Đang tồn tại một nghịch lý là công trình quốc gia, sử dụng tài nguyên của quốc gia lại bị làm giá, bị ‘chặt chém’.
Dự án cao tốc Bắc – Nam là công trình trọng điểm quốc gia, Thủ tướng đã yêu cầu UBND các tỉnh có dự án đi qua ưu tiên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh thủ tục cấp hoặc gia hạn giấy phép khai thác mỏ vật liệu cho các nhà đầu tư, các nhà thầu thi công dự án.
Tuy nhiên, đến nay, tiến độ các dự án cao tốc Bắc – Nam đang bị đe dọa bởi một lý do mà trước đó có lẽ ít ai ngờ tới: Khan hiếm nguồn vật liệu thi công (đất đắp nền).
Điều đáng nói là trong khi một số địa phương nại lý do thủ tục cấp phép nhiêu khê, mất nhiều thời gian, cần cơ chế đặc thù… thì tại nhiều nơi chủ mỏ tăng giá bán vật liệu một cách chóng mặt, đẩy nhà thầu vào tình thế nan giải.
Và đến ngày 17/3, Thủ tướng đã phải ra văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá, tìm giải pháp phù hợp.
Vấn đề đặt ra là vì sao lại thiếu đất đắp nền khi đã có quy hoạch mỏ phục vụ dự án? Có thật sự thiếu hay không, hay đang có “bàn tay vô hình” đầu cơ, thao túng giá để trục lợi?
Vật liệu thi công nói chung và đất đắp nền đường nói riêng cho 11 đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam đã được quy hoạch phục vụ dự án với khoảng 180 mỏ. Hiện còn 82 mỏ đang trong diện quy hoạch, chờ cấp phép. Tổng trữ lượng khoảng 101 triệu m3.
Thế nhưng trên thực tế, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu như “ngồi trên lửa” khi các mỏ đang khai thác chưa đáp ứng đủ trữ lượng; các mỏ đã quy hoạch thì cứ ngân nga câu… chờ thủ tục! Nhiều địa phương còn nại rằng “vướng luật”, “thủ tục cấp phép lâu”. Vì cứ nhẩn nha “chờ thủ tục” nên tình trạng khan hiếm vật liệt xuất hiện, giá tăng gấp nhiều lần.
Hãy thử hình dung với hàng triệu m3 đất cho từng đoạn dự án, số tiền chênh lệch sẽ lớn đến mức nào?
Mỏ đất là tài nguyên quốc gia. Các công trình dự án cao tốc là công trình quốc gia. Ấy vậy nhưng lại đang tồn tại một nghịch lý là công trình quốc gia, sử dụng tài nguyên của quốc gia lại bị làm giá, bị “chặt chém”.
Sở dĩ có câu chuyện này là vì dù là tài nguyên quốc gia nhưng theo phân cấp thì địa phương được cấp phép mỏ vật liệu. Việc cấp phép có thể qua đấu giá hoặc không đấu giá. Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trúng thầu (hoặc chỉ định) với giá ấn định.
Tuy nhiên, nếu chính quyền địa phương không kiểm soát hoặc làm ngơ, thì các chủ mỏ tha hồ làm giá, đẩy giá. Và đến lúc này, nhà thầu sẽ chịu thiệt đầu tiên. Việc nhà thầu rơi vào tình cảnh khó khăn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án, đó là điều không thể tránh khỏi.
Với 82 mỏ đã quy hoạch chờ cấp phép, trong khi các địa phương cho rằng thủ tục cấp phép phức tạp, thì đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản khẳng định: Với những mỏ vật liệu như đất đắp nền phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia không phải qua đấu thầu thì dù thủ tục có quy định bao nhiêu ngày, địa phương cũng hoàn toàn có thể cấp phép trong 1 ngày, miễn là hợp lý.
Giá vật liệu tăng phi mã do tình trạng khan hiếm (có thể là giả tạo) đang gây áp lực lên tiến độ các dự án, trong khi các mỏ đã quy hoạch vẫn án binh bất động. Tại sao có tình trạng trái khoáy này?
Dư luận đang đặt ra nghi vấn: Có hay không những nhóm lợi ích đang thao túng để tạo ra sự khan hiếm, làm lợi cho một số cá nhân?
Bộ Công an cho biết, sẽ vào cuộc xác minh, điều tra nếu có những biểu hiện của hoạt động đầu cơ, thao túng thị trường nhằm trục lợi.
Tuy nhiên, việc cần làm trước mắt là các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh thủ tục cấp hoặc gia hạn giấy phép khai thác mỏ. Có như vậy tiến độ dự án mới được đảm bảo theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ.
Thêm nữa, nếu địa phương nào cũng làm được như tỉnh Quảng Ninh, chắc chắn ngăn được “bàn tay vô hình” đầu cơ, thao túng giá vật liệu.
Bởi trong khi các địa phương trao quyền khai thác các mỏ tài nguyên cho tư nhân để các chủ mỏ thao túng giá, tỉnh Quảng Ninh lại có cách làm rất khác: Quy hoạch trước các mỏ vật liệu; cấp thẳng mỏ cho chủ đầu tư dự án mà không phải mua, bán qua khâu trung gian; mỏ cấp cho dự án dùng vốn ngân sách không phải qua đấu giá…
Theo Giao Thông
Ảnh: Thiếu vật liệu đất đắp nên hạng mục thi công nền tại gói thầu XL5 dự án Cam Lộ – La Sơn còn ngổn ngang
Xem bài viết gốc tại đây:
https://www.baogiaothong.vn/ngan-ban-tay-vo-hinh-truc-loi-tai-nguyen-d499611.html