước nó chảy từ nơi cao xuống chỗ thấp rất là nhanh tốc độ tăng hàng chục lần thì coi như có hạ tầng thoát nước đi nữa nó cũng không thoát nổi”.
Đô thị đứng trước thách thức về tình trạng ngập lụt
Để giải quyết tận gốc “vấn nạn” ngập lụt đô thị, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, TP.HCM và các đô thị mới cần rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển không gian và phát triển hạ tầng, cơ cấu lại tổ chức quản lý đô thị: “Cách giải quyết là rà soát, quy hoạch lại không gian dành cho nước. Đầu tiên phải đảm bảo không gian dành cho nước, ở những khu vực mà mình đang có công viên bị lấn chiếm, sông hồ bị lấp… thì nên trả lại không gian xanh. Ở những khu vực xây dựng quá dày đặc rồi không còn diện tích, không gian xanh mặt nước nữa thì buộc phải làm những giải pháp giống như bên Tokyo là xây những hồ điều tiết ngầm. Thói quen phát triển thiếu bền vững kéo dài từ nhiều thập niên muốn điều chỉnh cái này thì cần cơ cấu lại tổ chức quản lý đô thị cũng như cơ cấu lại cách thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng”.
Ngập lụt đã và đang trở thành “vấn nạn” chung của nhiều đô thị ở nước ta, nhất là ở các đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Thời gian qua, TP.HCM và các địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp để chống ngập như nâng cấp hệ thống cống thoát nước, cống kiểm soát triều, đê bao, xây dựng bản đồ số về các điểm ngập, sử dụng “siêu máy bơm” chống ngập…
Tuy nhiên, giải pháp bền vững để giải quyết tận gốc “vấn nạn” ngập lụt đô thị là xây dựng một “chiến lược” quy hoạch và quản lý quy hoạch hiệu quả. Đã đến lúc các đơn vị liên quan cần đổi mới tư duy chống ngập và vào cuộc 1 cách khẩn trương, quyết liệt hơn nữa.
Diễm Thúy – Nhất Hoàng – Trọng Điển/VOV-Giao thông
Theo VOV.VN
Ảnh: Ngập lụt đã và đang trở thành “vấn nạn” chung của nhiều đô thị ở nước ta, nhất là ở các đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.
Xem bài viết gốc tại đây: